Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau khi cơ bản bình định được Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa. Một trong những thứ tài nguyên đặc biệt béo bở ở vùng thuộc địa này là đất đai. Một vị chủ đất thực dân khá nổi tiếng, không phải vì chiếm nhiều đất đai, mà lại vì tham lam lấn chiếm đất trái phép ở làng Nghi An, ngoại ô thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ, đó chính là ngài Charles Gravelle, mà dân gian quen gọi là “Ông Tây Kho bạc”.
Trang đầu đơn kiện của dân làng Nghi An viết bằng chữ nôm và phần cuối lá đơn có chữ ký các hương lý, hào mục, trong đó có ông Thái Duy Tân, cha của Thái Phiên. |
Vụ lấn chiếm đất của Gravelle đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn đề cập đến. Tuy nhiên, những sự thật chân xác về cuộc đấu tranh giành và giữ đất ấy vẫn là điều bí ẩn của lịch sử, chưa được làm sáng tỏ. Gần đây, chúng tôi có cơ duyên tìm được những tài liệu về câu chuyện thật sự diễn ra ở làng Nghi An 108 năm về trước, xin được lược thuật lại một phần như sau.
Vào ngày 25 tháng Tám năm Thành Thái thứ 16, tức 4-10-1904, các hương lý, hào mục trong làng Nghi An đã đồng ký vào đơn kiện gửi lên Tòa Hòa giải rộng quyền Đà Nẵng. Phần mở đầu, lá đơn viết:
“Ngày 25 tháng Tám năm Thành Thái 16
Chúng con dân làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, ký tên sau nay đến lạy Quan lớn Tòa án cho phép làng con bẩm việc trước sau đặng Quan lớn rõ. Nguyên làng con địa phận hẹp, công điền công thổ không có, chỉ có sáu gò núi từ thuở nay dân trong làng chỉ nhờ tranh củi trên núi mà làm ăn xâu thuế, đến năm Thành Thái 14 ông Gravelle chủ Hãng bạc lên khẩn hai gò dữa (tục kêu gò-Cấm-lớn, gò-Cấm-nhỏ) thì làng con đã nhượng giao cho ổng. Qua đến năm Thành Thái 15, ổng lên hai gò trên phía tây (tục kêu gò Trường, gò Trọc) thì làng con cũng giao cho ổng, chỉ còn hai gò nhỏ phía dưới hướng đông (tục kêu gò Miếu, gò Đình). Một gò có cái miếu thì kẻ tiền nhơn làng con là Nguyễn Văn Thi đã trưng một phía rồi, hiện có châu bộ. Còn một gò dưới đó có cái đình thì kẻ tiền nhơn làng con là Trương Văn Thạnh, Trịnh Viết Nghi, Nguyễn Văn Quới, Nguyễn Công Nghị, Nguyễn Văn Tờn, Trịnh Thị Hữu, Nguyễn Thị Phương cũng đã trưng hết rồi, cũng hiện có châu bộ, nạp thuế đã lâu. Đến năm nay, ông Gravelle hiếp làng con, ổng nói rằng đất của ổng khẩn rồi, ổng làm nhà, làm chuồng bò sát một bên miếu của làng con, lại đào giếng, đào lỗ, dọn đàng trong đất gò Đình của dân làng con đã trưng rồi. Việc ấy thì làng con có làm đơn kêu tại tòa sứ đã hơn hai tháng nay, làng con xuống hầu hoài mà Quan Sứ chưa cứu xử, còn ông Gravelle cứ sức cô li dọn làm hoài trong đất gò Đình đó...”.
Tài liệu này chúng tôi vừa tìm thấy trong hồ sơ mang số hiệu 36, gồm 20 tài liệu, được ghi dưới tiêu đề: “Sự tranh giành về đất đai giữa dân chúng làng Nghi An (Quảng Nam) với ông Gravelle, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Đà Nẵng”. Hồ sơ này đang được lưu giữ tại Trung Tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội, trong Thư khố Tòa Hòa giải rộng quyền Đà Nẵng, có tên tiếng Pháp là “Tribunal de Paix de Tourane”.
