.
Hồ sơ tên đường

Phạm Đình Hổ, người không xu phụ quyền trọng

.

Chiếu chỉ thăng chức ngày 16 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ bảy (1826) đã nhìn nhận về ông: “Văn học vượt trội, tính tình ngay thẳng, không xu phụ quyền trọng”.

Đường Phạm Đình Hổ thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Đường Phạm Đình Hổ thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) là nhà nghiên cứu văn hóa-xã hội, nhà văn và nhà thơ ở khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Theo Địa chí Hải Dương, ông người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, ngay từ nhỏ đã ôm ấp mộng văn chương. Đời Lê Chiêu Thống, ông vào học tại Quốc Tử Giám, thi đậu sinh đồ. Suốt thời Quang Trung ông về quê, đi nhiều nơi nghiên cứu lịch sử và dạy học.

Khi Gia Long lên ngôi, khôi phục thi cử, ông đi thi nhưng không đỗ. Đến năm 1821, ông được vua Minh Mạng cử làm Hành tẩu Hàn lâm viện, được một thời gian, ông xin nghỉ việc về nghiên cứu viết sách. Năm 1826, Minh Mạng lại triệu ông vào Huế, làm Thừa chỉ Hàn lâm viện, rồi được thăng lên chức Tế tửu Quốc tử giám, mặc dù ông chỉ đỗ sinh đồ (tú tài).

Năm 1832, ông từ quan, về quê và 7 năm sau qua đời ở tuổi 72.

Ông đọc nhiều, đi nhiều, lúc ra làm quan cũng dành thời gian cho nghiên cứu, biên soạn nhiều sách chuyên khảo có giá trị thuộc đủ mọi lĩnh vực như: văn học, triết học, lịch sử, địa lý... tất cả đều bằng chữ Hán. Hiện còn lưu trữ 22 tác phẩm, trong số đó đáng kể là: An Nam chí (Ghi chép về nước An Nam); Ô châu lục (Ghi chép về châu Ô); Lê triều hội điển (Điển chương pháp luật triều Lê); Ai Lao sứ trình (Hành trình đi sứ Ai Lao); Bang giao điển lệ (Phép tắt luật bang giao); Nhật dụng thường đàm (Từ điển từ ngữ và tri thức thông dụng)... Các công trình khảo cứu của ông có những giá trị nhất định, đặc biệt là giá trị về mặt tư liệu đối với khoa học lịch sử, ngôn ngữ, triết học.

Về sáng tác văn học, ngoài hai tập thơ, ông còn để lại hai tập bút ký có giá trị văn học là Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án).

Ông viết Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa) lúc ngoài 30 tuổi. Về tác phẩm nổi tiếng này, Từ điển Văn học bộ mới (NXB Thế Giới Mới, 2004) viết: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng kinh ký sự; Vũ trung tùy bút là thiên ký sự tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi giàu tính hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII”.

Nguyễn Lộc trong Lời bạt in cuối sách Vũ trung tùy bút (NXB Trẻ & Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, in lại năm 1989) có cái nhìn rộng hơn: “…những tư liệu chứa trong Vũ trung tùy bút đều rất cần thiết cho những người viết tiểu thuyết lịch sử, dựng phim, nghiên cứu sử, dân tộc học, xã hội học... Điều cần nói nữa, đó là những nội dung ấy bao giờ ông trình bày cũng giản dị, sinh động và hấp dẫn. Và rải rác trong hầu hết các truyện, Phạm Đình Hổ đều gửi gắm những nỗi niềm tâm sự, những suy nghĩ của ông về cuộc đời, về thế thái nhân tình...”.

Cũng trong Vũ trung tùy bút, ông bày tỏ chí nguyện đời mình qua bài Tự thuật: “Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự của mình rồi, không phải nói nữa. Sau này, trưởng thành mà được lấy văn chương nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ nhà kia, chí tôi chỉ muốn như thế mà thôi”.

Chiếu chỉ thăng chức ngày 16 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ bảy (1826) đã nhìn nhận về ông: “Văn học vượt trội, tính tình ngay thẳng, không xu phụ quyền trọng”. Có lẽ, những đức tính thiên bẩm này đã khiến ông, cậu học trò nghèo chỉ đỗ sinh đồ và lận đận trên con đường khoa bảng, đã lọt vào “mắt xanh” của vị vua khá biết nhìn người Minh Mệnh. Từ đó, ông đã dày công giũa rèn ngọn bút và để lại những tác phẩm làm giàu kho tàng văn chương Việt.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 430m, rộng 7,5m  điểm đầu giao với đường Nguyễn Tất Thành, điểm cuối giao với đường Ngọc Hồi, thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 15/2004/NQ/HĐND, ngày 16-12-2004 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.