.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Cọp cũng biết trả thù

.

Nằm tiếp giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ thời xa xưa, khi đến khai canh, khai cư, người dân làng An Bằng (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phải thường xuyên đối phó với nhiều loại thú dữ, nhất là cọp, vị chúa tể sơn lâm. Và trong thời kỳ gần như “sống chung với thú dữ ấy”, người dân làng An Bằng đã để lại nhiều câu chuyện kể khá lý thú, hấp dẫn về việc bắt cọp, bẫy cọp, bắn voi, rồi cả chuyện bị... cọp bắt hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Ly kỳ nhất là chuyện ông Lê Văn Sính, người bắt cọp giỏi nhất làng.

Một cảnh săn cọp thời xưa. (Ảnh tư liệu)
Một cảnh săn cọp thời xưa. (Ảnh tư liệu)

Cũng xin nói thêm, làng An Bằng bấy giờ dân cư thưa thớt, chưa đến 60 nóc nhà, lại ở rải rác, nhà nọ cách nhà kia nhiều khi hàng mấy trăm mét, thậm chí tính bằng cây số. Còn cây cối thì um tùm, rậm rạp. Lý do thật dễ hiểu. Bấy giờ, người ta mới đến khai phá An Bằng. Cho nên, làng với rừng cứ đan xen. Vì thế mới có chuyện khi đến rìa làng, đã thấy núi, thấy rừng, có thể nghe cả tiếng chim kêu, vượn hú ở phía xa xa. Đi một mình, nhiều khi nghe tiếng cọp gầm, tự dưng rợn tóc gáy chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, chuyện thú dữ, đặc biệt chuyện cọp, vị chúa tể sơn lâm... nhiều vô kể. Thỉnh thoảng lại xảy ra việc trâu, bò của ai đó bị cọp bắt ăn thịt. Hồi ấy, trâu bò bị cọp rình bắt không có gì lạ.

Có thể nói, cọp trở thành nỗi ám ảnh của dân làng An Bằng. Và, những người ở tuổi quá “thất thập cổ lai hi” thường nhắc đến một nhân vật bắt cọp giỏi, có tiếng của làng là ông Lê Văn Sính. Ông này rất giỏi võ, có những đòn thế rất hay, tương truyền có sức mạnh ghê người, mạnh đến mức thừa sức đấu tay không với cọp. Người ta kể rằng có lần, cọp vồ trâu ông Lê Văn Sính. Ông ta nhảy ra đánh cọp khiến cọp thua, bỏ chạy thẳng một hơi.

Nhiều lần cọp vào bắt heo ở làng Lộc Phước kế bên. Mỗi khi nghe dân làng nổi trống, gõ mõ, la làng, ông Sính nhanh chân chạy vào Hóc Lách, đứng rình ngay khu vực Đá Chồng. Theo kinh nghiệm của ông, đây là nơi cọp thường đi ngang đây mỗi khi lẻn vào bắt heo, bò... Đúng như ông dự kiến, ngay sau đó, cọp cắp con heo đi qua. Đợi cọp vừa sát tới bên mình, thình lình ông hét một tiếng. Là con nhà võ, tiếng hét ông rất to, dứt khoát, đanh thép, rồi nhắm ngay lưng con cọp, lấy hết sức bình sinh quất một roi mạnh. Cọp lại nghe tiếng hét vang dội, lại cảm thấy lưng đau điếng, hoảng sợ, vứt heo mà chạy thẳng vô rừng. Thế là ông Sính vác heo về, hễ có ai đến xin thì cho lại. Bằng không, ông xẻ thịt ăn.

Người dân làng An Bằng không biết ông Lê Văn Sính có bao nhiêu lần “hớt tay trên” cọp như thế. Chắc nhiều vô kể. Nhưng cọp cũng không vừa. Ai dám bảo loài cọp không tinh khôn, chứ riêng dân làng An Bằng lại nghĩ khác. Bằng chứng là không ít lần, “cắp” heo đến Hóc Lách, cọp thả heo xuống, rồi thình lình vồ ngay đúng lùm cây lần trước ông Sính đứng rình. Cọp nghĩ chắc lần trước ông núp ở đây thì giờ này cũng vậy. Có điều, trí khôn của cọp sao bằng trí khôn của người? Ông Sính có cách đề phòng. Hễ lần này núp lùm cây kia thì lần khác núp lùm cây nọ. Cọp dù tinh khôn nhưng cuối cùng cũng chịu thua ông. Cho nên, không lần nào cọp vồ được ông. Người ta còn kể câu chuyện khá kỳ quặc và cũng rất đáng ngờ là lần nọ, ông Sính ngồi trong bụi rậm quan sát bầy trâu. Bất ngờ, có ông cọp từ đâu xộc tới, ngồi... ngay trên hai bắp đùi ổng. Thế là ông dùng hai tay đánh khiến cọp chạy thẳng một mạch vô rừng... Chuyện tưởng như đùa.

Nhưng như người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”. Cuối cùng, ông Lê Văn Sính cũng chết vì bị cọp “bấm”, tức bị cọp vồ. Số là hôm nọ, ông thức dậy nấu cơm để chuẩn bị đi núi thì bị cọp rình sẵn, thừa lúc ông không phòng bị, vồ chết ngay. Dân làng bảo con cọp vồ ông Lê Văn Sính là con cọp thù dai. Thì phải thôi, cứ bắt được con mồi nào cũng bị ông Lê Văn Sính “hớt tay trên” nên nó tức, ra tay trả thù. Rình một lần không được, nó rình lần thứ hai, rồi thứ ba… Con người, ai không có lúc sơ sẩy. Thế là có cơ hội, cọp ra tay.

Cũng nghe kể, sau khi ông chết, cọp kéo nhau đến nhà ông, ăn hết 7 con trâu trong chuồng! Ai bảo cọp không biết… trả thù?

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.