Cuộc đấu tranh giành đất căng thẳng và quyết liệt
Trong cuộc đấu tranh này, Thái Phiên không chỉ đứng đằng sau bày mưu tính kế như các bài viết trước đây mô tả, mà chính ông lúc đó mới là chàng trai 22 tuổi đã trực tiếp đứng ra tiếp nối các bậc cha anh trong làng chỉ huy dân làng đấu tranh. Cuộc đấu tranh rất căng thẳng diễn ra suốt ngày 25-9-1904, hết đợt này đến đợt khác, dân làng ào ra, lăn xả vào ngăn chặn cuộc cướp đất của “Tây Kho bạc”. Hết những người cầm đầu này bị bắt đến lớp cầm đầu khác bị bắt, trong đó có bố, rồi bố vợ của Thái Phiên lần lượt bị bắt, nhưng dân làng vẫn không nao núng, lại có người khác đứng ra hô hào, chỉ đạo cuộc đấu tranh. Thái Phiên cũng đã xuất hiện.
Xin hãy xem chính “ông Tây Kho bạc” Gravelle mô tả lại cuộc đấu tranh ấy trong thư giải trình viết vào buổi tối 25-9-1904 gửi chánh án tòa án, là tài liệu số 4 trong hồ sơ. Chúng tôi lược trích một vài đoạn như sau:
“…Các dân phu của tôi vừa mới cuốc được vài nhát đất thì bỗng nhiên một toán người gồm khoảng 40 dân bản xứ đã phục sẵn từ ngoài rừng xông tới; dẫn đầu là một người đàn ông lớn tuổi, người nhỏ, với vẻ mặt đầy hung hãn, lao đầu về phía em trai tôi. Em trai tôi đã phải lấy hai tay giữ hai vai ông ta lại. Tuy nhiên, tiếng la hét lại tăng lên nhiều hơn. Ông lý trưởng làng Nghi An và nhiều hào lý mà chúng tôi biết đã ra lệnh cho dân làng lao vào những người làm thuê của chúng tôi, xô đẩy họ, lấy dụng cụ của họ và ngăn không cho họ làm việc bằng cách nằm lên các hố họ đã đào.
...Ngài cảnh sát trưởng tới nơi xảy ra xung đột lúc 10 giờ... Tôi chỉ cho ngài cảnh sát 4 tên đầu sỏ, đầu tiên là ông lý trưởng. 4 người bị buộc tội đã bị dẫn về Tourane. Tuy nhiên, tiếng chiêng trống tập hợp dân chúng lại vang lên trong làng, nhưng lần này xa hơn, trong đồng ruộng, dưới chân núi.
Khoảng 1 giờ trưa, khi em trai tôi và tôi đang nghỉ trong lều trên đồn điền của tôi thì một phiên dịch viên của ngài Leroy ở Tourane đến báo với tôi rằng bố cậu ta (63 tuổi) là một trong 4 tù nhân bị giải đi vừa rồi. Ít giờ sau, cùng với 5 dân phu, một cai và một cậu bồi, chúng tôi xuống đồi theo hướng Tây Bắc ngôi đình cũ. Từ phía xa, tiếng ồn vang lên... Khoảng 2 giờ, một đoàn dân làng gồm khoảng 50 người xuất hiện trong rừng, đi về phía chúng tôi, không mang theo khí giới hay gậy gộc. Họ chỉ khua chân múa tay và la hét rồi nằm dài trên các hố bất động như chết. Chúng tôi bắt thêm 4 tên cầm đầu hung hãn nhất... Cậu thanh niên là phiên dịch viên của ngài Leroy lại chạy tới nói rằng một trong số 4 người chúng tôi vừa bắt có bố vợ cậu ta.
