.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Cu Đê là chỗ nào?

.

Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng: “Năm Đinh Tỵ (1797) đầu thời Trung hưng, đại binh tiến đánh Đà Nẵng, sai Nguyễn Văn Trương chia sang Cu Đê, đến Hải Vân để giữ hiểm chống cự, tức là chỗ này”. Chỗ này, nhưng cụ thể là chỗ nào?

Cửa sông Cu Đê. (Ảnh: V.T.L)
Cửa sông Cu Đê. (Ảnh: V.T.L)

Ngày nay, các nhà nghiên cứu khi nói đến địa danh này thường dùng từ ngữ định vị một cách mơ hồ: “Cu Đê - một làng nhỏ nằm dưới chân đèo Hải Vân”. Thật bất tường! Địa danh Cu Đê chỉ còn lại con sông mang tên ấy – mà sông lại cách chân đèo Hải Vân những 3km về phía nam.

Phòng tuyến làm kế “chống giữ”

Ngày xưa, “để giữ hiểm chống cự”, sông là phòng tuyến tự nhiên, phù hợp với khả năng ngăn chặn, phòng thủ với vũ khí thô sơ lúc đó; bây giờ với lợi thế khí tài kỹ thuật, vũ khí hiện đại, thì địa thế tối ưu là điểm cao. Tuy nhiên, thời nay phòng tuyến tự nhiên là sông cũng chưa thấy loại trừ.

Xét trong sử sách, các lần địa danh Cu Đê xuất hiện, đều được các đội quân chống giữ chọn như một địa thế phòng thủ, ngăn chặn đối phương tấn công từ phương bắc:

Năm 1471, tướng Chiêm là Bồng Nga Sa giữ cửa quan Cu Đê, thời vua Lê Thánh Tông quân Đại Việt tràn vào chinh phạt vì trước đó quân Chiêm đã tiến ra đến thành Hóa Châu (Thừa Thiên).

Năm 1635, Nguyễn Phúc Anh lập lũy Cu Đê chống Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. (Phúc Anh là em trai của Phúc Lan, lúc đó đang là Trấn thủ Quảng Nam, nghe tin Phúc Lan lên ngôi liền bí mật đầu hàng chúa Trịnh, cho đắp lũy Cu Đê để cố thủ, bày thủy quân ở Đà Nẵng chống lại Phúc Lan - ĐNCT).

Năm 1775, Hoàng tôn Dương (cháu của chúa Nguyễn Phúc Khoát) giữ Cu Đê chống với quân Trịnh (Đàng Ngoài). Trước đó, quân Nguyễn đã bắt trói loạn thần Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, đang ngày một ngày hai vượt đèo Hải Vân đánh vào, quân Tây Sơn phía trong đánh ra, đặt Hoàng tôn Dương trong thế lưỡng đầu thọ địch.

Phòng tuyến sông Cu Đê quả là “chỗ hiểm” nên người xưa đã chọn nơi này làm kế “chống giữ” nhưng chẳng giữ được lâu; không bị bắt như Bồng Nga Sa, Hoàng tôn Dương thì cũng bị giết như Nguyễn Phúc Anh bởi đối phương luôn quá hung mạnh!

Vậy Cu Đê ở chỗ nào mà đã “cống hiến” cho sử sách nhiều sự kiện trong diễn trình lịch sử nước nhà suốt 540 năm qua như vậy?

Cu Đê, tức là chỗ này

Xin dùng chữ mà sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn đã diễn đạt khi chỉ về địa danh Cu Đê: Cu Đê, tức là chỗ này!

Trang 372 (sđd) ghi: “Tấn biển Cu Đê: Cách huyện Hòa Vang 27 dặm về phía bắc, tức chỗ cửa sông Cu Đê, cửa lạch rộng 25 trượng 5 thước, thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngữ và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại”.
Trang 368 (sđd) ghi: “Vũng Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) phía đông là núi Trà Sơn, phía Bắc là núi Hải Vân, phía tây là tấn Cu Đê”.

Vũng Trà Sơn, Vũng Thùng hay vịnh Đà Nẵng ngày nay có hình thể tròn như cái thùng, phía đông là núi Sơn Trà, phía bắc là núi Hải Vân, phía tây là làng Nam Ô.

Trang 362 (sđd) ghi: “Sông Cu Đê chảy qua xã Cu Đê, đến đây có nước sông Hoa Ổ chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”.

Cách định vị một tọa độ cụ thể của địa danh Cu Đê như trên nếu vẫn chưa làm thỏa mãn những người quan tâm thì đây, trang 375 (sđd), chỉ rõ hơn trong mục Nhà Trạm: “Khoảng đời Gia Long, mỗi trạm đặt một nhà trạm… cũng như lệ Thừa Thiên. Trạm Nam Chơn ở xã Chơn Sảng, phía Nam đến trạm Nam Ổ 11 dặm linh 115 trượng. Trạm Nam Ổ ở xã Cu Đê huyện Hòa Vang… Nguyên trước là trạm Cu Đê, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên trạm Nam Hoa, năm Thiệu Trị thứ 1 đổi tên như hiện nay”.

Tên nhà trạm Nam Ổ trở thành tên làng Nam Ô hiện nay, là kết quả của nhiều lần cải xã hiệu để địa danh Cu Đê xưa theo thời gian đi vào quên lãng. Tên Nam Ô mặc nhiên thay thế các tên làng cũ: Hóa Ổ, Hoa (Ba) Ổ, Cu Đê đã gây khó khăn biết chừng nào cho những người quan tâm đến nó.

Những ghi chép trong sử cũ là nguồn tư liệu chắc chắn để chúng ta xác nhận: Cu Đê - địa danh khá nổi tiếng trong sử sách thời xưa chính là làng Nam Ô cũng khá nổi tiếng thời nay!

Thật vậy, làng Nam Ô nằm giữa trung lộ Bắc - Nam, có địa hình khá đặc biệt và phong cảnh phong phú, phía đông là vịnh Đà Nẵng, phía tây là sông Ba Ổ, mặt Bắc là cửa sông Cu Đê. Trong sách Hòa Vang huyện chí do Tú tài Trần Nhật Tĩnh soạn năm Tự Đức thứ mười ba (1861) đã mô tả: “Làng Hóa Ổ phía đông đảo gành sóng phun trong nắng sớm, phía tây sông Hóa Ổ ngậm dòng nước biếc, phía bắc ráng trời chiều Liên Chiểu rực màu, thật là một thắng cảnh của đất Hòa Vang vậy”.

ĐẶNG HUYỀN DUNG

;
.
.
.
.
.