Cả bọn gồm ba đứa con trai và hai đứa con gái, chơi thân với nhau từ hồi cấp một. Nhà cũng chung một xóm nên lại thêm gần. My quen với chị Thanh trước rồi đưa tất cả lại nhà chị ấy giới thiệu. Thế là hết mấy đứa lại có thêm một cái chung nữa, sau việc chung lớp, chung trường, chung khu phố, chung độ tuổi. Cái sự chung này gọi là chung gì đấy nhỉ?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị Thanh ở cuối hẻm, chị sống một mình và mở lớp dạy nhạc tại nhà. Chị biết chơi loại nhạc cụ gì thì kèm học trò thứ đấy, mà hình như chị sử dụng rất thuần thục, ít nhất cũng phải là dăm loại. Bởi đó ngôi nhà của chị luôn tràn đầy âm nhạc. Nhạc ở máy cũng có, nhạc do chính chị chơi cũng có và nhạc từ những đứa học trò nhỏ của chị cũng có. Chị Thanh chỉ thích duy nhất nhạc không lời. Nhờ chị mà bọn My phân biệt được tiếng guitar, violon, sáo, keyboard… Và cũng từ chị, mà bọn My mới biết là người ta có thể tìm thấy trong tiếng đàn niềm vui, nỗi buồn, những day dứt, xao xuyến, những thương yêu, hạnh phúc, sự chờ đợi… Có thể bắt gặp trong mỗi khúc nhạc những sợi mưa, mùa nắng, dãy phố quen, con dốc, những mái nhà…
Chị Thanh hay ngồi với cả bọn ở khoảng hiên phía trước. Đôi khi chị mở nhạc cùng nghe với tất cả. Và dẫn giải. Giọng Huế của chị cao, thanh, nhè nhẹ… Nhưng âm nhạc từ ngôi nhà nhỏ bé của chị thì đâu chỉ có vậy. Lắm khi mạnh mẽ, dữ dội và cứ thế mà trào tuôn… Những lúc ấy mà chị đang ngồi với cây đàn thì trông chị hết sức lạ lùng. Mắt chị không khép lại, mê đắm như ở những đoạn nhạc dìu dặt, du dương mà lóe bừng lên, sáng rỡ. Mắt chị như có lửa và tưởng chừng như có thể đốt cháy đi tất cả. Chị mê nhạc, ưa nghe nhạc, thích chơi nhạc và lại dạy nhạc thì sao nhà chị lại có thể vắng đi âm nhạc? Bởi đó người trong xóm ghét, bảo điếc tai nhưng bọn My lại rất ưng… lỗ nhĩ. Thà nghe những đứa trẻ con gượng gạo, vấp váp với những nốt nhạc đầu tiên, còn hơn chối tai với những tiếng chửi thề của đám thanh niên rồi là tiếng rủa, câu mắng… của các bà, các cô cứ văng tung tóe suốt ngày. Xóm My phức tạp lắm. Bọn My chỉ ngạc nhiên là một người rất thanh lịch, dịu dàng, có một lối sống rất khác mọi người ở đây và nhất là có một tiếng đàn quyến rũ như chị Thanh, mà lại chịu chui vào ở xóm này. Thấy chị như bị chạnh ra giữa những người phụ nữ ở đây. Rồi bị quý bà kể cả các ông lắm lời và nhiều chuyện dòm ngó, xoi mói, châm chỉa… Bọn My cứ thấy thế nào ấy. Và thêm thương chị hơn.
Chuyện bọn My thường đi lại nhà chị Thanh, đâu có được mọi người trong xóm chấp nhận và ủng hộ. Ai cũng khích bác, dè bĩu… khiến bố mẹ của từng đứa nóng mặt phải lên tiếng can ngăn, cấm cản con mình. Đừng nói chi xa. Ngay như nhà My đây mà đã không ít lần ba gầm lên: “Biết tông tích quê quán người ta ở đâu, hử? Mà cái thứ đàn bà con gái gì lại… chẳng biết làm gì. Suốt ngày đàn địch, nhảy múa. Mày cứ giao du với cái ngữ ấy, rồi… hư cho sớm nghe chưa?”. Ba đã thế, mẹ cũng chả vừa khiến My cáu:
- Chị ấy dạy đàn cũng là một cách lao động chứ bộ!
