.

Nên duyên vì... voọc

.

Tiến sĩ Ulrike Streicher (45 tuổi, chuyên gia động vật học người Đức) - làm việc cho tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội về bảo tồn động vật quý hiếm. Larry Olibarri - (34 tuổi, sinh viên Trường Đại học Colorado, bang Colorado miền Trung nước Mỹ) đang theo đuổi dự án “Nghiên cứu và bảo tồn động vật ở bán đảo Sơn Trà”, mở rộng chuyến nghiên cứu của mình tại rừng quốc gia Cúc Phương. Năm 2005, họ gặp nhau tại rừng Cúc Phương với vai trò người hướng dẫn và thực tập sinh.

Cô Ulrike đang chăm sóc một con voọc tại quận Sơn Trà.
Cô Ulrike đang chăm sóc một con voọc tại quận Sơn Trà.

Những trái tim đồng điệu

Họ sánh đôi bên nhau, bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác, sự xa cách về địa lý, để sống cùng một tình yêu với loài voọc. “Ngay từ lúc tôi nhìn thấy cô ấy chăm sóc những con voọc bị thương ân cần và dịu dàng, tôi đã biết rằng, cô ấy chính là một nửa còn thiếu của cuộc đời mình” - Anh Larry bộc bạch. Cô Ulrike cũng cảm mến anh thực tập sinh năng động và nhiệt tình luôn giúp cô chữa trị những con thú, cùng cô đi dạo trong rừng để tìm thức ăn cho loài voọc.

 Họ đã cùng nhau đi tìm trong hơn 100 loại lá cây ở rừng để hái về những thứ mà voọc thích ăn nhất. Có những chú voọc con bị mắc bẫy của thợ săn quằn quại trong vũng máu được đưa về băng vết thương, cho uống kháng sinh. Rồi 4 tuần trôi qua thật nhanh, hết thời gian ở rừng Cúc Phương, anh Larry phải về Mỹ, bảo vệ đề án tốt nghiệp còn cô Ulrike cũng sang Lào, Campuchia theo các dự án khác nhau. Tưởng rằng xa cách khiến họ sẽ quên nhau nhưng khoảng cách càng làm bùng lên ngọn lửa tình yêu trong hai trái tim đồng điệu. Họ đã cùng nhau bay đến Việt Nam - nơi họ đã nên duyên - và quyết định chọn Đà Nẵng để gắn bó phần còn lại của cuộc đời mình.

Để không phải hối tiếc về sau

Ngày nào hai vợ chồng Larry cũng dậy từ 3 giờ sáng để lên núi Sơn Trà quan sát voọc và về nhà khi những tia nắng cuối ngày đã tắt. Về mùa đông, voọc dậy rất muộn, vợ chồng Larry cũng quan sát theo lịch trình muộn hơn bình thường. Phải mất 6 tháng, hai người mới làm quen được với voọc. “Chúng tôi phải mặc một bộ quần áo giống nhau, thực hiện những hành động giống nhau mỗi ngày, nói đúng những âm thanh đã nói. Dần dần chúng mới quen và chấp nhận mình là bạn” - anh Larry kể. Và chú voọc đầu tiên đã nhảy lên vai anh, tỏ ý chào thân thiện. Chúng còn dẫn anh về với gia đình của chúng ở gần đó. Họ đã phát hiện ra ở Sơn Trà có nhiều loài rắn xanh rất quý nhưng phần lớn trong số chúng đã bị bắt để ngâm rượu. Theo họ, điều này cũng gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của voọc.

Họ đã cùng nhau tìm thấy bao điều thú vị về sinh hoạt của loài voọc, chúng thích ăn gì, điều gì làm chúng thay đổi thói quen… Trước đây, các nhà khoa học cho rằng trong một gia đình voọc, chỉ có một voọc đực nhưng theo anh Larry, một gia đình voọc thường có tới… 2 voọc bố và sống chung trong cộng đồng cùng các gia đình voọc khác. Larry bảo: “Voọc chà vá chân đỏ là “báu vật” của núi Sơn Trà và cả thế giới bởi nó gần như đã bị tuyệt chủng, chỉ còn thấy ở Sơn Trà. Tôi nghĩ đó là vốn quý cần được bảo tồn và phát triển ở Đà Nẵng”.

