.
Cửa sổ tri thức

Có mấy loại cây sưa?

.

* Theo các bài báo viết về cây sưa mới đây thì có hai loại sưa là sưa đỏ và sưa trắng. Thế nhưng, ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, còn có loại sưa vàng. Như thế, sưa có mấy loại và làm thế nào để phân biệt chúng? (Nguyễn Thị Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam).

Từ trái qua: Sưa trắng, sưa đỏ và “sưa vàng” (cây hương vườn).
Từ trái qua: Sưa trắng, sưa đỏ và “sưa vàng” (cây hương vườn).

- Theo Trung tâm Dữ liệu thực vật Việt Nam, gỗ sưa, sưa trắng, trắc Bắc Bộ, trắc thối đều là một chủng loại và có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis prain. Còn Sách Đỏ Việt Nam thì mô tả sưa là cây gỗ to, thường xanh (rất ít khi rụng lá), cao 25-30m, đường kính thân đến 0,6m hay hơn nữa. Vỏ ngoài màu vàng nâu, nút dọc, có khi bong từng mảng lớn. Là loài đặc hữu của Đông Dương và Việt Nam: từ Quảng Nam (Hiên, Giằng, Phước Sơn) trở vào đến Tây Ninh (Tân Biên), Đồng Nai (Thống Nhất, Trảng Bom), Kiên Giang. Tập trung nhất ở Kon Tum (Đắc Tô, Sa Thầy).

Có hai loài sưa chính là sưa trắng và sưa đỏ. Sưa trắng (còn gọi là thàn mát) cho hoa trắng muốt, tỏa hương thơm mát, quả to và đốt không có mùi. Sưa đỏ thân sần sùi hơn sưa trắng, quả kết thành từng chùm và đốt lên có mùi thối nên sưa đỏ còn được gọi là sưa trắc thối. Các nhà vườn phân biệt hai loài sưa này bằng cách quan sát lá: sưa trắng 2 lá mọc đối nhau, sưa đỏ 2 lá mọc so le với nhau.

Căn cứ vào màu hoa và màu lõi gỗ của mỗi loại sưa mà người ta đặt tên là sưa đỏ hoặc sưa trắng. Về gỗ thì sưa đỏ có giá trị hơn sưa trắng.

Ở thành phố Tam Kỳ có một loại cây cho hoa vàng, được gọi là cây sưa. Tuy nhiên, theo một bài viết trên trang khamphahue.com.vn thì đây chỉ là cây sưa Quảng Nam chứ không phải là sưa Bắc Bộ. Đúng ra, không nên gọi sưa, vì từ Bắc chí Nam, tên sưa được gán cho một loài trong chi Dalbergia như đã nói trên.

Cây sưa Quảng Nam được người dân địa phương gọi bằng nhiều tên khác nhau: sưa, sưa vườn, hương vườn; nhưng chính xác nhất phải gọi là cây hương vườn. Đây là một loài cùng chi với giáng hương quả to và giáng hương mắt chim, đó là chi Pterocarpus. Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus Kurz.) còn được gọi gọn là giáng hương (Pterocarpus pedatus Pierre), hay giáng hương Căm-Bốt (Pterocarpus cambodianus Pierre).

Cây hương vườn Quảng Nam hoàn toàn không phải là cây sưa Bắc Bộ (còn gọi là cây huê mộc vàng), có thể phân biệt dễ dàng qua hình thái quả. Quả cây sưa dạng quả đậu, vỏ hơi bẹt thành cánh, thường chứa một hạt, ít khi hai hạt. Quả cây hương vườn Quảng Nam có mép quả bẹt thành cánh, và uốn cong dạng đĩa bay, có 2 - 3 hạt tập trung ở tâm thành một u lồi, bên ngoài có nhiều lông gai.

Do cách gọi sai tên này mà nhiều người nhầm tưởng ngoài sưa đỏ và sưa trắng còn có thêm loại sưa vàng.

Một trong những nhầm lẫn tai hại về tên gọi vừa xảy ra tại nơi được cho là “khu vườn triệu đô” của anh Bùi Thanh Tùng ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ở đây có một cây cổ thụ bị cho là “cây sưa triệu đô”. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Dân Trí (qua bài Tiết lộ “giật mình” về giá trị cây cảnh trong vườn “triệu đô”), người cậu ruột của anh Tùng hiện trông coi xây dựng khu vườn cho biết, cây này được một người bà con của anh Tùng ở Đà Nẵng mua và vận chuyển ra tặng, đó không phải cây sưa mà chỉ là cây giáng hương, tức cây hương vườn. Giá một cây huơng vườn khi trưởng thành chỉ khoảng... 4-5 triệu đồng.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.