- Ừ! Lao động như thế mới là sang cả. Mới ra người có chữ nghĩa đầu óc. Chứ như mẹ mày…
- Đó. Mẹ lại sắp mỉa mai. Mẹ giỏi bán buôn thì đi buôn bán. Còn chị Thanh giỏi chuyện đàn hát thì nhận… dạy đàn. Con nghĩ…
- Nghĩ gì? Nghĩ gì mà lại đi chị em với những người như thế? Mẹ nghe đồn về cái nhà cô Thanh ấy là nhiều lắm đấy nhé!
- Cái chuyện đồn đại, thêu dệt… Chúng con nghe bắt điếc tai nhưng không thèm để bụng vì chắc gì đã phải.
Đúng là người ta đã quá ác ý, khi đồn thổi bằng bao nhiêu chuyện xấu về chị Thanh. Nào là chị ấy bỏ chồng, bỏ con. Nào là chị ấy đi làm lẻ. Nào là chị ấy trốn nợ. Nào là chị ấy đi lường gạt… Mặc, chị Thanh vẫn thanh thản sống. Và mặc, bọn My vẫn thường xuyên đến với chị ấy. Có khi còn giúp chị ấy những công việc nhà nữa kìa. Lẹt xẹt qua lại vào ban ngày chưa đủ. Tối đến, sau chín giờ, nếu không bận việc gì, cả bọn lại cùng rủ nhau đến. Đó cũng là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất trong ngày của chị Thanh. Chị vừa xong tiết dạy ban đêm. Ngồi một mình. Không nghe nhạc thì đọc sách. Đọc sách phải bật đèn, đã đành. Còn nghe nhạc, không nhất thiết là thế nên chị để ánh sáng mờ mờ, những khi ngồi ở góc hiên và thả hồn theo từng dòng âm thanh nổi trôi, sâu lắng. Chị nói với thứ ánh sáng ấy, khung cảnh ấy… nghe, mới trọn vẹn. Có tụi My, đôi khi, chị tắt nhạc. Còn ánh sáng thì vừa phải. Không sáng quá như khi đọc sách và cũng không tối quá như lúc thưởng thức nhạc. Chị cười: “Đó là thứ ánh sáng để trò chuyện”.
Chị Thanh bảo sắp tới sinh nhật mình và năm nay chỉ mời mấy đứa thôi. Mà đến dự tay không, chị mới cho vào. Hiền ngước cao mặt:
- Chị nghĩ tụi em không có tiền để mua quà chắc?
- Bộ tự ái sao, cậu nhỏ?
- Không phải… Mà… Mà em tự ái đấy. Ai bảo…
- …Chị dám khinh em. Hiền tính nói rứa, đúng không?
- Thì tự… Tự…
- Tự chị lỡ lời. Được chưa? Rứa cho chị xin lỗi hỉ!
- …
- Và nghe chị nói nì: chị chỉ nhận những món quà… không phải bỏ tiền ra mua. Có nghĩa: tự làm. Không phải vì sợ các em không có tiền mà… chị muốn mấy em phải mất công với nó. Có rứa, món quà mới giá trị, mới độc đáo chứ hỉ?
Còn một tuần nữa mới tới sinh nhật chị Thanh, mà cả bọn đã hồi hộp lắm rồi. Những món quà được gói ghém trong sự bí mật. Đâu có đứa nào chịu thổ lộ ra tác phẩm tự sáng tạo của mình, vì sợ bị đánh cắp bản quyền. Trong năm đứa, thằng Phi coi bộ chẳng kín đáo tí nào. Nó nói tỉnh bơ: “Chị Thanh là phụ nữ, mà người phụ nữ nào lại không thích hoa tươi. Hoa đây của nhà tớ, lại do chính tớ trồng và chăm sóc. Như vậy là rất rõ ràng. Quà: tự làm. Thế nào chị Thanh cũng thích mê”. Lương có kín đáo nhưng không nhiều và cũng chẳng ít, khi nửa úp nửa mở: “Chị Thanh ghiền nhạc. Vậy phải có một món quà gì đó liên quan tới nhạc chứ!”. Trong bọn, chỉ có My và Trang là con gái và hai đứa muốn có một món quà chung. Nhưng bàn cãi suốt vẫn chẳng đi đến đâu, đã thế, lại còn… hé lộ cho tụi con trai biết nữa mới tức chứ! Hiền cận thì khỏi bàn. Đầy vẻ trầm trọng và hết sức căng thẳng chả biết món quà của nó đặc biệt tới cỡ nào.
