.

Về việc dùng tên húy đặt tên đường

.

Tôi không nghĩ rằng dùng tên húy (tên cúng cơm, tên khai sinh) đặt tên đường là bất kính đối với các vị tiền nhân. Vấn đề ở đây là nên xử lý thế nào khi đặt tên đường đối với các danh nhân có nhiều danh tính khác nhau (tên khai sinh, tên hiệu, bút danh, bí danh...).
 

Đã dùng tước Trần Hưng Đạo (Vương) thì sẽ không dùng tên họ thực Trần Quốc Tuấn.  Trong ảnh: Đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng.                                          Ảnh: V.T.L
Đã dùng tước Trần Hưng Đạo (Vương) thì sẽ không dùng tên họ thực Trần Quốc Tuấn. Trong ảnh: Đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng.     Ảnh: V.T.L

Theo tôi, trên một địa bàn tương đối hẹp như thành phố Đà Nẵng, có lẽ chỉ nên dùng một danh tính để đặt tên đường đối với mỗi danh nhân, chẳng hạn đã dùng niên hiệu Quang Trung thì sẽ không dùng tên họ thực Nguyễn Huệ, đã dùng tước Trần Hưng Đạo (Vương) thì sẽ không dùng tên họ thực Trần Quốc Tuấn, đã dùng tên họ thực Nguyễn Văn Thoại thì sẽ không dùng tước Thoại Ngọc Hầu, và ngược lại... Cái khó ở đây là nên chọn danh tính nào trong số nhiều danh tính khác nhau của cùng một danh nhân?

Kinh nghiệm cho thấy tốt nhất là nên chọn danh tính nào quen thuộc hơn với số đông công chúng đương thời và ở địa phương. Danh tính quen thuộc ấy có thể là tên họ thực mà cũng có thể là tên hiệu hoặc tước của một người. Phan Châu Trinh có hiệu là Tây Hồ, Trần Quý Cáp có hiệu là Thai Xuyên, Huỳnh Thúc Kháng có hiệu là Mính Viên, Phạm Phú Thứ có hiệu là Trúc Đường, Nguyễn Thành có hiệu là Tiểu La, khi đặt tên đường, nhiều trường hợp người Đà Nẵng chọn tên họ thực như Phan Châu Trinh chứ không chọn hiệu Tây Hồ, hoặc chọn Trần Quý Cáp chứ không chọn hiệu Thái Xuyên, chọn Huỳnh Thúc Kháng chứ không chọn hiệu Mính Viên, chọn Phạm Phú Thứ chứ không chọn hiệu Trúc Đường; nhưng lại chọn hiệu Tiểu La chứ không chọn tên họ thực Nguyễn Thành và người Đà Nẵng cũng đã chọn tước Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương để đặt tên đường chứ không dùng tên hai nhà thơ hoàng tộc Nguyễn Phước Miên Thẩm và Nguyễn Phước Miên Trinh (có lẽ do các danh tính này quen thuộc hơn nhờ lời đánh giá sau đây về tài thơ của hai người: Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường, chứ không phải là do muốn tôn kính hơn với tiền nhân).

Nói chung đối với các nghệ sĩ, chủ yếu là lấy bút danh hoặc tên thường dùng trong nghệ thuật để đặt tên đường. Không ai đặt tên đường Ngô Xuân Diệu, chỉ đặt tên đường Xuân Diệu; không ai đặt tên đường Nguyễn Văn Cao, chỉ đặt tên đường Văn Cao; không ai đặt tên đường Phan Ngọc Hoan, chỉ đặt tên đường Chế Lan Viên; càng không ai lấy danh tính Nguyễn Thị Hinh thay cho danh tính Bà Huyện Thanh Quan để đặt tên đường. Có những trường hợp tên họ thực cũng là bút danh như Nguyễn Du, Vũ Trọng Phụng... thì khi xuất hiện trên bảng tên đường, các danh tính ấy cũng đều khiến người Đà Nẵng liên tưởng nhiều hơn đến phương diện bút danh. Trường hợp nhà văn Lê Khâm - Phan Tứ, giai đoạn sáng tác trước kia tên họ thực Lê Khâm được lấy làm bút danh còn giai đoạn sáng tác sau này lại dùng bút danh mới Phan Tứ thì người Đà Nẵng đã chọn bút danh quen thuộc hơn là Phan Tứ để đặt tên đường.

Đối với các vua chúa, phần lớn chọn đặt tên đường bằng miếu hiệu, như Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông(*); bằng vương hiệu hoặc đế hiệu như Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đinh Tiên Hoàng (Đế)... hoặc bằng niên hiệu như Quang Trung, Duy Tân, Hàm Nghi... song vẫn có trường hợp gọi thẳng tên họ thực như Ngô Quyền, Lê Lợi (có lẽ do danh tính này quen thuộc hơn nhờ câu nói mang màu sắc dân gian: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi), Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Nguyên...

Đặc biệt đối với các vị tiền bối cách mạng vô sản thì hầu như đều dùng tên thường gọi chứ ít dùng tên họ thực để đặt tên đường, như dùng Hồ Tùng Mậu (thay vì tên họ thực là Hồ Bá Cự), Hải Triều (thay vì tên họ thực là Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Thị Minh Khai (thay vì tên họ thực là Nguyễn Thị Vịnh), Hoàng Văn Thụ (thay vì tên họ thực là Hoàng Đình Hưng), Hoàng Quốc Việt (thay vì tên họ thực là Hạ Bá Cang), Trường Chinh (thay vì tên họ thực là Đặng Xuân Khu)... Ngay cả trường hợp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Dãnh, khi đặt tên đường người ta cũng dùng tên thường gọi là Mẹ Nhu chứ không dùng tên họ thực. Trường hợp Phan Bôi - em ruột Phan Thanh - có hơi khác một chút là được người Đà Nẵng dùng tên họ thực để đặt tên đường thay cho tên thường gọi Hoàng Hữu Nam. Thật ra đối với người Đà Nẵng thì danh tính Phan Bôi quen thuộc hơn nhiều (qua cuộc đón tiếp phái bộ Justin Godart năm 1937 và qua vận động tranh cử vào Quốc hội khóa I năm 1946), trong khi đó không phải ai cũng biết danh tính Hoàng Hữu Nam vốn chỉ được dùng một thời gian ngắn sau Cách mạng Tháng Tám.

Cũng xin nói thêm về trường hợp Nguyễn Thị Giang - một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930: người phụ nữ này trước đây từng được người Đà Nẵng dùng tên họ thực, nhưng về sau lại sử dụng tên thường gọi Cô Giang để đặt tên đường, có lẽ để cho có sự nhất quán với tên đường Cô Bắc (tên họ thực là Nguyễn Thị Bắc, chị ruột của Nguyễn Thị Giang).

BÙI VĂN TIẾNG

(*) Thật ra chỉ gọi tắt chứ không gọi đầy đủ miếu hiệu, chẳng hạn miếu hiệu đầy đủ của Lê Thánh Tông là Thánh Tông Thuần hoàng đế...
 

;
.
.
.
.
.