.

Học để vào đời

.

“Nhiều lần ba say xỉn đã đánh con, ông đánh rất nặng tay như trút hết bực bội lên người con. Ông còn bảo con là “ăn hại”…”. Lời tâm sự giữa dòng nước mắt của cậu bé đã làm các anh chị ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em (TTBTTE) đường phố Đà Nẵng như đứt từng khúc ruột. Rất nhiều những câu chuyện bạo hành như thế đã từng xảy ra với các em. Khi bị chính cha hoặc mẹ đánh đập, các em bị tổn thương và thường nghĩ trên đời không còn ai yêu thương các em.

Lớp học kỹ năng “An toàn cá nhân” của TTBTTE đường phố Đà Nẵng.
Lớp học kỹ năng “An toàn cá nhân” của TTBTTE đường phố Đà Nẵng.

Lâu dần, những trận đòn roi khiến các em nghĩ mình là người có lỗi thật, là kẻ “ăn bám, ăn hại” như chính câu nói được lặp lại nhiều lần của cha, mẹ.

Theo ông Nguyễn Điệp, cán bộ TTBTTE, thì việc trút lên con những câu nói nặng nề như thế không phải là một biện pháp giáo dục, mà đó chính là hành vi xâm hại trẻ em.

Đầu năm 2012, TTBTTE đường phố Đà Nẵng đã tiến hành các lớp tập huấn về can thiệp, phòng chống cho trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành như bạo hành tập thể (các em đánh lộn nhau) và bị cha mẹ bạo hành. Chương trình dành cho các em sống trong 4 gia đình và những em đang học nghề ở TT.
Những giáo viên đứng lớp cho biết các câu chuyện được lấy ví dụ trong chương trình tập huấn không nhằm vào bất kỳ đối tượng nào ở TT, mà có thể là những câu chuyện xâu chuỗi trong muôn vàn chuyện, những cảnh đời của các em để tránh cho các em mặc cảm; hoặc những câu chuyện xảy ra được báo chí đưa tin.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5, 120 thành viên thuộc các lớp học nghề của TT đã tham gia 4 lớp tập huấn “An toàn cá nhân” về cách tránh các nguy cơ, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Lớp tập huấn còn dành 2 buổi để giáo viên nói chuyện, thảo luận với cha mẹ các em, những người sẽ giúp các em tránh các nguy cơ trên. Theo đó, các bậc cha mẹ nên nói với trẻ ai có thể là “yêu râu xanh” để các em nhận biết hành vi của những kẻ có thể làm hại các em; dạy trẻ cách phản ứng như kêu khóc, cắn hay bỏ đi để thoát thân; khuyến khích trẻ kể lại những hành vi hơi khác thường mà người lớn làm với chúng để kịp thời nhận ra các dấu hiệu nguy cơ cho con… Những buổi tập huấn như thế ngoài chương trình khung, giáo viên còn để các em tự thảo luận nhóm, nói về các nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, đưa ra cách phòng tránh cụ thể.

Ông Nguyễn Điệp cho biết, trong suốt 20 năm từ khi thành lập đến nay, những người lãnh đạo của TT luôn xác định việc các em được nuôi dạy hay được trang bị học nghề thì chưa đủ, mà các vấn đề như phòng chống nguy cơ bị xâm hại, bạo hành, bóc lột sức lao động, dạy các kỹ năng giao tiếp, hành xử, … cũng rất quan trọng, trang bị thêm hành trang, kiến thức trước khi các em vào đời.

5 năm trở lại đây, TT đã triển khai nhiều lớp kỹ năng bằng chính “nội lực”- của những người công tác tại TT đảm nhận. Ngoài ra TT còn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của nhiều tổ chức trên thế giới về phòng tránh mua bán trẻ em, về phòng chống can thiệp cho trẻ em và thanh thiếu niên đường phố có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành.

Ở Đà Nẵng còn có nhóm Kỹ năng sống trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt (Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Đà Nẵng) với hơn 10 thành viên tham gia, thành lập từ năm 2008 đến nay. Nhóm đã trang bị kỹ năng giao tiếp, việc xác định nghề nghiệp của các em trong tương lai, cách thể hiện năng lực bản thân… cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ mồ côi, khuyết tật thông qua chương trình giảng dạy kỹ năng sống  do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Giáo viên đứng lớp là các bạn sinh viên, cựu sinh viên khoa tâm lý (ĐHSP Đà Nẵng). Chương trình chủ yếu được thực hiện trong các tháng mùa hè, nhằm trang bị kỹ năng sống cho các trẻ em thiệt thòi trên toàn địa bàn thành phố.

ThS tâm lý Huỳnh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm, Giám đốc TT Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt cho biết,  các tình nguyện viên sẽ chỉ cho các em cách hành xử, ứng phó kịp thời, khoa học nhất, những địa chỉ, số điện thoại khi các em cần được giúp đỡ.

Ngoài các lớp kỹ năng dành cho trẻ thiệt thòi tại các TT từ thiện, thì hai năm gần đây, vào dịp hè, Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố tổ chức các lớp kỹ năng dành cho những em có tính tình nhút nhát, ít giao tiếp với bạn bè (từ 8-15 tuổi). Việc giáo dục kỹ năng sống hay nói cách khác là trang bị cho các em kiến thức cần thiết để các em có thể xử lý một cách tốt nhất trước những vấn đề, những tình huống gặp phải trong cuộc sống, sinh hoạt, và giúp các em tự tin trong giao tiếp, ứng xử…

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.