.

Dược phẩm qua các tầng nấc trung gian

.

Những năm gần đây, giá thuốc biến động theo chiều tăng không ngừng khiến người bệnh lao đao. Người bệnh - người tiêu dùng lãnh đủ khi dược phẩm bị “làm giá” bởi nhiều yếu tố: nhà sản xuất định giá bán buôn, bán lẻ; giá bị đẩy lên qua nhiều khâu trung gian; mức chiết khấu dành cho nhà thuốc, bác sĩ; phí quảng cáo, vận chuyển…

Cán bộ Sở Y tế Đà Nẵng kiểm tra một nhà thuốc trong thành phố.
Cán bộ Sở Y tế Đà Nẵng kiểm tra một nhà thuốc trong thành phố.

Giá thuốc nhìn  từ khâu phân phối

Khi mua 10 hộp Calcikua (nguyên liệu Nhật Bản) sẽ được tặng 3 hộp; 55 hộp sẽ được chiết khấu 27%; 100 hộp sẽ được tặng 51 hộp. Khi mua 30 hộp Victoria (thuốc tránh thai) sẽ được tặng 15 hộp và 200 túi nilon; 240 hộp sẽ được chiết khấu 40% và 400 túi nilon.  Khi mua viên sủi Hass-Multivitamin, Biogrow, Cholincetin trị giá 5,92 triệu đồng trở lên, được tặng phiếu mua hàng trị giá 1,7 triệu đồng, nếu trả bằng tiền mặt được chiết khấu thêm 3%... Đó là vài ví dụ trong các chương trình khuyến mại dành cho khách hàng là các nhà thuốc của một số công ty dược phẩm có chi nhánh tại Đà Nẵng.

“Tùy theo từng thời điểm trong năm mà mức chiết khấu công ty đưa ra là bao nhiêu, nhưng thông thường sẽ không quá 50% tùy theo từng mặt hàng bởi phần trăm chiết khấu đó dành cho cả trình dược viên (TDV) và nhà thuốc (bác sĩ)”. T.D.X, một TDV Công ty CP Dược phẩm A.Pharma cho biết.

Thị trường dược Việt Nam phụ thuộc gần 60% từ dược phẩm nhập khẩu, và phần lớn dược phẩm được “làm giá” ở nước ngoài. DS Trần Cúc, Trưởng phòng quản lý Dược, Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, giá thuốc cao do nhiều nguyên nhân như chung chi hoa hồng giữa nhà sản xuất, phân phối, dược sĩ và bác sĩ. Bên cạnh đó, tâm lý sính thuốc ngoại cũng đang là yếu tố đẩy giá thuốc tăng cao. “Chính người tiêu dùng đang tự móc túi mình, vì lúc nào cũng thích dùng thuốc có bao bì thật đẹp, nhập ngoại mới thích. Chiều người bệnh, nhiều bác sĩ cũng phải kê thuốc ngoại”, ông Cúc nhận định.

Trong khi đó, giá cả các mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN) cũng được xem là quá cao so với túi tiền của người tiêu dùng bình dân. Hiện nay, thay vì có bệnh mới mua thuốc điều trị bệnh, người tiêu dùng-người bệnh chuyển sang dùng TPCN (dù rằng, nhiều dược sĩ cho biết, TPCN chỉ chứa một số ít thành phần của thuốc, dùng thường xuyên và lâu dài cũng không làm bệnh thuyên giảm). Nắm được xu hướng đó, các công ty dược phẩm chuyển sang nghiên cứu, sản xuất các loại TPCN chứa tinh chất thảo dược. Một số mặt hàng khá phổ biến trên thị trường đều có giá cao như: viên trị nám da “Sắc ngọc khang” giá 165.000 đồng/hộp, “Hoạt huyết minh não khang” giá 42.000 đồng/hộp, “hồng sâm baby thượng hạng” dành cho trẻ em xuất xứ Hàn Quốc giá 1,65 triệu đồng/hộp; “sữa ong chúa thượng hạng” của Australia 365 viên giá 900 nghìn/hộp; sâm Alipas của Mỹ giá 570 nghìn đồng/hộp…

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông mà chủ yếu là truyền hình, các loại TPCN xuất hiện trong chương trình quảng cáo với tần suất dày đặc, ở những “khung giờ vàng” có tỷ lệ người xem cao nhất, đánh bật cả những sản phẩm thương mại mang thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng thế giới. Bảng giá quảng cáo của các đài có giá dao động từ 3,5 đến 30 triệu đồng, tùy vào thời gian phát quảng cáo trong ngày. Theo DS T., một người làm quản lý lâu năm trong ngành dược thì tất cả giá chiết khấu, quảng cáo, phí vận chuyển… tất yếu sẽ được quy vào giá thành sản phẩm, nhất là chi phí quảng cáo quá cao như hiện nay.

- Bắt đầu từ ngày 1-6-2012, theo Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT về hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc dành cho người, khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, cơ sở sản xuất thuốc ở nước ngoài phải kê khai giá không được cao hơn giá bán của nước xuất khẩu; chi phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển từ nước xuất khẩu đến cảng Việt Nam (gọi tắt là giá CIF) và không bao gồm thuế nhập khẩu (nếu có). Để tránh hiện tượng “làm giá” từ nước ngoài, Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá để đối chiếu.


- Nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices) nghĩa là nhà thuốc có đủ tiêu chuẩn hoạt động. Trong đó có việc, không được tiến hành các hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc tại nơi bán thuốc trái với quy định về thông tin quảng cáo thuốc; nhân viên nhà thuốc phải tư vấn đúng, bảo đảm hiệu quả điều trị với người bệnh, không quảng cáo thuốc tại cơ sở trái với quy định và thực hiện bán thuốc theo đơn.

