Trong khi điểm đầu vào của một số trường ĐH nói chung và trường thuộc ngành xã hội nhân văn nói riêng khá thấp, có một số khoa điểm đầu vào chỉ bằng điểm sàn xét tuyển, nhưng điểm đầu ra lại khá cao, bằng khá, giỏi chiếm đa số. Lý giải vấn đề này, ông Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng chính quy chế đào tạo và sức ép của xã hội khiến SV chú tâm vào học tập, điểm số được cải thiện nhiều hơn các năm trước.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) nhận bằng tốt nghiệp năm 2011. |
Trên 90% tốt nghiệp loại khá, giỏi
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ của ĐH Đà Nẵng tháng 12-2011, Trường ĐH Sư phạm công bố tỷ lệ tốt nghiệp của niên khóa 2007-2011 có 0,72% xuất sắc, 20,35% giỏi, 74,70% khá và trung bình chỉ có 4,22%. Kết quả tốt nghiệp của ĐH Ngoại ngữ niên khóa 2007-2011, những con số trên cũng lần lượt là 1,9% xuất sắc, 21%, giỏi 72,4% khá và 4,8% trung bình.
Tại Trường ĐH Bách khoa, khóa 2006-2011 tốt nghiệp với tỷ lệ đạt loại khá trở lên chiếm 82%. Tại Trường ĐH Duy Tân, trong tổng số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2011, số sinh viên được nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 94,5%.
Giảng viên một số trường ĐH cho rằng hiện nay SV nhiều trường có bằng khá, giỏi khi ra trường là một kết quả tất yếu khi nhu cầu tuyển dụng trong xã hội yêu cầu loại bằng “đẹp”, buộc SV phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập. Nhưng thực chất tỷ lệ bằng khá, giỏi rất cao ấy có phản ánh hết năng lực học tập của sinh viên và chất lượng đầu ra có giúp các em trở thành những nhân viên giỏi của các cơ quan, ban, ngành?
Tuyển dụng: nên đánh giá vào năng lực
Khi chúng tôi đặt vấn đề như vậy, ông Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, có nhiều nguyên nhân để SV có bằng tốt nghiệp khá, giỏi: Do quy chế đào tạo theo hình thức tín chỉ, cho phép người học học lại những môn có kết quả thấp. Đây là điều kiện để SV cải thiện điểm “xấu” thành điểm “đẹp”.
Bên cạnh đó, quy trình đào tạo có nhiều tiến bộ như việc kéo dài thời gian học nếu mỗi SV cảm thấy sức học yếu (với ĐH Sư phạm có 135 tín chỉ/8 học kỳ), SV có thể đăng ký ít tín chỉ hơn trong mỗi năm học, để có kết quả học tập tốt hơn. Ngoài ra, những năm gần đây do sức ép của thị trường tuyển dụng lao động, xu thế cạnh tranh khá lớn nên SV muốn có một tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi; muốn thế SV buộc phải học nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn với giảng viên, quan tâm hơn đến vấn đề thi như thế nào để đạt điểm cao. Và đó là một xu hướng tích cực đối với từng SV cũng như tạo sức ép cho giáo viên dạy chi tiết, cụ thể hơn.
Có một thực tế mà nhiều giảng viên ĐH thẳng thắn nhìn nhận là giữa việc học lý thuyết ở các trường và thực tế công việc có một độ “chênh” nhất định. Bạn Bùi Thị Hương, cựu SV khoa Ngữ văn, Trường ĐH Huế ra trường đã 2 năm nhưng vẫn chưa xin được việc làm (đành chấp nhận đi dạy kèm) cho biết, các bạn học lý thuyết rất nhiều. Trong khi đó, để áp dụng những kiến thức lý thuyết vào công việc sẽ làm không hề đơn giản. Một, hai tháng thực tập chẳng thấm tháp vào đâu so với 4 năm học lý thuyết trên giảng đường.