Sinh nhật chị Thanh thật là ấm cúng nhưng không vui. Đúng là khách mời chỉ có bọn My: ba đứa con trai và hai đứa con gái ở chung xóm và cùng học một lớp: lớp mười hai. Rất khác những đêm trước, giản đơn với những bộ quần áo ở nhà, mấy đứa đến và ngồi bệt nơi hè nhà chị. Tối nay, cả nhóm ăn mặc hết sức bảnh bao, cầm trịnh trọng gói quà trong tay và tất cả được chị mời vào ngồi ở một cái bàn dài, trải khăn trắng muốt. Trên bàn thấy để lọ hoa cúc vàng và rất nhiều bánh kẹo, trái cây. Không thấy có nến, ổ bánh kem như những sinh nhật bình thường. Chị Thanh khui chai sâm-banh và rót vào ly mỗi đứa một chút. Chỉ một chút. Chị nói: “Em nào thích thì nhấp môi. Nhấp một chút thôi nghe. Mà có uống cũng không có say mô. Rượu ni nhẹ lắm. Để rứa. Để cho chị có cảm giác chị không phải uống rượu một mình. Tủi lắm nờ…”. Giọng chị nghẹn đặc, ngậm ngùi. Chị Thanh với váy dài trắng, xinh xắn và kiêu sa, ngồi vào cây đàn và cũng hát với năm đứa bài: “Happy Birthday”. Hát chung nhưng rất lạ kỳ. Giọng chị không lẫn vào mọi người và lạ kỳ hơn nữa sinh nhật mà thấy chị Thanh như còn buồn hơn.
Chị Thanh uống rất nhiều rượu. Gần như chai sâm-banh ấy chỉ có một mình chị uống. Uống hết, chị vô nhà trong lấy tiếp một chai nữa, nói: “Chai ni nặng…” và tự rót rồi tự uống, một mình. Chưa lúc nào bọn My thấy chị Thanh như vậy. Trông chị rất lẻ loi, dẫu cho có cả bọn My vây quanh, kề cận. Với tuổi mười bảy, mười tám và được chứng kiến chị Thanh như vậy, tự nhiên My thấy thương… người lớn quá. My chợt nhớ ra, là hình như đã rất nhiều lần, được thấy bố mẹ mình rất buồn và rất… cô đơn. Đó là khi anh trai My thi rớt đại học, bà nội mất, chị My theo chồng đi xa, cháu gái My bị bệnh hiểm nghèo, My ham chơi và cãi lời… Dĩ nhiên là bố mẹ My không buồn theo cái cách của chị Thanh. Không cô đơn như cái kiểu của chị ấy nhưng thật sự là buồn. Rất buồn. Và cô đơn. Rất cô đơn. Vậy mà My đã không hề để ý. Đã vô tâm.
Chị Thanh nói không hề muốn nhớ ngày này là sinh nhật thứ mấy mươi nhưng nhớ quá con gái, gia đình và quê nhà… Chị Thanh hát, chơi đàn rồi đọc thơ:
“Sao thèm một điều gì xưa lắm,
Thèm đọc một đoạn văn Hoàng
Phủ Ngọc Tường.
Có ai đó rót chiều vào chén ngọc,
Huế dịu dàng xây bằng khói
và sương”(*)
Chị Thanh không chịu mở quà, dù được yêu cầu, nói: “Sinh nhật của chị. Quà tặng cho chị mà… Tự làm, phải không? Chị tin là rất đặc biệt, rất ý nghĩa nhưng không bằng các em ở bên chị ngay giữa sinh nhật này. Đó là món quà giá trị nhất”. Chị uống thêm rượu. “Chị sẽ buồn, sẽ tủi… gấp vạn lần, nếu không có các em. Các em có biết không?”. Chị lập lại thêm nhiều lần: “Các em có biết không?”, “Các em có biết không?”… Và khóc rồi gục đầu, thiếp đi. Bọn My lại thấy mừng, khi trông thấy chị Thanh như vậy bởi, có lần đã nghe ai đó nói: “Đôi khi say rượu cũng có cái hay. Vì được sống thật với mình. Được nói ra. Được khóc và lòng sẽ vợi bớt những muộn phiền, xót đau…”.
Cả bọn dìu chị Thanh vào giường. Rồi cùng nhau thu dọn bàn ăn, nhà cửa. Hiền lại dàn máy tìm một đĩa nhạc không lời. Trang tắt bớt đèn. Xong, năm đứa ra ngồi ngoài hè, nghe nhạc và đợi chị Thanh tỉnh dậy. Sinh nhật của chị Thanh đã đi qua và bọn My mong nỗi buồn ở trong chị cũng vậy: đi qua và đi xa… Rất xa.
NGUYỄN MỸ NỮ
(*) Thơ Nguyễn Trọng Tạo