Ở tuổi 67, nhà thơ Thanh Quế vẫn lặng lẽ viết, miệt mài với từng con chữ. Vừa viết văn, vừa làm thơ, ở lĩnh vực nào ông cũng chứng tỏ được tài năng và bút lực của mình. Nói về thơ của Thanh Quế, nhà thơ Trúc Thông đã nhận xét: “Mỗi nhà thơ đích thị có một kênh thẩm mỹ riêng. Ở kênh thơ Thanh Quế, ta hãy để lòng mình lắng chìm vào sự thầm thì cùng tác giả lắng sâu vào những nghẹn ngào kín ẩn”.
Với nhà thơ Thanh Quế (ảnh), chuyến đi lớn nhất, ý nghĩa nhất của cuộc đời ông là được vào chiến trường Khu V. Những năm tháng công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu V cùng với nhà văn Nguyên Ngọc, Vương Linh, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo… là những tháng ngày không thể quên.
Vào chiến trường, công tác chính của anh em là trồng sắn, cõng lương thực và tham gia những chuyến đi ngắn ở chiến trường. Chuyến đi đầu tiên của Thanh Quế kéo dài khoảng 2 tháng do nhà thơ Bùi Minh Quốc đưa đi thực tế ở các xã huyện Sơn Tịnh, ban ngày làm việc với cán bộ, du kích xã, tối đi vận động nhân dân thực hiện các công tác của mặt trận một mặt nắm tình hình, mặt khác để hiểu cuộc sống của dân mình hơn.
Năm 1970, nhà thơ có chuyến đi dài về Phú Yên. Đây cũng là lần đầu tiên ông trở về quê hương sau 15 năm xa cách (Thanh Quế tập kết ra Bắc từ năm 1955). Nhờ chuyến đi này mà ông được gặp lại mẹ và người em gái là y tá cũng là du kích xã. “Khi ở trên cứ, nghe du kích nói có mẹ và em lên thăm, mình đứng sững, tự nhiên nước mắt cứ chảy ra, mấy mẹ con tay bắt mặt mừng nhìn nhau khóc” - nhà thơ tâm sự. Những ngày công tác tại chiến trường Phú Yên, dù rất gần gia đình nhưng đến ba năm sau mới được gặp lại cả gia đình.
Những chuyến đi thực tế ở chiến trường đã giúp Thanh Quế có nhiều tư liệu quý, sinh động. Bên cạnh làm thơ, Thanh Quế chuyển sang viết bút ký. “Những em bé chăn bò Nhạn Phú” là bút ký đầu tay của ông được đăng ở tạp chí Văn nghệ giải phóng. Đến bút ký “Mảnh đất không mất” viết về du kích Xuyên Hòa diệt tên T. ác ôn, khét tiếng, góp phần mở được một vùng giải phóng ở tây Duy Xuyên thì Thanh Quế đã khẳng định năng lực viết ký, viết văn xuôi của mình. Bút ký được đăng ở tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Từ đây ông tạo cho mình thói quen mỗi chuyến đi về là viết ngay để nội dung bài viết nóng hổi, sinh động và giàu cảm xúc, ghi lại chân thực sự việc. Thói quen đó đến giờ ông vẫn giữ.
Hơn nửa đời người cầm bút, Thanh Quế luôn suy ngẫm về cuộc đời, về nhân tình thế thái với sự chín chắn của một người từng trải. Có lẽ vì thế mà thơ của ông mang tính triết lý sâu sắc, đầy tính nhân văn. Người đọc từng rung động với những câu thơ đẹp, tràn đầy tình yêu, ân nghĩa thiêng liêng “Mải nghe gió thổi trên đồng/ Giật mình đã đứng bên sông đây mà/ Đò xưa vẫn đợi ta qua/ Bóng ai đó cứ nhập nhòa mặt sông” (Trước nhà em sông Vu Gia) với giọng điệu trữ tình, mượt mà về vùng quê Đại Lộc đẹp như tranh thủy mặc. Bài thơ được viết trong dịp bộ đội ta giải phóng Thượng Đức, cánh cửa thép ở phía tây Đà Nẵng. Vừa ra đời, bài thơ đã được độc giả đón nhận và cho tới nay vẫn là một trong những bài thơ hay nhất của Thanh Quế.
Trong tập thơ “Một gạch và chuyển động”, người đọc sẽ có cảm nhận mỗi bài thơ là một suy ngẫm, trải nghiệm của ông. “Nối năm sinh - năm mất/ Ở giữa có vạch ngang - một gạch/ Chỉ một gạch thôi mà chứa cả cuộc đời” (Một gạch). Giữa sống và chết, cái gạch ngang nối liền giữa cái hữu hình với cái vô hình, giữa sự tồn tại với không tồn tại “Một gạch lớn vô cùng/ Ai cũng phải bước qua/ Bước sao cho trọn vẹn”.
Với thơ, Thanh Quế luôn có những trăn trở, suy tư về cuộc đời, về phận người, ông luôn tìm cách tự đổi mới thơ mình. “Tôi muốn đổi thơ tôi/ Khác trước/ Dù một từ, một dấu phẩy/ Chẳng để làm gì/ Chẳng mong ai biết đến/ Tôi tự chuyển động/ Chỉ để báo rằng mình còn sống” (Sự chuyển động).
Thanh Quế luôn tâm niệm, còn sống nghĩa là còn tư duy. Trở về từ chiến trường bom đạn ác liệt, ông đã gạn được cho mình những “nguồn trong của tình thương, của điều thiện” để rồi, ông viết như một cách trả nợ với cuộc đời với quê hương, để tri ân, nhớ về những nhà văn, văn nghệ sĩ, đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại chiến trường xưa.
Ông nhớ, cuối năm 1980, NXB Kim Đồng mời ông tham gia viết sách cho thiếu nhi và tiểu thuyết Cát cháy đã ra đời trong mấy tháng miệt mài lao động với con chữ. Tiểu thuyết đã được chấm giải nhất. Sau đó, nhà văn Tô Hoài, chủ khảo đã hạ xuống giải nhì (không có giải nhất) vì có một vài câu cho là thiếu tính nhân văn. Từ đó, ông luôn dặn mình những gì mình chưa tường tận, chưa thực sự hiểu biết, chưa được gạn lọc qua suy nghĩ thì chưa nên viết vội.
Ông nhớ, vào khoảng năm 1989 khi đang là Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, ông cho đăng bài bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” của một tác giả. Bài có những chi tiết chưa thật chính xác đã làm cho lãnh đạo của một huyện phản ứng. Ông và ban biên tập bị kiểm điểm nhiều lần. Nhưng rồi mọi điều phiền muộn cũng qua, ông vẫn tiếp tục sáng tác và làm biên tập. Ông lại thêm một điều căn dặn: Trước khi cho đăng một bài của cộng tác viên phải luôn thẩm tra, tìm hiểu sự việc đúng sai cho kỹ.
Ông cho rằng những cây bút trẻ hiện nay có nền tảng ngoại ngữ, có nhiều cơ hội giao lưu với thế giới, được đọc nhiều, chủ đề phong phú, không bị giới hạn, cấm kỵ, họ sáng tác chuyên nghiệp hơn, đa dạng hơn. Nhưng, Thanh Quế luôn mong muốn song song với công việc sáng tác, các tác giả trẻ hãy dành thời gian để tích lũy vốn sống bởi đấy là cách học hữu ích nhất cho những người cầm bút. Bản thân ông luôn sẵn sàng đọc và góp ý các sáng tác của những cây bút trẻ và cũng chính ông đã giới thiệu nhiều cây bút trẻ ở thành phố Đà Nẵng và miền Trung vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ở tuổi 67, Thanh Quế vẫn lặng lẽ viết, dù sức viết có chậm lại. Có những bài thơ được ông viết rất nhanh. Nhưng, viết rồi để đó, thỉnh thoảng, ông lại mang ra sửa đi sửa lại. Mỗi lần có tứ thơ, cốt truyện hay, ông ghi ngay vào sổ, lâu lâu lại mở ra xem. Đấy là cách để nắm được tứ thơ, cốt truyện cho mình.
Không hướng cho con cái theo nghiệp văn chương, nhưng ngay từ nhỏ, Phan Tuy An, con trai của nhà thơ Thanh Quế đã bộc lộ khả năng thơ phú, khẳng định khả năng của mình qua tập thơ “Chú mèo ham ăn” (NXB Đà Nẵng, 1998) và tập “Trái đất và mặt trăng” (NXB Phụ nữ, 2001). Phan Tuy An đã đoạt giải khuyến khích cho tập thơ “Búp và hoa” của NXB Kim Đồng, giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong, thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí… Giờ, tuy không còn làm thơ nhiều như trước, nhưng Tuy An vẫn sáng tạo nghệ thuật với cây cọ vẽ. Thanh Quế luôn dạy con trai dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng phải biết cố gắng từng giây từng phút như một nhà thơ Ấn Độ đã viết: Muốn làm gì phải làm cho nhanh/ Làm cho nhanh là làm ngay lập tức/ Bởi lưỡi kiếm thời gian/ Trên đầu ta rất sắc..
Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc các nhà văn miền Trung, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT thành phố Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Đà Nẵng. Ông đã xuất bản 13 tập thơ và trường ca, 24 tập tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn và 4 tập chân dung văn nghệ, được tặng giải thưởng Nhà nước (tiểu thuyết dành cho thiếu nhi Cát cháy, tập thơ Một gạch và chuyển động). Những giải thưởng qua từng giai đoạn sáng tác: - Giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - tiểu thuyết Cát cháy năm 1981. - Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam - tập thơ Những tháng năm vay mượn năm 1994. - Tặng thưởng loại A (1975-1985) và (1985-1995) của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cho toàn bộ tác phẩm trong giai đoạn. - Giải thưởng của Bộ Quốc phòng - tập truyện Bếp lửa làng Tà Băng năm 2000. - Giải nhì (không có giải nhất) của UBND thành phố Đà Nẵng - tập trường ca Người lính đi đầu (1997-2005). - Giải A của Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng - tập thơ Một gạch và chuyển động năm 2007. |
THU HÀ