.

Trồng rau không đất

.

Vấn đề an toàn thực phẩm đặt ra ngày càng bức thiết. Nhiều bà nội trợ khi đi chợ phải đau đầu chọn rau củ quả hơi còi cọc, có nhiều sâu để tránh rau củ bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng rau ngày càng bị thu hẹp. Lượng rau xanh của thành phố phần lớn được chuyển từ các nơi khác đến… Từ thực tế này, cùng với nhóm nghiên cứu, TS Võ Văn Minh, Trưởng Khoa Sinh - Môi trường, Trưởng nhóm Nghiên cứu - giảng dạy “Môi trường và Tài nguyên sinh học”, ĐH Đà Nẵng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh.

TS Minh giới thiệu mô hình trồng rau mới đến bà con nông dân.
TS Minh giới thiệu mô hình trồng rau mới đến bà con nông dân.

Rau sạch cho dân đô thị

Theo TS Minh, trước đây ở một số nơi như Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt cũng có nghiên cứu và trồng bằng mô hình này. Riêng Sài Gòn có thủy canh bằng giàn treo… Với khí hậu, thời tiết của Đà Nẵng nhiều gió, nên nhóm đã nghiên cứu phương pháp, ứng dụng cho phù hợp với điều kiện hạ tầng, khí hậu ở Đà Nẵng. Với các hộ gia đình, thủy canh tĩnh sẽ phù hợp và tiết kiệm hơn, còn thủy canh hồi lưu được thiết kế thành tầng, làm từ những ống như PVC đường kính 90mm sẽ có độ bền lâu hơn,  bảo đảm thẩm mỹ nhưng chi phí cao hơn.

Sau hơn một năm nghiên cứu, trồng thí điểm, tháng 6-2011, nhóm đã phối hợp với Liên minh các hợp tác xã TP Đà Nẵng tổ chức 2 buổi hội thảo, tập huấn cho 60 hộ nông dân trên địa bàn thành phố để hỗ trợ các hộ nông dân không có đất có thể trồng rau bằng phương pháp này. Sau các buổi hội thảo có nhiều người tìm đến và được nhóm nghiên  cứu  tư vấn, chuyển giao kỹ thuật. Nhiều người hứng thú với cách trồng mới này vì các loại rau ăn lá, ăn quả như rau cải, xà lách, rau muống, mướp đắng… dễ trồng lại rút ngắn được thời gian thu hoạch.

Hiện có khoảng 30 hộ gia đình trồng rau thủy canh trên địa bàn thành phố do nhóm trực tiếp tư vấn và hướng dẫn. Sau khi mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh của nhóm được hướng dẫn trên VTV2, có nhiều người ở các tỉnh thành khác liên hệ xin được tư vấn qua điện thoại, email về cách trồng và chăm sóc rau. Tuy nhiên đến nay loại rau này mới chỉ được các hộ trồng để sử dụng tại gia đình, chưa có để cung cấp ra ngoài thị trường.

Biết được mô hình này từ trên mạng, chị Quỳnh Loan, phường Hòa An, Cẩm Lệ đã chủ động liên hệ với nhóm để lắp đặt và hướng dẫn trồng rau sạch an toàn. Chị chọn mô hình hồi lưu, làm dàn bằng, đặt trên sân thượng, gồm 8 ống nhựa PVC nằm ngang đặt được 300 hũ để gieo hạt, trồng chủ yếu rau muống, cải con, xà lách… Mới hơn 1 tháng, chị đã thu hoạch mỗi loại rau được 2 đợt. Với cách trồng này, rau không bị sâu bệnh, không phải chăm sóc nhiều, chỉ cần đổ dung dịch đúng định kỳ là rau lớn. Sân thượng nhà chị cũng xanh mát hơn, đẹp hơn, và quan trọng nhất, gia đình chị luôn có rau sạch trong các bữa ăn.

Đưa rau ra đảo

Ngoài việc giúp đỡ các hộ gia đình nơi đô thị tự chủ được nguồn rau xanh, mong muốn lớn nhất của TS Minh và nhóm nghiên cứu là có thể đưa công nghệ thủy canh vào sản xuất rau ở các vùng đảo xa, nơi có thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi.

Mới đây, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ý tưởng trồng rau này tới lãnh đạo thành phố Hội An để đưa công nghệ ra áp dụng tại đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam). Nhóm cũng đã giới thiệu ý tưởng, thuyết minh và chờ duyệt kinh phí. Mục tiêu là trong mùa hè này có thể triển khai sớm, để mùa mưa khan hiếm rau quả, bà con ngoài đảo sớm có rau ăn. Chỉ cần 3 tháng hướng dẫn và tập huấn, người dân có thể chủ động được công nghệ và chăm sóc rau phát triển tốt. Tuy nghiên, cái khó nhất là ở đô thị thì dễ dàng lắp được một dàn rau nhưng ngoài đảo cần có sự khảo sát, phù hợp với khí hậu, gió, cộng với nguồn điện chiếu sáng không thường xuyên nên phải làm thủy canh bán tự động và tận dụng những thứ có sẵn ngoài đảo như thân tre để thay thế ống nhựa. Đây cũng là cách để hạn chế kinh phí cho bà con. TS Minh và nhóm nghiên cứu đang cố gắng triển khai chất dinh dưỡng trồng cây từ dạng nước sang dạng bột để người dân sử dụng dễ hơn, việc vận chuyển ra đảo hoặc vận chuyển đi xa sẽ thuận lợi hơn.

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể mà không phải là đất. Các giá thể có thể là cát, trấu, vỏ xơ dừa, than bùn…; chọn sử dụng những chất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, tránh được sự phát triển của côn trùng, cỏ dại và các bệnh từ đất.

Có 2 mô hình: Thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu.

- Thủy canh tĩnh: Hệ thống trồng cây có dung dịch hữu cơ dinh dưỡng đựng cố định trong một vật chứa cách nhiệt (thường là hộp xốp), dung dịch  được tính toán với lượng đủ cung cấp cho một chu trình phát triển của số cây được trồng. Có thể trồng được nhiều loại rau ở những nơi có diện tích lớn như ban-công, sân thượng, những hộp này cũng có thể đặt trong nhà lưới, khoảng không gian mở được che mưa hoặc để trong nhà.

- Thủy canh hồi lưu: Được áp dụng theo nguyên tắc hoạt động kỹ thuật màng dinh dưỡng, dinh dưỡng được bơm qua hệ thống rễ cây, dịch dư được thu nhận và tái sử dụng. Để lắp đặt mô hình thủy canh hồi lưu đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn mô hình thủy canh tĩnh.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.