Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Thế nhưng, sau một năm Luật đi vào cuộc sống, hầu hết NTD không biết đến quyền của mình.
Người tiêu dùng chí ít cũng phải lấy được hóa đơn để khi sự cố xảy ra có đủ cơ sở để tự bảo vệ và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. |
Ngày 10-6-2011, ngay trước khi luật đứng về phía NTD nói trên có hiệu lực thi hành, ông Ngô Văn T. ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (số điện thoại 01648836…) đã phản ánh với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD thành phố Đà Nẵng rằng: Ông mua sản phẩm nước uống đóng chai P&T của cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Minh Tùng thì phát hiện trong nước có loăng quăng và mùi hôi. Khi Hội mời cả NTD và nhà sản xuất đến làm việc tại văn phòng Hội thì cơ sở Minh Tùng thừa nhận do không kiểm tra kỹ về chất lượng, nguồn nước đóng chai không đảm bảo trong quá trình sản xuất nên đã để xảy ra tình trạng đáng tiếc này.
Ngày 22-11-2011, Hội nhận được thông tin của bà Dương Ngọc Q.N. ở đường Khúc Hạo, quận Sơn Trà (số điện thoại 0982441…). Năm 2009, bà mua tủ đông Alaska tại Khu mua sắm đệ nhất Phan Khang, Đà Nẵng, sau khi được nhân viên ở đây nói chắc rằng dây lạnh của tủ làm bằng đồng hoặc nhôm. Hết hạn bảo hành, tủ bị gỉ sét, bà nhờ thợ kiểm tra thì họ bảo dây lạnh làm bằng sắt, không sửa được. Bà mang tủ đến trung tâm bảo hành của Alaska tại Đà Nẵng, nhân viên kỹ thuật ở đây kiểm tra cũng thấy dây bằng sắt và khẳng định rằng trước giờ chưa xảy ra trường hợp nào như vậy. Bà liên hệ với Phan Khang nơi này bảo hết bảo hành nên không giải quyết. Hội đã phản ánh khiếu nại của bà qua đường dây nóng Trung tâm Bảo vệ khách hàng của Phan Khang.
Đây là 2 trong 50 vụ việc liên quan đến quyền lợi NTD đã được Hội tiếp nhận và xử lý trong năm 2011. Báo cáo tại Đại hội Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD thành phố Đà Nẵng lần thứ 3 (nhiệm kỳ 2012 – 2017) diễn ra vào thượng tuần tháng 6 vừa qua cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại của NTD thông qua văn phòng Hội hằng năm đều tăng, nhất là năm 2011, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được Quốc hội chính thức thông qua (ngày 17-11-2010): Nếu năm 2008 chỉ có 13 vụ thì năm 2009 đã tăng gấp đôi; nếu năm 2010 có 30 vụ thì năm 2011 là 50 vụ. Đối với một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Hội đã chuyển đơn của NTD đến các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra, xác minh, xử lý.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, Chủ tịch Hội, cho biết, lĩnh vực tư vấn, giải quyết khiếu nại phần lớn liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hành hàng hóa. Đã có gần 90% các vụ việc được Hội tư vấn hỗ trợ giải quyết, hòa giải thành công thời gian qua. Từ khi có Luật, các vụ việc khiếu nại của NTD đã tăng cả về giá trị hàng hóa lẫn tính chất phức tạp, làm ảnh hưởng đến nhiều NTD.
Trở lại với hai vụ việc nói trên. Tất nhiên, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Minh Tùng đã cam kết thu hồi toàn bộ lô hàng “dỏm” và thay thế bằng lô hàng bảo đảm chất lượng, đồng thời kiểm tra lại quy trình sản xuất của mình. Trung tâm Bảo vệ khách hàng của Khu mua sắm đệ nhất Phan Khang đã liên hệ với bà Q.N. và thương lượng giải quyết bằng cách sửa chữa, thay hệ thống dây lạnh cho tủ đông của bà.
Có thể mọi thiệt hại về vật chất đã được giải quyết ổn thỏa giữa các bên. Tuy nhiên, đã có một giá trị vô hình bị đánh mất: lòng tin của NTD vào sản phẩm mình dùng lâu nay đã ít nhiều bị rạn nứt và doanh nghiệp thì khó có thể hàn gắn được điều đó. Dù có là hàng do chính mình sản xuất, nhưng với cách làm không tự bảo vệ được mình như thế, các doanh nghiệp đã vô hình trung được cho là sản xuất hàng giả ngay tại đơn vị mình và để lại tăm tiếng không hay trên thương trường.
Đã tròn một năm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống, nhưng theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Đà Nẵng, có tới 55% NTD được hỏi không biết mình có quyền gì. Họ cũng chưa quan tâm đến những điều tối thiểu nhất khi mua hàng như kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng, không lấy hóa đơn, chứng từ, phiếu bảo hành. Bởi vậy, khi sự cố xảy ra, họ không có cơ sở để tự bảo vệ và đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngày một tinh vi hơn và cả NTD lẫn doanh nghiệp đã phải lao đao vì vấn nạn này. Thực tế đã có không ít NTD đấu tranh cho quyền lợi của mình, nhưng mấy ai được thành công? “Nếu có thành công thì cái mà NTD được bồi thường chỉ là giá trị vật chất đã bị xâm hại; trong khi thiệt hại về thời gian, tinh thần và sức khỏe còn nhiều hơn thì không được tính đến. Chính vì lẽ đó, đa số NTD chọn giải pháp phớt lờ khi quyền của mình bị xâm hại” - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng cho biết.
Khi quyền lợi của mình có dấu hiệu bị xâm hại, NTD hãy liên hệ với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD thành phố Đà Nẵng qua điện thoại đường dây nóng 05113.705198 hoặc đến số 6 Trần Quý Cáp (Sở Công Thương Đà Nẵng) để được tư vấn trực tiếp. |
VIÊN PHÚC QUÂN