.

Lòng nhân ái

Bước vào “Tháng hành động vì trẻ em” (diễn ra từ ngày 1 đến 30-6) năm nay, Đà Nẵng có hoạt động rất ý nghĩa từ sự phối hợp tổ chức của Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, Hội Cựu chiến binh, Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố. Đó là từ việc tổ chức chương trình “Đồng hành cùng nỗi đau da cam”, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã quyên góp 2,9 tỷ đồng cùng hiện vật nhằm góp phần giúp đỡ hơn 5 nghìn nạn nhân dioxin tại cộng đồng và nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề cho khoảng 200 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em bất hạnh của thành phố.

Ý nghĩa của hoạt động này, là góp phần tích cực vào việc hướng sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng vào trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Đây là động thái nhằm cổ vũ cho cái “thiện”, tiếp sức cho cái “thiện” ngày càng sản sinh nhiều hơn, là đối trọng mạnh mẽ  trong việc chống lại cái “ác” luôn luôn có xu hướng sinh sôi và lấn át trong xã hội.

Nước ta đang hướng tới việc xây dựng một xã hội tiến bộ, trong đó luôn đề cao và bảo đảm việc thực thi quyền và lợi ích của trẻ em, xây dựng một xã hội mà ở đó trẻ em luôn được chăm sóc, bảo vệ một cách tích cực trên cơ sở luật pháp và nhất là trong tình thương yêu của con người. Thế nhưng, những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra một cách đáng lo ngại, mà nếu nói một cách nghiêm túc, là đáng báo động.

Theo con số cơ quan chức năng đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 4 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” (giai đoạn 2006-2010) diễn ra mới đây, trên cả  nước phát hiện 7.861 vụ xâm hại trẻ em, bắt giữ 9.655 đối tượng, trong đó tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm 58,8%; đáng chú ý, tội phạm hiếp dâm trẻ em là hơn 2.700 vụ... Mỗi năm bình quân có gần 1 nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục (chưa kể những trường hợp bị xâm hại mà gia đình giấu giếm). Điều đáng đau lòng, là trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật luôn không có khả năng tự vệ; khi các em bị xâm hại thì sự tổn thương về thân thể và tinh thần luôn ảnh hưởng nặng nề suốt cuộc đời của các em. Vì thế, tổn hại gây ra đối với trẻ em nói riêng và xã hội nói chung là tổn thất dai dẳng và vô cùng to lớn, tác động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Phân tích nguyên nhân, tình hình cũng như hậu quả của bạo lực, xâm hại trẻ em đã được đưa ra nhiều. Vấn đề quan trọng là cần phải có những giải pháp thực hiện một cách kiên quyết và hiệu quả. Trong đó, điều quan trọng là phải xây dựng một xã hội tích cực hướng thiện; từ đó tạo một môi trường lành mạnh thực sự để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của thành phố, thì việc quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực và theo hướng bền vững. Với những chủ trương lớn như: Thành phố “5 không”, “3 có”, Chỉ thị 24, 25-CT/TU của Thành ủy... thì trẻ em đã được hưởng lợi và được bảo vệ một cách cơ bản. Đó là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc chu đáo, không bị xâm hại để phục vụ cho nhu cầu bất chính của các đối tượng lang thang, xin ăn; che chở các em trước hiểm họa của ma túy và bạo lực xã hội; được trợ cấp để không bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình; được bảo đảm tối thiểu về nơi sinh hoạt, học tập; được sống trong môi trường không có bạo lực gia đình; được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

Vì thế, trong quá trình thực hiện chủ đề “Một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, thì việc xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, lành mạnh, tiến bộ và văn minh thực sự, chính là nền tảng căn bản và bền vững. Trong đó, “mầm thiện” phải được nuôi dưỡng và bảo vệ một cách tích cực và chủ động nhất!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.