Một điều không kém phần quan trọng trong chương trình đào tạo hiện nay là sinh viên cứ phải học theo những gì nhà trường cung cấp, không quan tâm tới nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhà trường cứ đào tạo theo lối mòn, lặp đi lặp lại những kiến thức cũ không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Một lãnh đạo trường ĐH trao đổi với người viết rằng, các cơ quan khi tuyển dụng nên đánh giá vào năng lực của người gửi đơn chứ không chỉ đánh giá qua bằng cấp. Vì bằng cấp giữa các trường đã có sự đánh giá khác nhau. Ví dụ với ngành báo chí, thì ngoài bằng cấp, việc đánh giá chuyên môn sẽ khá dễ dàng khi chỉ cần qua 1 - 2 tháng thử việc, người đó có làm được việc hay không, thực sự có năng khiếu báo chí để đảm nhận công việc hay không. Và không cần sự đánh giá “cả nể” của người tuyển dụng, ai làm được việc sẽ được tuyển và việc được tuyển dụng hay không, nên cho người lao động biết sớm để họ đi tìm kiếm những cơ hội ở nơi khác, thay vì ngóng chờ kết quả tuyển dụng.
Biên tập viên một nhà xuất bản đóng tại địa bàn Đà Nẵng cho biết, hằng năm có khá nhiều hồ sơ xin việc của các SV tốt nghiệp ngành ngữ văn gửi đến nhà xuất bản. Hầu hết các bạn đều có bằng khá, giỏi, nhưng qua thử việc thì có rất ít người có các kỹ năng biên tập; chưa kể nhiều bạn khi diễn đạt ý còn khá lủng củng, buộc chúng tôi phải sửa rất nhiều thì làm sao biên tập được câu văn của người khác!
Chị T trưởng phòng phóng viên một cơ quan hoạt động báo chí tại Đà Nẵng cũng cho biết, cách đây 4 năm, Ng.V., một SV học ĐH Sư phạm Đà Nẵng sau khi kết thúc đợt thực tập, đã ngồi khóc ngon lành khi biết mình không được xếp loại tốt. Dù rằng, suốt 2 tháng thực tập, V. chỉ tới cơ quan 3 lần, không hề có ý thức học hỏi, cọ xát trong công việc. Ng.V. nói rằng: “Nếu xếp loại như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp của em”. Chị T. “không đành lòng” đã bảo V. làm 1 tờ giấy khác và ghi lời nhận xét khác cho em! Sau nhiều năm rồi, mà chị T. vẫn bần thần: Không biết, có bao nhiêu người khi hướng dẫn thực tập đã “không đành lòng” như chị, bao nhiêu SV như thế ra trường sẽ làm việc như thế nào, cho dù có được bằng khá giỏi?
Vấn đề xếp loại bằng cấp có thể chưa thể hiện thực chất khả năng, trình độ của người học. Và chính giáo viên các trường cũng như nhà tuyển dụng vẫn khó có thể hiểu hết năng lực của SV nếu không chứng kiến họ cọ xát thực tế với công việc.
Ông Lê Quang Sơn cho rằng không có trường nào đặt ra chỉ tiêu, chiến lược mỗi khóa tốt nghiệp có bao nhiêu SV khá, giỏi. Vì khi làm thầy mới hiểu được là nếu giáo viên cho điểm dễ dàng, những lần sau SV sẽ không học nữa, họ ỷ vào sự dễ dãi của giáo viên, không tôn trọng giáo viên, điều đó “nguy hiểm” cho sự nghiệp giảng dạy của giáo viên. Và sự không đồng bộ giữa chương trình học, tuyển dụng và thực tế thị trường lao động đã chỉ ra nhu cầu cho việc ra đời những công ty chuyên đánh giá năng lực. Chính sự tư vấn, đánh giá của những người chuyên về đánh giá năng lực mới kéo sự thực chất giữa chương trình học, chất lượng học và năng lực làm việc của người lao động đến với thực tế công việc.
HIỀN LƯƠNG