Các mánh khóe “móc túi” khách hàng

Theo chị D., một người đã từng đứng quầy thuốc trong nhiều năm, có khá nhiều cách để khách hàng sẵn sàng móc hầu bao nhiều hơn giá trị thực của thuốc. Cùng một công dụng chữa bệnh, nhưng nếu đưa cho người mua, thuốc sản xuất từ nước ngoài, có thể đẩy giá bán lên khoảng 20 - 40%. Và thực tế, chẳng có mấy người mua phân biệt được thuốc trị bệnh của nước nào tốt hơn! Nghĩa là, chỉ cần khéo một chút khi giới thiệu thuốc cho khách hàng là người bán đã có được khoản tiền chênh lệch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dược phẩm, ở nhiều dòng thuốc, thuốc ngoại nhập từ Ấn Độ, Pakistan… có chất lượng cũng chỉ ngang ngửa với thuốc trong nước, thậm chí còn kém cạnh hơn.

Dược phẩm xách tay dưới dạng các loại vitamin, calcium, Omega-3, Omega-6… xuất xứ từ Mỹ được xem là mặt hàng quý, vô giá, giúp cơ sở “có ăn” nhiều hơn tất cả các loại thuốc thông thường. Do thuốc chưa ở trong danh mục thuốc được cấp phép nhập khẩu, không phổ biến trên thị trường, người mua không thể đọ giá, nên nhà thuốc có thể đẩy lên bất kỳ giá nào tùy thích, có khi cao hơn giá mua vào trên 100%, phụ thuộc vào khách hàng “xịn” hay trung bình. Chẳng hạn như Collagen thuốc làm đẹp da cho phụ nữ lấy qua đầu mối chuyên cung cấp hàng xách tay chỉ có 600 nghìn đồng/lọ 1.000 viên, nhưng giá bán ra thường dao động từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/lọ. Các loại thuốc giảm cân như Best Slim USA, Slim Express, Super Slim USA… xuất xứ từ Mỹ có giá từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/lọ.

Tương tự, các loại thuốc bổ xương, bổ mắt, đều được bán với giá gấp đôi, gấp ba giá mua vào. Hoặc những mặt hàng “nhạy cảm” như viagra, bao cao su… mang từ nước ngoài về đều được những người rủng rẻng tiền ưa chuộng. Theo lời một TDV: “Khi bán chị phải nhìn mặt người nào có tiền, và có vẻ rành mấy loại đó mới mang ra quảng cáo. Việc “cắt” thuốc giúp người bệnh khỏi bệnh nhanh chóng là cơ sở tạo uy tín, để nhà thuốc bán được các mặt hàng nhiều lãi”.

Quản lý giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh

Dược sĩ Trần Cúc cho biết, ngành chức năng không có quyền cho phép duyệt giá và định giá bán của các công ty dược. Nhà nước chỉ quản lý giá qua việc kê khai lại giá thuốc đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và niêm yết giá thuốc đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ.

Ngoài ra, nguồn nhân lực của phòng quản lý Dược quá mỏng so với số lượng khoảng 500 cơ sở bán lẻ, bán buôn trên địa bàn thành phố, nên việc kiểm tra thường xuyên để quản lý xem ra khá khó khăn. “Có khi một quầy thuốc mà cả năm mình không tới được. Chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân khi mua thuốc nên chọn lựa các cơ sở đạt chuẩn GPP, cùng ngành y tế kiểm tra giá thuốc niêm yết”, ông Cúc nói. Theo ông, bất hợp lý về giá thuốc là do cục Dược, Bộ Y tế không thể quản lý được giá thuốc ngay từ gốc, nhất là đối với thuốc ngoại nhập.

Từ năm 2001 đến nay, Đà Nẵng đã chuyển trọng tâm tập trung quản lý thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh qua đấu thầu tập trung một giá tại Sở Y tế, vì việc phục vụ cho đại đa số người bệnh là yêu cầu bức thiết nhất. “Tại các bệnh viện, chúng tôi cũng khuyến khích tăng cường dùng thuốc nội có chất lượng cao, phấn đấu đạt tỷ lệ 60 - 70% thuốc nội trong tổng số thuốc tại cơ sở. Nhưng trên thực tế, do tâm lý sính ngoại của người bệnh và không ít bác sĩ, tỷ lệ này mới chỉ đạt 38 - 42%”, ông Cúc so sánh.

Để quản lý giá thuốc trong thời gian tới, ông Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho rằng, khi không can thiệp trực tiếp được vào quản lý giá thuốc thì phải sắp xếp lại hệ thống phân phối thuốc hiện nay, cắt bỏ các tầng nấc trung gian và chống việc phân phối độc quyền. Qua đó, ngành y tế đẩy mạnh xây dựng hệ chuỗi nhà thuốc GPP để cắt bớt tầng nấc phân phối trung gian. Hiện nay tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê, các nhà thuốc đã xây dựng xong chuẩn nhà thuốc GPP, do DS quản lý; các quận còn lại tùy vào điều kiện sẽ xây dựng nhà thuốc hoặc quầy thuốc đạt chất lượng.

Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam khảo sát cho thấy, nếu như trong tháng 2 có 23 loại thuốc nội tăng giá và tỷ lệ tăng trung bình là gần 10%; thì từ tháng 3 đến cuối tháng 4, có đến 65 loại thuốc nội tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 16%. Trong gần 13.000 mặt hàng thuốc ngoại nhập thì có 43 lượt mặt hàng tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,64%. Có những loại tăng đến hơn 40% như thuốc tim mạch Trafedin tăng từ 12 lên 18 nghìn đồng/vỉ, thuốc nhỏ mắt Osla từ 8,5 nghìn lên 12 nghìn đồng/lọ...

HOÀNG NHUNG - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.