Đầu năm nay, từ tiền dành dụm, cùng sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, Ulrike đã cùng chồng cho tổ chức triển lãm “Bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà” tại Trường THCS Lý Tự Trọng. Ở đó, họ đã trưng bày rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý về hệ thảm thực vật đa dạng tại bán đảo Sơn Trà. Nghiên cứu của hai vợ chồng Larry cho thấy, tại Sơn Trà hiện có 985 loài thực vật, 36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 113 loài côn trùng. Rất nhiều trong số đó có tên trong Sách đỏ Việt Nam cũng như trong danh sách của Hiệp hội Thế giới vì thiên nhiên. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2010, số lượng Voọc chà vá chân đỏ tại rừng Sơn Trà đã giảm khoảng 15% và sẽ còn giảm mạnh bởi nạn săn bắn trái phép.

“Trẻ em cần được giáo dục nhiều hơn về vấn đề này để chúng có thái độ đúng đắn đối với tự nhiên trong tương lai. Bạn thấy đó, hiện nay, trẻ em Việt Nam chỉ toàn được coi những hình ảnh về khỉ Nam Mỹ, chuột túi, gấu… còn động vật ở Việt Nam qua phim ảnh, sách báo thì rất ít. Trong khi động vật ở Việt Nam thì rất đa dạng” - cô Ulrike nói, cô và chồng đang ấp ủ dự định làm một cuốn sách về loài khỉ ở bán đảo Sơn Trà để có thể đưa đến cho người đọc những hình ảnh về loài khỉ cùng những đặc tính của chúng.

Ngoài quan sát loài voọc ở núi Sơn Trà, vợ chồng Larry còn thường có những chuyến đi đột xuất. Khi người ta thấy họ ở Buôn Mê Thuột, lúc lại ở Rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Đã từ lâu, hầu hết các Trạm kiểm lâm đều có số điện thoại của Ulrike. Bất kể khi nào nhận được cuộc điện báo có khỉ bị ốm, bị thương…, cô đều tất tả khăn gói lên đường ngay lập tức không quên mang theo thuốc men và những vật dụng cần thiết. Tất cả mọi chi phí đều do cô tự bỏ tiền túi. Và trong các chuyến đi ấy đều không thiếu bóng dáng người chồng thân yêu. Ulrike kể, có lần, vợ chồng cô nhận được cuộc điện thoại của lực lượng kiểm lâm ở thành phố Buôn Ma Thuột và đi tốc hành ngay trong đêm. Đến nơi, cảnh tượng trước mắt họ là một chú vượn nhỏ đang đói vì thiếu sữa. Vượn mẹ đã bị những thợ săn giết chết trước đó. Ulrike đã ôm chú vượn vào lòng, cho nó bú bình và quấn khăn ủ ấm cho nó như một người mẹ ủ ấm đứa con bé bỏng. Cô và chồng đã đưa nó về rừng Cúc Phương, nơi có đủ các phương tiện cần thiết để chữa vết thương. Cuộc hành trình của họ cứ dài mãi trong tình thương với loài voọc, tình yêu dành cho nhau. Với họ, dường như mọi toan tính của đời thường đều trở nên thật nhỏ bé…

“Chúng tôi đã đi nhiều nước và hiểu rõ vai trò của sự đa dạng sinh học đối với cuộc sống. Nhiều nơi đã đánh mất đi điều đó vì sự phát triển và phải bỏ ra số tiền lớn để tìm lại. Vậy tại sao chúng ta lại không gìn giữ nó thật tốt để không phải hối tiếc về sau?” - anh Larry.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.