.

Ma trận rượu giả

.

Lần nọ, một anh khui chai rượu ngoại để mời anh em cùng cơ quan uống một ly mừng đầu năm mới. Đúng là ngoại thiệt, từ bao bì tới nhãn, nắp, hai năm rõ mười đều là... ngoại, nhưng sao khi nhấp môi thì nghe có vị gì khang khác. Những anh sành rượu nhìn nhau đầy ý nghĩa. Chủ nhà bấm bụng tự nhủ: Quái, rượu thiên hạ đi Tết mà sao ra nông nổi vậy hè? Không khí bữa gặp mặt vì thế mà nhợt nhạt hẳn đi theo hương vị chai rượu mở hàng đầu năm.

Nếu không có hiểu biết nhất định, thật khó phân biệt thiệt/giả giữa các loại rượu nhập ngoại.
Nếu không có hiểu biết nhất định, thật khó phân biệt thiệt/giả giữa các loại rượu nhập ngoại.

Giả như thiệt

Hiện nay, với khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc, việc làm hàng giả, hàng nhái trở thành chuyện nhỏ như con thỏ. Chỉ riêng cái khoản rượu ngoại thôi, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng đã than phiền là “đau đầu” trong việc phân biệt thế nào là rượu giả, rượu thiệt. Từ năm 2009 đến nay, chi cục đã xử lý 170 vụ với 70 loại mặt hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 510 chai rượu ngoại.

Chỉ có rượu ngoại mới bị làm giả, bởi kinh doanh rượu ngoại giả là phi lợi nhuận, một vốn bốn lời. Rượu giả có thể được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, và tinh vi hơn, được xuất lậu từViệt Nam ra nước ngoài (chủ yếu là Lào, Campuchia) rồi tái nhập vào Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Muốn phân biệt rượu giả hay thật thì phải có rượu thật để đối chứng. Có khi cầm chai rượu lên đã có cảm quan là rượu giả, nhưng muốn kết luận đó là giả thì phải có đủ chứng cứ pháp lý mới có thể ban hành quyết định xử lý theo luật định. Điều này rất khó, như lo lắng của ông Trương Văn Quý, quyền Đội trưởng Đội QLTT số 8 (Chi cục QLTT Đà Nẵng), bởi các hãng sản xuất rượu nổi tiếng thế giới vẫn còn e dè trong việc cung cấp thông tin về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã hàng hóa của mình cho cơ quan chức năng để làm đối chứng phân biệt thật/giả. “Mình có yêu cầu, nhưng hầu hết các hãng rượu đều lơ, chỉ Hãng Johnnie Walker có cung cấp những thông tin cần thiết cho QLTT và mở lớp tập huấn đề phòng rượu giả” - ông Quý cho biết.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, hiện có 80% rượu ngoại trên thị trường là rượu giả. Ông Quý cho rằng điều này không đúng và phân tích: Một số lớn rượu ngoại chính hãng đưa về Việt Nam theo dạng hàng xách tay, sau đó được dán tem rượu nhập khẩu giả rồi tung ra thị trường, như vậy đây là rượu lậu (trốn thuế) chứ không còn là rượu giả.

Thiếu kiến thức để chống giả

Đầu năm nay đã rộ lên tin đồn thị trường Đà Nẵng xuất hiện bia lon Heineken giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger, Larue) đã gửi văn bản đề nghị Sở Công Thương, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, điều tra làm rõ tin đồn ác ý này. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, tại cuộc họp báo vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Hậu thay mặt ngành QLTT thành phố đã xác nhận không tìm thấy chứng cứ nào về “bia lon Heineken giả hay bia lon Heineken giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc” trên thị trường Đà Nẵng như tin đồn.

So với rượu ngoại, bia ít bị làm giả hơn. Trong 3 năm qua, QLTT Đà Nẵng chỉ phát hiện được 1 lon bia Heineken giả. Có lẽ từ thực tế này mà ngành QLTT tập trung vào “mặt trận” chống rượu ngoại giả.

Các cán bộ QLTT khuyên người tiêu dùng nên nắm một số kiến thức cơ bản để chống rượu giả. Ví như khi mua rượu, nhất là rượu ngoại, người mua nên yêu cầu chủ tiệm ký vào tem để “bảo chứng” chất lượng hàng hóa. Một trong những cách làm giả rượu ngoại tinh vi là dùng mỏ hàn khò cho đáy chai mềm đi hoặc khoan một lỗ thật nhỏ rồi đưa kim tiêm vào lấy rượu thật ra, bơm rượu giả vào. Lỗ quá nhỏ, lại được dán thật kỹ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Vì thế, nên quan sát thật kỹ đáy chai khi mua rượu, nếu có dấu vết lạ dưới đáy chai thì không nên mua.

Đối với ngành QLTT, để chống hàng giả, hàng nhái nói chung, rượu ngoại giả nói riêng, cần có những kiến thức nhất định. Thế nhưng, theo phản ánh của ông Trần Thượng Quán, Đội phó Đội QLTT số 8, trong 2 năm qua những người làm công tác QLTT đã không được trang bị kiến thức về nhận biết tem rượu nhập khẩu. Trước năm 2010, Bộ Tài chính đặt Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thiết kế, sản xuất mẫu tem rượu nhập khẩu và công bố các điểm đặc biệt để nhận dạng tem thật so với tem giả. Nhưng từ năm 2010 đến nay, khi mẫu tem mới được phát hành thì các điểm nhận dạng đã không được công bố. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến rượu giả, rượu lậu, ngay cả công an kinh tế cũng “bó tay”.

Các hãng rượu ngoại “úp mở” các thông tin về sản phẩm của mình có lẽ vì việc công bố thông tin sẽ tạo cơ hội cho cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện rượu giả mang nhãn hiệu hãng mình trên thị trường, từ đó người tiêu dùng sẽ “quay lưng” với hãng. Việc Bộ Tài chính không công bố các điểm nhận dạng tem rượu nhập khẩu cũng cốt để kẻ gian không nắm được “bí quyết” mà làm tem giả. Thế thì, biết dựa vào đâu để làm người tiêu dùng thông minh giữa ma trận nhập nhằng thiệt giả các loại rượu?!

Phân biệt rượu ngoại thật và rượu ngoại giả

Nếu được tặng chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng, nên thử bằng một trong các cách sau đây để tránh tác hại do uống nhầm rượu giả:

- Đặt rượu vào ngăn đá tủ lạnh, nếu có hiện tượng đông đá sau 12 giờ thì có thể bị làm giả.

- Thử nồng độ cồn: Đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi sốc của cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế từ cồn.

- Rượu giả khi uống không thấy mùi thơm, có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng. Sau khi uống có thể bị đau đầu.

- Rượu thật được chưng cất từ nho và được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi. Ngoài ra, rượu phải có độ sánh (người ta hay nói rượu có chân) và có mùi thơm của nho, của gỗ sồi, mật ong… Khi rót rượu vào ly chỉ cần lắc nhẹ ly rượu, mùi thơm tỏa ra có vị rất đặc trưng và rượu vẫn còn bám nhẹ trên thành ly.

Nguồn: TPO

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.