.

Vương víu cỏ tranh

.

1. Quê tôi, nhà mái ngói, mái tôn từ lâu lắm đã thay thế bao nếp nhà mái tranh, mái rạ. Mỗi dịp về làng, tôi thường đi qua khu đất của nhà bà Xã Năm hay bà Hương Tụng. Hồi những năm 1980, đâu đâu cũng ruộng đồng hợp tác xã. Bà Xã Năm sống độc thân, già yếu nên mảnh vườn không ai cày cuốc. Đất bỏ lâu, cỏ tranh mọc dày và cũng nhờ đó bà có thêm thu nhập từ khu vườn... cỏ tranh. Mùa cắt cỏ tranh quê tôi thường ở độ bọn con nít sắp nghỉ hè. Người trong làng vào chân núi Phước Tường dùng liềm vừa cắt, vừa trải theo lối để hong khô và đến chiều tà quay lại bó tròn dùng đòn xóc gánh về. Cỏ tranh tiếp tục được phơi nắng cho khô, róc sơ qua phần gốc cho bớt phần lá già thì sau đó dùng hom tre đánh lại từng tấm để lợp nhà. Thường thường mỗi tấm tranh lợp có chiều dài khoảng 1,2 - 1,4 mét.

Ảnh: M.T
Ảnh: M.T

Cuộc sống dưới mái nhà tranh chất chứa bao ân tình như câu hát hò khoan: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Không biết có bao người từng ngả lưng trên chiếc chõng tre tìm giấc ngủ trưa, bâng quơ nhìn lên mái tranh, hay buông tai mà nghe những con mọt tre cót két tinh nghịch cười cùng giọt nắng lọt qua chỗ thủng mái tranh? Bao người đã qua những đêm đông, mưa dầm bẹp mái tranh, nước chảy tóc tách đầu chái nhà mình như có ai đó khóc sụt sùi?

2. Vườn tranh nhà bà Xã Năm, năm mô cũng có người đến mua tranh tươi, cũng có lúc bà tự cắt và đánh tranh từng tấm để bán. Hồi nớ, trẻ con chúng tôi vẫn hay rủ nhau chơi trò trốn tìm. Dĩ nhiên, nơi núp kín đáo nhất chính là những khoảng trống giữa lùm cỏ tranh. Đám trẻ nít quần nát vườn cỏ tranh, ưng được bà Xã Năm mất ăn, mất ngủ quơ gậy rượt chạy. Tuổi già bóng xế, bà Xã Năm qua đời được người làng tôi chôn cất ở mảnh đất có vườn cỏ tranh. Vườn hoang, cỏ lạnh bị đàn trâu, bò giẫm phá. Sau này, mỗi khi  vào hè, những vạt cỏ tranh ngày thêm dặt dẹo, cháy xém...

Rồi một ngày tôi về đưa tang mẹ vợ ở quê. Đêm, vợ tôi kể về những tháng ngày cùng cha mẹ đi khai hoang trồng sắn, trồng khoai. Nhà vợ có năm chị em gái và năm nào cũng đi cắt cỏ tranh. Mẹ già cần mẫn đánh từng tấm tranh khô đem ra chợ bán. Ngoảnh lại các con yên bề gia thất thì lưng mẹ đã còng. Ngày đưa tang, đi qua vạt cỏ tranh cuối vườn, có gì đó vướng chân tôi trong chiều tà quặn thắt.

TRIỆU VĂN TÙNG
 

;
.
.
.
.
.