.

Mỹ phẩm: Thật giả khó lường

.

Làm đẹp là nhu cầu cần thiết của phái đẹp nhưng hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại mỹ phẩm nhái nhãn hiệu của những loại mỹ phẩm có tên tuổi, nổi tiếng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây chính là mối nguy hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người
tiêu dùng.

Mỹ phẩm được bày bán mang tên những thương hiệu lớn nhưng giá lại rất rẻ.
Mỹ phẩm được bày bán mang tên những thương hiệu lớn nhưng giá lại rất rẻ.

Khó nhận biết bằng cảm quan

Dạo một vòng quanh các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, dễ dàng thấy rất nhiều loại mỹ phẩm như kem dưỡng da, phấn nền, phấn má hồng, son môi, chì kẻ môi, mắt… của nhiều hãng với nhiều giá cả khác nhau được bày bán. Có những sản phẩm mang tên tuổi của những hãng nổi tiếng như Mac, Ohui, Shishedo, Maybeline, Dior cũng được rao bán từ vài chục ngàn đồng tới vài trăm ngàn đồng, thấp hơn gấp nhiều lần so với những sản phẩm cùng tên tuổi, chính hãng. Đa phần những sản phẩm được người bán hàng nói là hàng xách tay nên giá mềm hơn so với những sản phẩm cùng loại. Những mặt hàng này thường gắn liền với không xuất xứ, không hạn sử dụng nhưng do giá rẻ, phù hợp với túi tiền eo hẹp của một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Lúi húi lựa cho mình một hộp má hồng có nhãn hiệu Mac có giá 30.000 đồng tại một sạp bán đồ mỹ phẩm được trải bạt ở chợ Cồn, N.T.N - nhân viên phục vụ tại một quán cà-phê trên đường Điện Biên Phủ cho biết: “Giá một hộp phấn mua trong cửa hàng sang trọng bằng cả tháng lương của chúng em, nên chúng em chỉ chọn những thứ vừa túi tiền của mình”.

Ông Nguyễn Thu - Phó trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Cồn - cho biết BQL chỉ có chức năng quản lý nhãn mác hàng hóa dựa vào cảm quan bên ngoài, sau đó báo với các đơn vị quản lý thị trường (QLTT) đến cùng kiểm tra lô hàng. Tại chợ Cồn có gần 100 hộ đăng ký kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm, ngoài ra vẫn có một số tiểu thương buôn bán tại những sạp hàng không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, cũng theo ông Thu, việc phân biệt mỹ phẩm thật giả bằng mắt thường rất khó. Do không có hàng đối chứng nên chủ yếu kiểm tra bao bì, nhãn mác, mà những thứ này hiện nay cũng được làm nhái rất tinh vi. Mặt hàng mỹ phẩm lại đa dạng về chủng loại, bắt mắt về mẫu mã, rất khó thống kê các loại sản phẩm nên nhận biết bằng cảm quan cũng không dễ dàng gì.

Theo ông Trương Văn Quý - Quyền Đội trưởng Đội QLTT số 8 thuộc Chi cục QLTT Đà Nẵng, các loại mỹ phẩm được làm giả làm nhái hết sức tinh vi, chủ yếu dưới 4 hình thức: giả công dụng, chất lượng; giả nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ; giả về kiểu dáng công nghiệp và giả các loại tem, bao bì, đề-can. Riêng về mỹ phẩm trong 5 tháng đầu năm, đội QLTT đã bắt được 4 vụ hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, công tác chống hàng giả, nhất là hàng mỹ phẩm rất gian nan, cần có sự hợp tác của nhà sản xuất. Các nhà sản xuất nên cung cấp cho lực lượng QLTT hồ sơ xác nhận quyền sở hữu và cách phân biệt hàng thật, giả thì mới thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Nên mua sản phẩm ở nơi uy tín

Trước tình trạng mỹ phẩm ngày một nhiều và đa dạng về mẫu mã ngay cả những người bán hàng nhiều người cũng không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả, hoặc vì lợi nhuận họ cố tình làm lơ thì chỉ người sử dụng mới phân biệt được sản phẩm thật, giả (và cũng là người chịu thiệt thòi nhất).

Bà Nguyễn Thị Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Đà Nẵng cho biết, với mặt hàng mỹ phẩm do hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nên mỗi năm Trung tâm chỉ kiểm tra được khoảng vài chục mẫu của những sản phẩm sản xuất trong nước như sữa tắm, kem nghệ, kem dưỡng da, dung dịch vệ sinh phụ nữ…, chủ yếu là kiểm tra các kim loại nặng có hại cho da, kích ứng da. Đây là những chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với những hàng mỹ phẩm khác, đặc biệt là với hàng nhập khẩu, xách tay, mỗi lần kiểm tra cần ít nhất 15 đơn vị sản phẩm cùng một lô hàng để có mẫu lưu đối chất nhưng thực tế tại các cửa hàng mỗi sản phẩm chỉ có dăm, bảy sản phẩm nên rất khó trong việc lấy mẫu. Một khó khăn khác là các nhà sản xuất tự công bố các thành phần có trong sản phẩm, nếu có kiểm định cũng chỉ kiểm tra xem có đúng với những thành phần đã được công bố nên rất khó trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Là một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng QLTT tham gia đối chứng hàng thật, hàng giả, chị Mỹ Hoàng - Giám sát kinh doanh mỹ phẩm LGvina tại Đà Nẵng - cho biết các sản phẩm của Essance rất được người sử dụng ưa chuộng, trung bình mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 1.000 hộp nên đây là thị trường màu mỡ của hàng giả, hàng nhái. Để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên dựa vào độ sắc nét của những dòng chữ in trên vỏ hộp, độ mịn, mùi thơm của phấn, bông hoa và dòng chữ Essance được in nổi trên mặt phấn. Ngoài ra, hộp phấn có dán tem hàng thật phản quang, trên cùng 1 hàng có 3 dòng chữ tem chống giả, LGVina Cosmetics, hàng chính hãng.

Mặt khác, khi mua bất kỳ loại mỹ phẩm nào, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, nên tìm mua ở những nơi uy tín, quen biết. Các sản phẩm mua phải có nhãn mác, có hạn sử dụng, có mã số code, ghi đầy đủ những nội dung cần thiết bằng tiếng Việt. Với những hàng ngoại nhập phải có một nhãn ghi bằng tiếng Việt có đủ ít nhất 3 thông tin: thông tin về hàng hóa, địa chỉ nhà sản xuất (xuất xứ), địa chỉ tên của nhà phân phối. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên gửi đi kiểm tra về chất lượng sản phẩm hoặc ngừng sử dụng.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.