.

Chạy sô nuôi nghề

.

Ở Đà Nẵng, chuyện ca sĩ, nghệ sĩ tất bật chạy sô dường như là không thể, thay vào đó là nỗi buồn mang tên “thiếu đất diễn”…

Với nghệ sĩ Đà Nẵng, địa điểm chạy sô vẫn là khách sạn, tiệc cưới, hội nghị hay sự kiện văn hóa…
Với nghệ sĩ Đà Nẵng, địa điểm chạy sô vẫn là khách sạn, tiệc cưới, hội nghị hay sự kiện văn hóa…

Gần 10 năm công tác tại Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng, để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, ca sĩ Huy Tuấn nhận diễn mỗi đêm 3, 4 suất tại các phòng trà như Tiếng dương cầm, Không gian xưa, Hợp phố… Dù rằng, có suất,  hát 2 bài cũng chỉ kiếm được 80.000 đồng, hay hợp đồng với phòng trà nguyên buổi tối, hát 4, 5 bài cũng chỉ được trả công 100.000 đồng… Anh là ca sĩ nam được nhiều ông chủ phòng trà ưu ái qua giọng ca chuyên  dòng nhạc cổ điển, trữ tình. Tuy nhiên, sau một thời gian, thấy tiền công mình nhận được không thấm vào đâu, anh bỏ đi diễn và tập trung vào công tác chuyên môn tại nhà hát. Thi thoảng, các công ty tổ chức sự kiện giới thiệu hát sô hội nghị, khai trương Huy Tuấn mới tham gia. Theo anh, hát ở hội nghị có khá hơn, gần 1 triệu cho 1, 2 bài hát nhưng lâu lâu mới có một lần, có khi cả tháng chẳng nhận được suất diễn nào. “Nhưng là ca sĩ, có đất diễn là hạnh phúc”, anh tâm sự.

Cũng có thâm niên công tác 10 năm tại Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng, ca sĩ Mỹ Nương là người thể hiện khá thành công những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Những năm trước, khi Đà Nẵng rộ lên phong trào nhạc phòng trà, chị là một trong số ít ca sĩ nữ có đất diễn. Vài năm gần đây, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, nhiều phòng trà vắng khách, ca sĩ hát phòng trà cũng mất đất diễn. Chị chia sẻ: “Thiếu đất diễn, nhiều ca sĩ ở Đà Nẵng tham gia hát đám cưới và không có điều kiện tiến xa hơn trong sự nghiệp ca hát. Tuy nhiên, vì sự đam mê, họ vẫn chấp nhận chạy sô để nuôi nghề, nuôi mình”.

Ngay với NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, Chủ ban nhạc Tre Xanh cũng khá chật vật trong chuyện chạy sô. Tre Xanh thành lập năm 1993, tập trung những nghệ sĩ biểu diễn sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn tứ, đàn tứ bát… thường xuyên có 6, 7 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, phần lớn thành viên đã được Nhà nước phong tặng NSƯT. Từ đầu năm đến nay, ban nhạc của ông chỉ đi diễn 3, 4 lần phục vụ khách du lịch; nhận hợp đồng thêm từ các khách sạn lớn, nhỏ ở Hội An. Ông chia sẻ, việc chạy sô ở Đà Nẵng còn rất hạn chế, ngay cả một NSƯT như ông, mỗi sô cũng chỉ nhận được khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiền thù lao.

Một số ca sĩ ở Đà Nẵng than rằng, cơ hội đi hát phòng trà, hội nghị khách hàng, khách sạn hiện nay không dễ hoặc nếu có, cũng chỉ tập trung một số gương mặt quen thuộc hay mối quan hệ sẵn có giữa ca sĩ với công ty tổ chức sự kiện. Chưa kể, thù lao cũng khá khiêm tốn. Có ca sĩ, nhóm nhảy cả tháng chẳng xuất hiện trên một sân khấu ca nhạc nào nhưng lại đều đều hát, nhảy tại đám cưới, sự kiện. Mặt trái của vấn đề này, theo ông Trần Quang Kỳ, Trưởng phòng tổ chức sự kiện và biểu diễn nhà hát Trưng Vương, một số nhà hàng tiệc cưới, công ty tổ chức sự kiện vẫn đánh vào tâm lý “thích nhìn” của khán giả. Họ thường thuê những nhóm nhạc, ca sĩ ăn mặc “mát mẻ” để thu hút khách chứ ít chú ý đến giọng hát hay, dở thế nào... Vì thế, chạy sô giai đoạn hiện nay mang tính thương mại nhiều hơn là nghệ thuật và thiếu chuyên nghiệp.

Đem điều này trao đổi với ông B. (xin được giấu tên), giám đốc một công ty tổ chức sự kiện tại Đà Nẵng, ông này nói, việc thuê ca sĩ, nhóm nhảy có ngoại hình, ăn mặc hở hang thường dựa trên yêu cầu của nhà tổ chức. Bởi đơn giản, ở những loại hình này, khán giả đến để tham gia vào sự kiện chứ không phải đến để nghe nhóm nhảy, ca sĩ hát rồi nhận xét hay hay dở. Ngoài ra, cách thể hiện càng trẻ trung, càng sôi động để “lấy không khí” càng tốt. Để tiết kiệm chi phí, nhà tổ chức cũng không yêu cầu phải mời được ca sĩ tên tuổi mà chỉ cần một người biết hát, biết nhảy là được.

Có lẽ, chính sự dễ dãi của nhà tổ chức sự kiện lẫn ca sĩ hát sô đã kéo theo việc, ở Đà Nẵng, số ca sĩ hát được không nhiều. Trong một lần trò chuyện cùng nhạc sĩ Quang Trung, anh nói: “Không có đất diễn nên đa phần ca sĩ Đà Nẵng không quan tâm việc trau dồi giọng hát, kỹ năng sân khấu. Đó không là nỗi buồn của riêng ca sĩ mà đối với nhạc sĩ, họ cũng ít có cơ hội phổ biến ca khúc mới”.

Nếu như ở Sài Gòn, Hà Nội, nghệ sĩ chủ yếu chạy sô ở các tụ điểm ca nhạc thì với nghệ sĩ Đà Nẵng, địa điểm chạy sô vẫn là khách sạn, tiệc cưới, hội nghị hay sự kiện văn hóa. Có người nói rằng, chấp nhận ở Đà Nẵng, là nghệ sĩ đã chấp nhận nhịp sống bình yên, không quá bon chen. Nhưng, cũng có trường hợp, ca sĩ Đà Nẵng vào Sài Gòn mong phát triển sự nghiệp nhưng không thích hợp với mảnh đất ấy đành phải quay về.

Chuyện chạy sô ở Đà Nẵng cũng muôn hình vạn trạng, nhưng nếu người nghệ sĩ biết xem đó là môi trường để khẳng định bản thân thì ở đâu cũng có thể hát hay, diễn tốt. NSƯT Trịnh Mạnh Hùng kể, trong một lần biểu diễn phục vụ khách du lịch ở khách sạn, có vợ chồng người Pháp sau khi nghe ông diễn xong cứ nấn ná chưa muốn về. Họ gọi ông đến, đề nghị được nghe lại hai bài nhạc khí Trên đường chiến thắng và Sáo mèo của ông. Ông nói rằng, sự yêu mến của khán giả luôn là chất xúc tác để mỗi người nghệ sĩ nuôi dưỡng niềm đam mê và tận hiến khả năng nghệ thuật của mình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.