2 giờ 30 chiều, đoàn người kia lại kéo đến với vẻ đầy hung hãn, bao vây chúng tôi... Họ lại trườn xuống hố lại và lại nằm bất động như chết… Chúng tôi quá mệt mỏi. Chúng tôi bỏ đi. Những người còn nằm trong các hố, nhiều người gần như thở không ra hơi, nhưng vẫn la hét... Tôi nghe chúng gào thét hình như là tên tôi “Tây Kho bạc”. Trong số 4 tù nhân chúng tôi bắt giữ, một tên đã trốn thoát...”.
Phần tiếp theo của thư giải trình tiếp tục miêu tả không khí căng thẳng, dữ dội vào cuối ngày hôm đó. Bốn giờ chiều, khi anh em Gravelle xuống chân đồi định lên xe đi về nhà, bà con rượt theo bao vây, khó khăn lắm chúng mới thoát thân.
Hình ảnh “cậu thanh niên làm phiên dịch viên cho ngài Leroy ở Tourane” đã xuất hiện 2 lần trong bức thư của Gravelle, chính là Thái Phiên. Chúng ta có thể thấy, sau khi cả bố (ông Thái Duy Tân) và bố vợ (ông Trịnh Viết Phụng, tức Trịnh Thiện Giáo) bị bắt cùng với những hào lý, hào mục của làng trong các đợt đấu tranh trước đó, thì không còn ai khác hơn, mà chính là Thái Phiên đã tham gia vào đội ngũ những người chỉ đạo các đợt đấu tranh tiếp theo.
Năm xảy ra vụ đấu tranh là 1904, và đơn kiện được ký vào ngày 4-10-1904. Lúc đó, Thái Phiên mới 22 tuổi. Vụ đấu tranh giành giữ đất diễn ra vào tháng 9, nghĩa là khoảng 5 tháng sau khi Thái Phiên tham gia cuộc họp bí mật rất quan trọng của các sĩ phu tại Nam Thịnh sơn trang (tháng 5-1904) để thành lập Duy Tân hội, trong đó phần lớn là các sĩ phu trên dưới 40 tuổi, mà các yếu nhân là Tiểu La Nguyễn Thành và Phan Bội Châu. Chắc chắn rằng, trong gia đình, giữa cha con, ông Thái Duy Tân đã bàn bạc kỹ càng, cân nhắc thiệt hơn, mới tự mình chủ động xuất đầu lộ diện trước, cùng dân làng quyết liệt đấu tranh. Những người đứng sau điều khiển, cũng như những người đứng ra trực diện đấu tranh phải có sự bàn bạc, phối hợp khéo léo, nhịp nhàng như thế nào thì cuối cùng cuộc đấu tranh mới kết thúc thắng lợi, đất Gò Đình mới được trả lại cho làng Nghi An. Vì quyền lợi chung của dân làng, cả cha con Thái Duy Tân-Thái Phiên, cả họ tộc Thái, đã không hề nao núng, mà dám xông ra đứng mũi chịu sào, giữ vai trò quan trọng, tập hợp được sức mạnh của dân làng, cùng đại diện các tộc họ và các hào mục, hương lý đấu tranh đến cùng cho quyền lợi của dân làng…
Và vụ kiện đã diễn tiến với việc Tòa án mở phiên tòa ngày 13-10-1904, kết án và phạt tù, phạt tiền đối với lý trưởng Trịnh Hoằng và 4 người dân làng Nghi An, trong đó có ông Thái Duy Tân, thân phụ của Thái Phiên. Người dân Nghi An lúc đó tạm thời bị cường quyền đàn áp, nhưng những trang sử sau này cho thấy, cuối cùng họ đã thắng, Gravelle phải rút khỏi Gò Đình. Cuộc đụng đầu quyết liệt ấy đúng là biểu hiện cho ý chí quật cường, không lùi bước trước cường quyền của con người xứ Quảng.
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN