.

Bất ngờ con trẻ

.

Nhân ngày nghỉ, gia đình Lê Minh dành dụm được ít tiền từ đầu năm, bố Lê Minh lại vừa lấy được bằng lái, nên “liều mạng” thuê chiếc xe đưa ông bà ngoại đi chơi. Xe đi rất sớm, thấy con trai ngồi tựa đầu trên vai ông ngoại, mẹ Lê Minh bảo:

- Con ra ghế sau nằm ngủ một chút đi!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lê Miên - chị Lê Minh - có dịp ngồi gần ông bà ngoại, bỗng tỉ tê hỏi chuyện “ngày xưa” ông ngoại gặp bà ngoại ở đâu? Bà ngoại lúc đó có đẹp không?... Nghe bà ngoại bảo “hồi đó ông ngoại không đẹp như bây giờ đâu…”, ai cũng cười vui vẻ. Bất ngờ, từ ghế sau, tiếng Lê Minh vọng lên:

- Cái đẹp không chỉ là hình thức!

Vậy mà cứ tưởng Lê Minh đã ngủ say.

Hình như người lớn vẫn thường gặp những “cú” bất ngờ như thế! Cứ tưởng trẻ nhỏ ngủ say và chẳng biết gì, cứ “tự nhiên” như chỗ không người. Mấy năm trước, có lần Lê Miên rỉ tai với bà ngoại: “Đêm qua, Mi thấy ba Văn ôm hôn mẹ Hoàng đó!”…

Bây giờ thì Lê Miên đã gần thành cô thiếu nữ, tuy mới mừng sinh nhật lần thứ 12. Nghỉ hè, lần đầu cả gia đình được đi trên cùng một chiếc xe, cũng lần đầu được thấy đường Hồ Chí Minh thông thoáng, lượn êm qua các triền đồi núi xanh tươi, hai chị em Lê Miên - Lê Minh tỏ ra vô cùng thích thú. Không ngờ, qua một cây cầu, một tốp cảnh sát giao thông xuất hiện với “cây gậy thần” chĩa thẳng vào xe. Lê Văn kêu nhỏ “chết rồi!” và ngoan ngoãn dừng xe, trình đủ giấy tờ, không hiểu mình đã phạm lỗi gì. Hóa ra trước đó, khi vượt lên mấy chiếc xe tải đang “bò” trước đoạn vào cầu, Lê Văn không để ý là xe mình đã phạm lỗi “lấn đường”, do đoạn đó có vạch liền phân đường thành 2 làn xe! Phải xuống giọng trình bày mãi, các đồng chí cảnh sát mới “thông cảm” không lập biên bản; có lẽ cũng do lỗi nhẹ, mà đường Hồ Chí Minh có khi cả chục ki-lô-mét không có chiếc xe nào, việc “lấn đường” chẳng mấy ai để ý và ít khi gây nguy hiểm cho ai. Cho dù vậy, sau đó, Lê Miên trở thành “cảnh sát giao thông” ngay sau tay lái, thỉnh thoảng lại nhắc với giọng điệu rất nghiêm khắc: - “Ba! Không được vượt đó, ba nghe!”  - “Ba! Chạy chậm thôi ba ơi!”…

Bà ngoại lại một phen ngạc nhiên, vì quên rằng học sinh cấp Một đã học luật giao thông; Lê Miên là “lớp phó” nên luôn gương mẫu. Mấy năm trước, có lần ông ngoại chở Lê Miên đi chơi, thấy đường phố vắng tanh, đã cho xe qua ngã tư, khi “đèn đỏ” chưa đổi màu, đã bị Lê Miên phê bình: “Ông ngoại phạm luật giao thông rồi nhé!”.

Thật tiếc là người lớn nhiều khi không nghiêm túc trong luật lệ như trẻ con. Chính tháng trước, khi Lê Miên đạp xe qua ngã tư, một đôi sinh viên đã phóng xe vượt ẩu đã làm em ngã kềnh, may mà chỉ bị thương nhẹ. Và hôm nay thì ngay trước chiếc cầu lớn giữa thành phố, liền một lúc, mấy chiếc xe tranh nhau qua cầu, phạm lỗi lấn đường, nhưng không xe nào bị phạt! Thật chẳng biết giải thích cho con trẻ thế nào!

Trong hai chị em, từ nhỏ, Lê Miên chăm chỉ và học giỏi hơn. Trong khi cô chị kết thúc cấp tiểu học đạt học sinh giỏi, được thay mặt các học sinh lớp 5 toàn trường phát biểu trước khi chia tay với thầy cô, bạn bè cấp I thì Lê Minh nhiều khi thầy ra bài tập, cứ ngồi chống cằm nhìn trời đất suy nghĩ tận đâu, bạn bè nạp bài hết, cu cậu mới vội vàng cắm cúi viết, nên bố mẹ luôn phải nhờ thầy cô chú ý nhắc nhở. Vậy mà đến kỳ thi cuối cấp I vừa xong, Lê Minh đạt học sinh giỏi, toàn điểm 9 và 10, mặc dù chỉ tập trung ôn thi khoảng 1 tuần! Thế là cu cậu đủ tiêu chuẩn thi vào “trường điểm” thành phố, nhưng kiểu học “lơ mơ” như Lê Minh, không mấy ai tin cậu ta sẽ đỗ trong cuộc đua không kém chi thi đại học. Lê Minh cứ tỉnh bơ và buông một câu như của một… người từng trải:

- Trên đời này, có rất nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra!

Quả vậy, hơn tháng trước, trong lễ mừng sinh nhật chị Lê Miên 12 tuổi, trong lúc mọi người xôn xao trò chuyện, cu Minh bỗng thủng thẳng nói:

- Cu Minh chỉ lo chị Miên sau này phải mang nặng đẻ đau!

Hơn một năm trước, thì chính trong lễ mừng sinh nhật Lê Minh, cu cậu bỗng nêu một “kết luận” khiến mọi người sửng sốt:

- Trong đời cu Minh có 5 người đàn bà quan trọng…

Mọi người hồi hộp chờ cu nói tiếp, nhưng Lê Minh cứ chăm chú vào con chim giấy đang xếp. Bà ngoại sốt ruột, vội hỏi:

- Người quan trọng thứ nhất là mẹ chứ gì?

- Không! Người quan trọng thứ nhất là bà ngoại. Không có bà ngoại thì không có mẹ.

- Thế người thứ 3 là ai? Thứ 4 là ai?

- Người thứ 3 là bà nội. Người thứ 4 là chị Miên. Sau này cu lớn lên thì có người thứ 5 là vợ!

Trẻ con thời nay là thế đó! Vậy nhưng hình như cả chương trình, lẫn tổ chức và cách giáo dục con trẻ thường chỉ nghĩ đến những bài mẫu, những câu trả lời đúng khuôn phép cứng nhắc mà thôi!

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.