.

Đi tìm mùa xuân trong mùa hạ

.

Không ít trẻ em thành phố được gia đình cho về quê nghỉ hè. Còn trẻ em nông thôn thì về đâu?...

Thì các em về ngay tại... nhà mình chứ đâu, anh bạn giáo viên nói đùa. Sáng 25-5 vừa rồi, anh đưa học sinh dự Hội trại “Chào hè” 2012 ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Hòa Vang, do Huyện Đoàn và Phòng GD&ĐT tổ chức.

Hội trại “Chào hè” mở màn các hoạt động hè cho học sinh Hòa Vang.
Hội trại “Chào hè” mở màn các hoạt động hè cho học sinh Hòa Vang.

Hội trại khai mạc buổi sáng thì đến tối diễn ra Liên hoan “Tiếng hát hoa phượng đỏ”, sân chơi này bao giờ cũng thu hút mạnh mẽ độ tuổi thiếu niên, nhi đồng. Năm nay, với trên 1.500 trại sinh là học sinh thuộc 30 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện, Liên hoan đã mở đầu những hoạt động hè 2012 sôi nổi, hào hứng. Hội trại được xem là hoạt động “bàn giao” giữa các nhà trường với Đoàn cơ sở, để ngày 30-5 này Đoàn chính thức tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương.

Hầu hết học sinh nông thôn năm nào cũng nghỉ hè tại chỗ. Vì thế, nếu “kịch bản” hoạt động hè năm sau không mới so với năm trước thì dễ dẫn đến sự nhàm chán, đánh mất đi ý nghĩa cao đẹp mà nhà thơ Xuân Tâm đã viết từ hơn 60 năm trước trong bài “Nghỉ hè”: Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Anh Đặng Quang Hùng, Bí thư Đoàn xã Hòa Tiến, cho biết, một trong những hoạt động hè đình đám ở Hòa Tiến từ năm 2005 trở lại đây là Giải bóng đá thường niên U13. Sau những tháng ngày vùi đầu vào sách vở, các em đã có cơ hội vui chơi thỏa thích và cảm nhận thế nào là nghỉ hè. 11 thôn thành lập 11 đội bóng, em nào không được làm cầu thủ thì vào đội cổ động viên. Các em đã ít nhiều xem qua những trận cầu quốc tế trên màn ảnh nhỏ, “hơi nóng” từ đó đã lan tỏa ra Nhà thi đấu đa năng của Trường THCS Nguyễn Phú Hường, nơi diễn ra giải U13 với những pha bóng điệu nghệ và màn cổ động hào hứng.

Nếu ở cấp xã có Giải bóng đá U13 thì ở cấp huyện có Giải bóng đá U15 dành cho học sinh THCS và Giải bóng đá thanh niên dành cho học sinh THPT. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo hoạt động hè huyện Hòa Vang, cho biết, các sân chơi thể thao này đã góp phần cùng với các hoạt động hè khác tạo cho các em học sinh nông thôn có một mùa hè vui tươi, bổ ích, lành mạnh và an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Năm nay, theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện, đã có thêm bể bơi thứ ba trên địa bàn huyện đặt tại Trường Tiểu học An Phước, sau hai bể bơi khác đặt tại các trường tiểu học Hòa Khương 2 và Hòa Tiến 1. Các bể bơi thuộc Chương trình Trường học An toàn, Dự án An toàn Đà Nẵng này vừa là sân chơi bổ ích mùa hè vừa giúp các em có được kỹ năng bơi nhằm tránh nguy cơ đuối nước.

Gì thì gì, dù có thỏa thuê “nhảy nhót” đi tìm “mùa xuân trong mùa hạ” thì các em vẫn không quên nhiệm vụ chính của “hậu nghỉ hè” là đi học trở lại. Với những em học lực yếu, trung bình, các ban chỉ đạo hè cơ sở tổ chức các lớp ôn tập văn hóa giúp các em nắm vững kiến thức trước khi bước vào năm học mới. Phụ trách đứng lớp chủ yếu là sinh viên, như ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, là Lê Thị Trang (sinh viên Đại học Ngoại ngữ) và Đặng Thị Kiều (sinh viên Đại học Sư phạm). Mỗi cô nhận kèm một nhóm khoảng 3-5 em, không phải gia sư nên không nhận lương, tình nguyện là chính. Nói thế, chứ phụ huynh cũng gửi chút quà gọi là tiền nước non, xe cộ cho các cô.

Hằng năm, từ ngày 10 đến 15-8 là các trường tổ chức thi lại cho học sinh có sức học yếu. Từ đầu tháng 7, trường tổ chức các lớp ôn tập kiến thức cho các em, khoản bồi dưỡng giáo viên do phụ huynh tự nguyện đóng góp với mức, theo bà Quỳnh Trang, không quá 30.000 đồng/học sinh.

Học sinh nông thôn nay cũng đã “biết” học hè như học sinh thành phố. Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo em nào muốn học hè phải làm giấy đăng ký tự nguyện và chỉ được học mỗi tuần 3 buổi. Vì còn phải dành thời gian cho các em tận hưởng những ngày hè đầy thú vị.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.