.

Hàng giả và giải pháp

Lần đầu tiên, Đà Nẵng vừa có động thái tiêu hủy số lượng mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng lớn nhất từ trước đến nay thông qua việc cấp đổi mũ đạt chất lượng cho người tiêu dùng. Số mũ kém chất lượng được đem ra tiêu hủy lần này như là một minh chứng cho cách làm quyết liệt của thành phố trong việc tuyên chiến với hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi cũng như tạo thói quen tốt cho người tiêu dùng.

Điều đáng nói, là cùng với động thái này, trước đó, Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất MBH đạt chất lượng, có giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với công suất 150.000 chiếc mỗi năm, nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động chỉ trong hơn một tháng nữa sẽ hiện thực hóa chủ trương sử dụng MBH chất lượng - một trong các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông trong nhân dân.

Có thể nói, với cách làm này đã thể hiện rõ một chủ trương nhất quán, cách làm quyết liệt và đồng bộ của Đà Nẵng trong việc thực hiện giải pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Đó là việc không phải chặn từ “ngọn”, mà giải quyết vấn đề từ “gốc”, tạo điều kiện cũng như thói quen cho người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng thật, hàng có chất lượng...

Thế nhưng, đây mới chỉ là một giải pháp, trên một mặt hàng là MBH dành cho người đi mô-tô, xe gắn máy, cũng như chỉ giới hạn trong phạm vi một địa phương. Trong khi đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và không chỉ dừng lại ở biên giới một quốc gia.

Vấn nạn này xuất hiện chủ yếu từ 2 xu hướng. Thứ nhất, đó là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng còn có tâm lý chạy theo xu hướng dùng hàng giá rẻ nhưng lại muốn có cảm giác như được sử dụng hàng thật, bất chấp những cảnh báo về chất lượng. Thứ hai, những nhà sản xuất bất chấp quy định của pháp luật, sản xuất hàng giả, hàng nhái (dĩ nhiên kém chất lượng) để đánh lừa người tiêu dùng nhằm kiếm lời một cách bất chính.

Đứng giữa hai xu hướng đó, quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật, định hướng và tạo điều kiện cũng như môi trường thuận lợi để người tiêu dùng được sử dụng hàng thật, hàng có chất lượng theo đúng giá thành của nó. Thế nhưng, trên thực tế, dường như việc này đã bị thả nổi, thả lỏng, có lúc có nơi đã ra khỏi tầm kiểm soát. Tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra một cách công khai, tràn lan và trên mọi lĩnh vực của đời sống. Có tình trạng này chính là do chưa có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện, mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể.

Nhìn lại việc sử dụng MBH đạt chất lượng, chúng ta dễ dàng nhận thấy một quy trình rất rõ ràng. Đó là tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa; cấp đổi với giá thành hợp lý; bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng thông qua số lượng, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc... từ việc xây dựng nhà máy sản xuất đạt chuẩn. Trong điều kiện đó, rõ ràng, người tiêu dùng có quyền và ý thức về sự lựa chọn hàng hóa đạt chuẩn, giá thành hợp lý trong tiêu dùng của mình và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, việc thu hồi, tiêu hủy MBH không đạt chất lượng thể hiện rõ ràng thái độ của nhà quản lý đối với hàng giả, hàng nhái, hàng không đạt chất lượng...

Thông qua động thái này cho thấy, để có một xã hội không hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thì bên cạnh ý thức người tiêu dùng, nhà quản lý phải có chính sách đồng bộ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thái độ, cách làm quyết liệt, dứt khoát!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.