.

Chắp cánh cho nghệ thuật

.

Nghệ sĩ Nhân dân(NSND) Lê Huân và Nghệ sĩ Ưu tú(NSƯT) Kim Oanh vừa từ Hà Nội về, sau khi dự Lễ trao Giải thưởng Nhà nước và phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2012. Gương mặt phảng phất niềm vui của cả hai nhà hoạt động nghệ thuật này chợt chùng xuống khi nghe tôi hỏi vì sao Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước gần đây hoạt động chững lại?

Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước mang đậm tính văn hóa đặc thù vùng miền, tiếp cận và hòa nhịp vào dòng chảy của trào lưu nghệ thuật đương đại.
Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước mang đậm tính văn hóa đặc thù vùng miền, tiếp cận và hòa nhịp vào dòng chảy của trào lưu nghệ thuật đương đại.

5 năm trước, Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước (trực thuộc Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng) ra đời dưới sự dẫn dắt của Biên đạo múa Lê Huân (lúc đó là NSƯT) với chức danh giám đốc chỉ đạo nghệ thuật, ca sĩ Kim Oanh – phó giám đốc tổ chức biểu diễn. Trong từng ấy thời gian, Đoàn đã xây dựng được 5 chương trình nghệ thuật gồm: 3 chương trình ca múa nhạc dân gian, dân tộc; 2 vở diễn Song Long vương yết Phật và Mục Liên – Thanh Đề.

Ngoài 60 buổi diễn phục vụ hàng nghìn lượt khán giả, Đoàn đã xây dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc được DVTV thu và phát hình khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Những lần “đỏ đèn” đó chủ yếu diễn ra trong gần 4 năm đầu, vì đến cuối năm 2010 thì, như nhận xét thẳng thừng của NSƯT Kim Oanh, hoạt động của Đoàn đã bắt đầu “ngoi ngóp”.

Hôm Đoàn ra mắt lần đầu tiên tại hội trường UBND thành phố nhân đón Xuân Đinh Hợi 2007, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh rất tâm đắc với phong cách dàn dựng và biểu diễn của Đoàn: “Tôi sẽ chắp cánh cho Đoàn bay lên”. Thế nhưng, NSND Lê Huân nói đùa, mãi tới gần đây Đoàn mới được UBND thành phố “chắp cho chiếc cánh” trị giá 150 triệu đồng để mua dàn âm thanh.

Lúc mới ra đời, Đoàn lập một dàn nhạc dân tộc từ 7-10 nhạc công, hầu hết đều tốt nghiệp từ các nhạc viện, có thể chơi cả nhạc Việt, Chăm lẫn Tây Nguyên. Các nhạc công từ các nơi về, cần nơi ăn, chốn ở mà Đoàn thì hoạt động theo dạng “tự sản tự tiêu” nên cuối cùng phải thả tay vì hết kinh phí. Không giữ được, đành để các nhạc công tìm đường tự cứu lấy mình. NSND Lê Huân ngậm ngùi: “Có lần Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Hội An Võ Phùng gặp tôi, nói cảm ơn anh, vì anh không giữ nổi các em mà Hội An mới có được một ban nhạc dân tộc như bây giờ”.

Năm 2010, Sở VH-TT&DL thành phố đã khảo sát, đánh giá và công nhận Đoàn là một đơn vị nghệ thuật có bản sắc riêng. Tuy là “nghệ thuật dân gian”, nhưng các tiết mục của Đoàn không hoài cổ mà mang đậm hơi thở đương đại, không hẳn là phục vụ mà mang tính giáo dục, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố. NSND Lê Huân đơn cử như hò khoan là đặc thù chất Quảng, phải diễn thế nào đó để giới trẻ có thể cảm nhận và yêu thích làn điệu của quê hương, không đánh mất những giá trị cổ truyền ngay trên mảnh đất sinh ra nó. Điều này xem ra rất khó. Khó, nhưng đó mới là tài nghệ của đạo diễn.

Năm 2011 Đoàn gần như không “đỏ đèn”. Mới đây, nhận diễn cho khách du lịch ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nhưng với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/suất diễn, trong khi thuê phục trang đã hết 1,5 triệu đồng nên Đoàn phải hủy buổi diễn…

Vừa rồi, Ban lãnh đạo Đoàn đã lập Đề án khôi phục hoạt động biểu diễn và định hướng phát triển đến năm 2020 của Đoàn. Theo đó, từ tháng 8-2012 đến năm 2015, Đoàn chủ yếu huy động kinh phí hoạt động từ nguồn xã hội hóa (XHH), UBND thành phố và Quỹ đầu tư nghệ thuật của Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng hỗ trợ theo hướng thấp dần từ 40% (giai đoạn 2012 – 2013) xuống còn 25% (giai đoạn 2014 – 2015) tổng kinh phí dự toán.

Để Đoàn có thể tiếp tục “đỏ đèn”, một trong những việc cấp thiết là... kinh phí. Trong đó, 20 triệu đồng mỗi tháng để nuôi dưỡng dàn nhạc dân tộc (10 nhạc công với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng); 24 triệu đồng cho 4 buổi diễn mỗi tháng của Đoàn. So với hàng tỷ đồng để xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện của thành phố (chỉ diễn ra ít ngày) thì kinh phí hỗ trợ cả năm cho Đoàn không lớn. Kinh phí này sẽ là “cú hích” để đến giai đoạn 2016-2020 Đoàn có thể hoàn toàn hoạt động từ nguồn kinh phí XHH.

Nếu đề án được phê duyệt, Đoàn sẽ biểu diễn mỗi tuần một buổi tại khu vực trước Nhà hát Trưng Vương, bắt đầu từ tháng 8 năm nay với chương trình chào mừng Quốc khánh 2-9.

Hiện nay, XHH các đoàn nghệ thuật là xu hướng chung của cả nước, nhưng tìm ra một hướng đi thành công không phải dễ. Các nước trên thế giới có cách làm riêng đối với các đoàn nghệ thuật XHH, như Trung Quốc hỗ trợ Đoàn Nghệ thuật Thẩm Quyến bằng cơ chế được ưu tiên biểu diễn trong các khách sạn, nhà hàng. Ở Mỹ, dàn nhạc giao hưởng New York (từng sang biểu diễn tại Việt Nam) được các công ty bảo trợ, các công ty này vừa được quảng bá thương hiệu vừa được giảm thuế. Đà Nẵng liệu có học hỏi được gì để “chắp cánh” cho các “đơn vị nghệ thuật có bản sắc riêng” được tồn tại và phát triển trong bức tranh văn hóa - nghệ thuật chung của thành phố?

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.