Trong khoảng thời gian sống, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, ông vinh dự được ba lần gặp Bác Hồ. Hình ảnh về Bác đã trở thành niềm tin yêu, kính mến vô vàn trong ông. Về cuối đời, người lính của ngày xưa đã thực hiện mơ ước mà lòng mình luôn ấp ủ đó là “mời Bác về thăm quê”.
Nhà tưởng niệm Bác như một thư viện nhỏ đầy ắp hình ảnh của Người. |
Nhà thờ Bác Hồ do người lính già Võ Như Thông (SN 1934) xây dựng tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bằng số tiền tích góp nhiều năm từ lương hưu đã khiến cho bao người đến đây đã đầy lòng yêu quý và cảm phục. Quý một tấm lòng của một người đã từng chọn tên mình là Tử Vi Dân suốt những năm tham gia cách mạng, như cách để ông dặn lòng học Bác vì nhân dân chiến đấu quên mình.
Trước nhà thờ là bức tượng Bác cao khoảng 3m. Chung quanh là khuôn viên được chăm chút với nhiều hoa, cây cảnh. Bên cạnh nhà thờ là nhà tưởng niệm - nơi ông sưu tầm những sách, báo liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm văn thơ của Bác. Ông nói bằng cả tấm lòng tôn kính Bác: Tôi xây dựng tủ sách với mong muốn nhân dân địa phương, cán bộ, học sinh... xem đây như là thư viện nhỏ để tìm hiểu, học tập, noi theo tấm gương của Bác.
Cầm cuốn sách trên tay, ông nhớ lại lần đầu tiên gặp Bác vào năm 1957. Bác về thăm quê ở Nghệ An và ghé Sư đoàn 324 (Quân khu 4) của ông đóng quân tại núi Hồng Lĩnh. Hình ảnh của Bác xuất hiện là một người vừa uy nghiêm, giản dị, vừa gần gũi và uyên bác, nở nụ cười đôn hậu lần lượt bắt tay các đồng chí. Ngày ấy qua đi rất lâu nhưng trong tâm trí ông, Bác vẫn là mãi mãi.
Khi về già, ông tâm sự mong ước bấy lâu nay với vợ con về việc xây dựng nhà thờ Bác trong khuôn viên nhà mình. Cả nhà ông đều đồng lòng ủng hộ. Lần lượt, qua từng năm, các công đoạn được hoàn thành. Tượng đài Bác bằng đá Non Nước (16-8-2008), nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (5-6-2009), nhà tưởng niệm Bác Hồ (28-1-2011)… Hiện nay, tổng số tiền mà vợ chồng ông bỏ ra để xây dựng nhà thờ Bác đã hơn 460 triệu. Số tiền đó với một gia đình làm nông, hưởng đồng lương hưu ít ỏi quả không nhỏ. Ông hy vọng khi mình chết đi, con cháu của ông sẽ gìn giữ nhà thờ Bác để dân làng, những vị khách gần xa có nơi tri ân, thờ phụng, cúng viếng Bác.
Khi lập nghiệp ở vùng đất Trà My, ông Thông tâm sự, gia đình tôi là một trong triệu triệu tấm lòng của người dân yêu quý Bác. Nhiều thế hệ người Trà My dù không có cơ hội được gặp Bác Hồ. Song, Bác vẫn luôn mãi là người soi đường dẫn lối để họ, con cái, cháu chít có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đất nước có được hòa bình, tự do. Ơn Bác đời đời họ khắc cốt ghi tâm, nhiều người đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi đã đổi họ mình thành họ “Hồ”.
Nhiều gia đình người dân Trà My còn thờ phụng Bác như các bậc tiền bối, cha ông của tổ tiên mình. Trên bàn thờ gia đình, ảnh Bác được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm và cao nhất, sau đó mới đặt ảnh linh vị của tổ tiên và những người dòng tộc đã khuất.
Từ ngày nghe tin nhà ông Thông xây dựng nhà thờ Bác Hồ, nhiều người đã tới xem và tình nguyện xin được tham gia đám giỗ Bác. Đến nay, số người đăng ký đã lên đến 51 hộ. Vào ngày 2-9 thường niên, mỗi gia đình tình nguyện sắp xếp công việc đưa con cái về giỗ Bác.
Người lo sắm sửa, người quét dọn, nấu nướng… Khi hoàn thành xong các thủ tục, nghi thức giỗ Bác diễn ra rất trang trọng tôn nghiêm. Ngày đó, họ còn ở lại thâu đêm hát hò, kể chuyện nhau nghe về công lao của Bác, ôn lại những năm tháng kháng chiến gian khổ và chia sẻ vui buồn với nhau về cuộc sống hiện tại...
Năm nay, vào 19-5, ông Thông dự định sẽ tổ chức lễ rước đất tại nhà thờ Bác. Đó là hai nắm đất mà ông đã nhờ đứa cháu đi lấy ở quê nội và quê ngoại Bác về với mong muốn sẽ làm Bác ấm lòng. Đồng thời, đây cũng là buổi lễ để mọi người khắp nơi tìm về thể hiện lòng kính yêu, học tập làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
Nhà thờ Bác tuy nằm trong khuôn viên của một tư gia nhưng vẫn luôn được mở cửa để mọi người có thể vào viếng Bác bất cứ lúc nào. Từng lớp người đến rồi đi, ông Thông cũng không nhớ rõ là số lượng bao nhiêu người nữa, nhưng ông biết một điều, với người dân Trà My, Bác vẫn “sống” mãi với núi rừng và trong tim mỗi người.
TUYẾT PHAN