Nhân dịp về quê giỗ Tổ, mấy anh em - người từ Hà Nội, kẻ ở Sài Gòn - hẹn nhau “hội tụ” tại Cố đô Huế để cùng đi một chuyến tàu. Không phải vì nghèo mà để thuận tiện giờ giấc lúc đến một vùng quê xa đường quốc lộ, lại trải qua mấy tháng mưa liên miên, họ chọn loại tàu rẻ tiền nhất trong hệ thống tàu “Thống nhất” - đó là tàu TN2.
(Ảnh minh họa) |
Người ta thường bảo: “Tiền nào của nấy”, nhưng điều bất ngờ là chuyến tàu TN2 hôm đó thật “ngon”. Toa tàu, các phòng WC đều sạch sẽ; tàu sắp đến ga nào cũng có lời nhắc hành khách chuẩn bị trước; đến các ga lớn như Đồng Hới thì khách còn được nghe “Quảng Bình quê ta ơi!” dìu dặt tiếng hò khoan! (Không ít các chuyến tàu “SE” loại sang gần đây đã bỏ qua “thao tác” cần thiết làm vui lòng khách này.) Và dù tàu khởi hành từ Huế muộn, vẫn đến một ga lẻ ở Hà Tĩnh đúng giờ.
Cô em tôi là giáo viên dạy văn, từ Sài Gòn ra, khi tàu sắp đến ga lẻ đó đã thốt lên một câu cũng rất bất ngờ: “Em chỉ mong tàu chậm, sáng mai mới đến, để được đi suốt đêm nay trên tàu!”. Những người đang mơ tàu cao tốc và không mấy khi phải chen chúc trên những đoàn tàu dành cho dân chúng, hẳn nghĩ rằng chỉ có kẻ tâm thần mới nói như thế. Kể ra, cô giáo cũng hay nói kiểu cực đoan và không chỉ vì chuyến tàu “ngon lành” mà cô có “ước mong” ngược đời như thế. Không ai chất vấn cô nhưng đều hiểu là vì cô vừa được sống thoải mái bảy-tám tiếng đồng hồ trên khoang tàu chật chội mà đầy ắp niềm vui! Anh em xa nhau lâu ngày, bao nhiêu là chuyện tâm tình - chuyện vui cười như nắc nẻ, chuyện buồn chia sẻ được cũng vơi nhẹ đi. Rồi gói xôi, quả chuối bẻ đôi, cốc nước uống chung; cả chăn chung nữa - cô em tôi không leo lên được giường tầng 2, nên nằm chung với bà chị ở tầng 1… Rồi một cô giáo ở Đại học Huế đi cùng toa, do chồng đang du học ở xa, phải đem theo con nhỏ trong chuyến công tác, ghé sang trò chuyện mới hay cô cùng quê và tôi từng được ăn kẹo “Cu Đơ” cô gửi tặng...
Một khoang tàu trên một con tàu quả là không gian lý tưởng cho con người gần gũi bên nhau, là cơ hội “trời cho” để kết bạn, để chia sẻ buồn vui, để hiểu thêm cuộc đời. Với người phụ nữ, đây cũng là cơ hội được “giải phóng” khỏi mọi nỗi lo toan, từ khoản tiền chợ thiếu hụt do tăng giá đến đứa con “trở chứng” và đứa cháu ho hen vì hít quá nhiều khí thải ô nhiễm trên những con đường chật cứng xe cộ… Cô em tôi nói “ngược đời” không hẳn là “thần kinh”.
Vậy nhưng ông anh tôi, với “bệnh nghề nghiệp” của một ông giáo dạy Triết kỳ cựu, lại không thỏa mãn với những điều bề ngoài dễ thấy đó. Ông ngồi trầm ngâm, “đào sâu” đâu đó giây lát, rồi bật nói:
- Các o, các chú biết vì sao vui không? Vì mỗi người đi tàu chỉ ngồi tạm trên chiếc ghế này chốc lát, đến ga Yên Trung, chúng mình xuống, kẻ khác lên. Thế mới gọi là “lữ hành”.
Lát sau, ông nói tiếp, vẻ hưng phấn:
- Nếu mỗi chuyến đi là cuộc “hành hương” thì còn lý thú hơn nữa!
Tàu sắp đến ga, cô em tôi vừa cúi sắp xếp hành lý, vừa buột ra:
- Giờ em mới hiểu “bệnh” xê dịch của cụ Nguyễn Tuân là một “chủ nghĩa” sang trọng!
Có phải vì thế mà ông anh tôi ít khi ở một chỗ lâu ngày. Hôm trước vừa từ Hà Nội về, mấy hôm sau đã nhấp nhổm soạn ba-lô, chuẩn bị “hành phương Nam”!...
Vậy mà nhiều khi mỗi chúng ta lại tự trói buộc mình trong cách sống tù đọng, mặc dù đều biết một vũng nước, một cái ao tù đọng lâu ngày sẽ bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường; và những vùng đất sớm có cảng biển mở ra thế giới như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn đều trở thành những địa phương có kinh tế phát triển, có tầm nhìn xa rộng…
Mà đâu chỉ có “tù đọng” về mặt không gian - một căn nhà, một con đường, một địa phương không có “cửa mở”; có người luôn “xê dịch”, sáng ở miền Nam, chiều đã bay ra Bắc, nhưng nếu tư duy “tù đọng”, ngôn từ “tù đọng” chỉ biết lặp lại những câu chữ sáo mòn thì cũng chỉ là vật gây “ô nhiễm” môi trường, ngày càng bị công chúng xa lánh mà thôi! Thời buổi này thì lại còn nhiều kiểu “tù đọng” khác nữa: hàng hóa đọng, những khối bê-tông bất-động-sản chết đứng...; cả tiền bạc nghe đâu cũng đang đọng ở không ít ngân hàng! Có vô số lý do, nhưng chắc là cũng vì con người ta thường muốn giành lợi nhuận tối đa cho những thứ mình đã chiếm hữu được nên nhiều khối tài sản lớn đã không thể lưu thông đều nhịp như những chuyến tàu ra Bắc, vào Nam…
NGUYỄN KHẮC PHÊ