.

Lên rừng tìm lá gói bánh tro

.

Tháng Năm âm lịch cận kề, những người dân (thuộc tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) chuyên cung cấp lá đót cho các thương lái gói bánh tro phục vụ ngày Tết Đoan Ngọ đã tất bật ngược núi đi tìm lá từ nhiều ngày trước.

Gói lá đót thành từng chục.
Gói lá đót thành từng chục.

Chuyến đi của họ bắt đầu từ 3 giờ sáng, với hành trang mang theo là liềm, gánh đôi bội, nước trà đậm, ít đồ ăn lót dạ. Họ đi về các hướng như khu vực Suối Lương, khu vực Hố Sâu, núi Âm Bà... để tìm lá đót. Chị Đinh Thị Tuyết (47 tuổi) trò chuyện: băng rừng, vượt núi, chân tay không tránh khỏi bị gai xước, lá đót cắt. Nhưng làm suốt đã thành quen...

Chừng 8 giờ sáng, chị em đã nặng trĩu gánh lá đót trên vai trở về nhà. Ướt đẫm mồ hôi trên lưng áo. Cứ ngỡ, các chị đi sớm để tranh thủ đi thêm chuyến khác. Nào ngờ, lá đót khi nắng lên sẽ bị héo, cuộn tròn lại rất khó dùng nên mỗi ngày chỉ đi được một chuyến. Từng cây đót được chặt đi, không bao lâu sẽ nứt chồi lên và từ năm này qua năm khác hết bông lại thu hoạch lá.

Ở khu vực tổ 8 này, duy nhất gia đình nhà chồng chị Phan Thị Hường (48 tuổi) có mối bỏ lá đót ở Hội An từ rất lâu rồi. Hằng năm đến độ ra giêng, các thương lái tự liên hệ và tìm đến nhà chị đặt cọc tiền mua lá khô dự trữ cho ngày mùng 5. Thế là, chị vận động họ hàng, chị em xung quanh lên rừng kiếm lá về bán. Nghề này không cần vốn, chỉ bỏ công ra kiếm tiền. Hiện nay, vợ chồng chị có tất cả 8 thương lái đặt mua lá và 18 người trong tổ tham gia.

Khi mang lá về, những thành viên trong gia đình, từ người già đến con nít, ai rảnh xúm nhau gói lá, xếp 16 lá chồng lên nhau, lấy dây rơm bó lại; 12 bó 1 chục (2.800 đồng/1chục). Những lá to được bó riêng với giá cao hơn 5.000 đồng/1chục. Sau đó, dùng rựa tỉa đầu cho bằng phẳng trước khi đem phơi từ 5-7 nắng. Theo ước lượng của các chị, một gánh lá khoảng 500 chục thu nhập trung bình được 140 ngàn đồng/buổi sáng. Chị nào chăm chỉ, sẽ kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng.

Để lá đót gói bánh tro đẹp, chị Hường cho biết, trong một bó, chiếc lá ở ngoài cùng phải lật bề trong ra trước khi bó lại phơi thì khi khô lá sẽ vàng đẹp. Chị em làm được bao nhiêu thương lái thu mua hết. Mỗi chuyến xe của thương lái đến chở khoảng 40.000-50.000 chục lá đót, chị không thể ngồi đếm từng chục mà chủ yếu là sự trung thực của người làm.

Giờ đang là thời kỳ cao điểm, các thương lái tranh thủ tới chở lá đót khô đã đặt cọc từ trước để chuẩn bị về gói bánh tro. Sau ngày mùng 5 trở đi, thương lái không mua lá đót khô mà chỉ thu mua lá tươi về gói bánh tro bán hằng ngày. Giá hạ hơn chút đỉnh 2.500 đồng/1chục. Đến hết rằm tháng 7, lá đót không có nguồn tiêu thụ, chị em lại chuyển sang mưu sinh bằng nghề đi củi, buôn bán…

Theo ông Huỳnh Chung (54 tuổi, tổ trưởng tổ 8) cho biết, nơi đây chỉ có tổ 8 là hành nghề lá đót từ lâu đời. Nghề này thu hút đa số chị em tham gia. Tuy là việc làm thêm nhưng góp phần tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập đáng kể.

“Tháng Tư đong đậu nấu chè, ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”… Tết mồng Năm, ăn bánh tro không biết đã bao lần, ít ai biết được chiếc bánh ú tro nhỏ xíu kia lại được gói bằng lá đót. Lá của cây chổi đót. Thứ cây mà ra Tết, khoảng rằm tháng giêng hằng năm, người dân đi bứt bông để cân lại cho những cơ sở làm chổi đót. Qua tháng ba âm lịch trở đi, lá đót lại chờ tay người hái...

TUYẾT PHAN

;
.
.
.
.
.