.

Các con là hơi thở của mẹ

.

Gần hai mươi năm gắn bó với Làng Hy Vọng, không biết tự bao giờ hình bóng của bọn trẻ đã trở nên thân thương và trở thành động lực để giúp người phụ nữ ấy đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo.

Những đứa trẻ ở Làng Hy Vọng là sức mạnh giúp mẹ Tám chống chọi với bệnh tật.
Những đứa trẻ ở Làng Hy Vọng là sức mạnh giúp mẹ Tám chống chọi với bệnh tật.

Vào ngày cuối tuần, mẹ Lê Thị Tám (50 tuổi, tổ 97, phường Hòa Minh, Liên Chiểu) vừa vá quần áo vừa nhìn ra sân, nét mặt không giấu được niềm vui khi những đứa trẻ ở Làng Hy Vọng (209 Dũng Sĩ Thanh Khê, Đà Nẵng) đang vô tư vui đùa trước sân.

Làng có tổng số 134 em kém may mắn, sống dưới 14 gia đình. Theo mẹ Tám, những đứa trẻ này, từ nhỏ đã sống thiếu tình thương nên tất cả những người đã gắn bó với cuộc đời mình nơi đây đều luôn muốn bù đắp những thiệt thòi cho các em. Mẹ Tám chỉ là một trong bao tấm lòng như thế.

Mới ngày nào, bé Ngô Thị Mai (lớp 2) và đứa em Ngô Tấn Đạt (lớp 1) ở xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam) được ông, bà nội gửi vào Làng trong hoàn cảnh mẹ mất sớm, bố bị bệnh thần kinh bỏ đi biệt xứ. Nhìn hai đứa nhỏ nheo nhóc, ghẻ lở, sợ sệt giữ chặt lấy ông, bà như cố níu kéo, nhìn ông, bà bất lực đứt ruột quay đi, bỏ lại phía sau tiếng khóc vỡ òa... Mẹ Tám như muốn làm một điểm tựa thay cho bọn trẻ. Mẹ đã cùng các mẹ, các cô an ủi, quan tâm từng chút, giúp các em ổn định tâm lý, yên vui trong cuộc sống.

Hai tháng đầu bước chân vào làm ở Làng (1993), mẹ Tám không tài nào chợp mắt. Các em lạ lẫm, nhớ nhà, khóc suốt đêm. Lâu lắm rồi, mẹ còn nhớ như in cậu bé (lớp 6, mẹ xin giấu tên) người ở Điện Bàn (Quảng Nam). Cậu vào Làng được thời gian bỗng dưng bị trầm cảm, buồn bã, lơ ăn, bỏ ngủ và có biểu hiện chán sống. Mẹ âm thầm theo dõi, thức thâu đêm canh giữ. Suốt gần 2 năm mẹ lo nghĩ, em mới chịu tâm sự nỗi lòng chôn chặt trong nước mắt: “Mẹ ơi! Anh trai con đột ngột qua đời, anh ấy đã bỏ rơi con”. Mẹ lặng người ôm em vào lòng an ủi, vẫn còn có mẹ bên con dù thế nào đi nữa.

Năm 2007, tâm trạng mẹ gần như suy sụp khi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn hai. Em Nguyễn Thị Bích Phượng (18 tuổi, lớp 12, Quế Sơn, Quảng Nam) ngậm ngùi: Mẹ Tám là người rất nghiêm khắc với chúng con, nhưng vì thế chúng con biết sống có nền nếp, biết yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau. Con sẽ học thật giỏi để mẹ vui, khỏe mạnh và mãi bên con.

Những lúc bệnh lên cơn hành hạ, mẹ phải vào viện cấp cứu. Sau những giây phút hôn mê, mẹ tỉnh dậy trong sự ngỡ ngàng khi thấy các con quây quần quanh giường bệnh. Mắt mẹ nhòe đi. Trong thời gian xạ trị, ngày nào còn đi được là ngày ấy mẹ vẫn đều đặn đến Làng chăm sóc các em. Mẹ Trần Thị Bảo (52 tuổi, tổ 36, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) một trong các mẹ ở Làng chia sẻ: Biết mẹ Tám mang bệnh hiểm nghèo, mọi người luôn động viên, an ủi và giành những việc nặng nhọc làm thay mẹ. Tuy nhiên, bản tính mẹ vốn cần cù, mê làm việc không chịu nghỉ ngơi. Phải có tấm lòng thương yêu con trẻ, một tình mẫu tử cao cả mới có thể làm việc quên mình như mẹ Tám.

Khi biết mẹ bị bệnh, Làng Hy Vọng đã cùng quyên góp tiền để giúp đỡ mẹ thuốc thang, dù Làng hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động, dù đồng lương của những người công tác tại nơi đây còn quá ít ỏi. Được sống bên các con, được sống trong tình yêu thương của những người trong một mái nhà chung, mẹ Tám như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Mẹ tự nhủ mình phải can đảm đấu tranh với bệnh tật, tiếp tục dốc hết sức để thay thế những buồn đau của những mảnh đời bất hạnh bằng những tin yêu.

TUYẾT PHAN

;
.
.
.
.
.