.

Khôi phục các tác phẩm bị đánh cắp

.

Hơn 60 năm sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, vẫn còn hàng triệu tác phẩm bị mất hoặc bị đánh cắp chưa được trả lại cho người thừa kế hợp pháp. Theo ước tính, Đức quốc xã đã lấy đi khoảng 650.000 hiện vật, trong đó có các tác phẩm nghệ thuật từ người Do Thái châu Âu trong Thế chiến thứ II.

Tuần qua, các chuyên gia nghệ thuật vừa tham gia một hội nghị đề cập đến việc khôi phục các tác phẩm bị Đức quốc xã đánh cắp được tổ chức ở Đức. “Đây là nỗ lực để đối phó với thực tế rằng vẫn chưa có chương trình đào tạo nghiệp vụ cho những người tìm kiếm, khôi phục lại các tác phẩm nghệ thuật đã bị mất hoặc bị đánh cắp”, ông Wesley Fisher - Giám đốc nghiên cứu về khiếu nại của người Do Thái chống lại Đức quốc xã nói. Ông còn nói thêm: “Có một số người có kinh nghiệm nhưng họ không được đào tạo chính thức”.

“Chân dung  Wally” của tác giả Schiele đã được trả lại cho Viện bảo tàng Leopold ở Áo sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài.
“Chân dung Wally” của tác giả Schiele đã được trả lại cho Viện bảo tàng Leopold ở Áo sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Sự kiện này diễn ra 6 ngày ở Magdeburg, Đông Đức với sự tham gia của 35 chuyên gia đến từ hơn 10 nước trên thế giới. Nó đánh dấu cuộc họp lần đầu tiên của Chương trình đào tạo nghiên cứu xuất xứ tác phẩm (Provenance Research Training Programme) mà sau này sẽ được mở rộng sang các nước khác. Theo ông Fisher, hầu hết các thư viện đã bị lấy đi hàng triệu cuốn sách. Ông Fisher muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập một mạng lưới các chuyên gia quốc tế bởi các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp thường đi qua nhiều nước. “Bây giờ, đã hơn 60 năm trôi qua, nhiều tác phẩm đang được đưa ra bán đấu giá và chúng đã đến với thị trường nghệ thuật”, ông nói.

Năm ngoái, một cơ sở dữ liệu trực tuyến đã được thành lập với sự hợp tác của cơ quan Lưu trữ quốc gia và Ủy ban nghệ thuật bị đánh cắp (Đức), trong đó liệt kê các tác phẩm mất tích. Các tài liệu được cập nhật từ giữa năm 1939 và năm 1961 để thống kê các đặc điểm và hình ảnh của tác phẩm nghệ thuật. Các tài liệu còn có cả chi tiết về nhận dạng và phục hồi các hiện vật trong và sau Chiến tranh thế giới thứ II. “Bằng cách số hóa và liên kết các thông tin lưu trữ trực tuyến lại với nhau, các nhà nghiên cứu có thể kết nối thành những câu chuyện liên quan đến các đối tượng văn hóa”, ông Oliver Morley, Giám đốc điều hành cơ quan Lưu trữ Quốc gia nói.

Trước đó, Bảo tàng Leopold ở Áo đã đồng ý chi trả 19 triệu USD để lấy lại một bức tranh của Egon Schiele bị Đức Quốc xã đánh cắp. Bảo tàng này cũng đã thông báo sẽ bán thêm một tác phẩm nữa để trang trải các chi phí cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài 12 năm với các tác phẩm tranh chấp.

GIA HUY
 

;
.
.
.
.
.