Với sắc thái riêng của mình, các băng, nhóm nhạc ở Đà Nẵng đã không ngừng tự hoàn thiện để ngày một chất lượng hơn về nghệ thuật, thu hút hơn về khán giả.
“Đỏ đèn” 2 kỳ mỗi tháng (trái) và phục vụ nhân sự kiện DIFC 2012, Âm nhạc đường phố đã làm nên một “dạ khúc” rất riêng cho Đà Nẵng. |
Nói về những băng, nhóm hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật ở Đà Nẵng, có thể kể đến CLB Guitar Sài Gòn, nhóm nghệ thuật Quân khu 5, nhóm nhạc Flamenco, nhóm Rio Crew, nhóm Nhật Huy, nhóm Violon... Ngoài ra, còn có một số các ban nhạc không chuyên nhưng hoạt động rất đình đám tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Nhóm trưởng nhóm nhạc Flamenco Hồ Nhật Quang cho hay nhóm được thành lập cách đây 3 năm với sự gợi ý của chủ nhân phòng trà Tiếng Dương Cầm trên đường Hoàng Văn Thụ. Nơi đây đã từng quy tụ nhiều nhạc công, ca sĩ có tiếng đất Đà thành, nhưng rồi họ chia tay vì nhiều lý do. Không để cho phòng trà mình “chết sân khấu”, chủ nhân đã đứng ra làm “mai mối” để kéo những người bạn trẻ lại với nhau: Quang, Thìn (guitar), Nam (trống), Tây (organ), Út (guitar bass)... Thế là nhóm ra đời với phong cách flamenco mang hơi thở của xứ sở bò tót.
Nhóm đang có hợp đồng thường xuyên với hệ thống nhà hàng 4U, ngoài giờ phục vụ tại Tiếng Tơ Đồng. Khán giả ngất ngây với cách búng ngón tay phải tròn đều và nhanh rất điệu nghệ của các nhạc công guitar flamenco. Thỉnh thoảng, có người rời hàng ghế khán giả lên sân khấu, nhún nhảy sôi động với nhịp gõ giày trên sàn cùng điệu Flamenco.
Chính các “nốt nhạc” như nhóm Flamenco đã làm nên bản “dạ khúc” đường phố Đà Nẵng khi họ tham gia chương trình ra mắt Trung tâm Tổ chức sự kiện và Lễ hội Đà Nẵng đúng một năm trước. Và, với sự đóng góp tích cực từ các băng, nhóm nhạc này, Trung tâm đã thực hiện được 6 kỳ Âm nhạc đường phố (ÂNĐP) trong 3 tháng qua.
Giám đốc Trung tâm, ông Hồ Văn Ánh giải thích: ÂNĐP trước hết không phải là sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp mà là sân chơi đúng nghĩa đen dành cho những người yêu âm nhạc, có lòng với âm nhạc. “Diễn viên” gồm đủ mọi tầng lớp xã hội, từ những vị cao niên cho đến các cháu nhi đồng, miễn là tất cả đều đã được trải qua một sàng lọc nhất định của các nhà chuyên môn.
Có một tín hiệu vui từ khi loại hình ÂNĐP ra đời, theo chị Dương Lê Phương, Trưởng phòng Tổ chức sự kiện của Trung tâm, các bạn trẻ Street Art (Nghệ thuật Đường phố) Đà Nẵng trước chơi ở phía trước UBND thành phố trên đường Bạch Đằng, nay thì đã có “đất” để diễn. Ở sân chơi ÂNĐP, khán giả và diễn viên gần nhau hơn cũng là một cách trải nghiệm mới đối với những diễn viên Đà Nẵng từng tham gia các sự kiện nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia.
Các cuộc triển lãm nghệ thuật thường chỉ đông đúc, nhộn nhịp vào hôm khai mạc, liệu ÂNĐP rồi có rơi vào lệ thường đáng buồn đó không? Cũng rất đáng lo – ông Ánh trả lời. Trung tâm hoạt động với kinh phí theo “tứ lục”, 60% ngân sách thành phố và 40% kêu gọi xã hội hóa. Năm ngoái, Trung tâm vận động từ xã hội được 200 triệu đồng, năm nay chưa thấy động tĩnh gì.
Một nỗi lo khác, theo chị Phương, khán giả Đà Nẵng chưa quen với loại hình ÂNĐP, nhưng lại quen… mặt với các diễn viên. Muốn tồn tại và phát triển thì ÂNĐP phải tự làm mới mình.
Trung tâm đang lo xây dựng chương trình cho 2 kỳ ÂNĐP của tháng 6 với hình thức mới hơn. Để tránh nhàm chán, ngoài việc thay phông sân khấu, Trung tâm sẽ mời một số ban nhạc trong và ngoài nước hiện đang chơi ở các khách sạn, nhà hàng. Cách khoảng 3 kỳ, sẽ mời lại ban nhạc trước đó với bài trình diễn mới lạ hơn. Tuy nhiên, như “hiện tượng” Đức Dũng nổi đình đám chỉ với một bài “Tiếng đàn Ta Lư” biểu diễn guitar điện vào thập niên 80 thế kỷ trước, các bài “độc” sẽ được biểu diễn dày đặc hơn trên sân chơi ÂNĐP nếu được khán giả yêu cầu.
Hè này, Trung tâm sẽ tổ chức liên hoan các nhóm nhạc ở các trường ĐH, CĐ, THPT trên địa bàn để tạo nguồn về lâu về dài cho ÂNĐP. Ngoài ra, sẽ thành lập CLB ÂNĐP và CLB Nghệ thuật đường phố để gắn kết mọi người lại với nhau.
ÂNĐP qua 6 kỳ “đỏ đèn” đã trở thành một trong những ấn tượng về du lịch của Đà Nẵng. Làm thế nào để hoạt động nghệ thuật về đêm này được cộng đồng công nhận, trở thành một sản phẩm văn hóa – nghệ thuật của thành phố là cả một vấn đề. Không chỉ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” về kinh phí, mà còn cần phải có những ngọn lửa đam mê thực sự về nghệ thuật. Nhóm Flamenco có lần được yêu cầu chơi 4 bài, nhưng sự hào hứng của khán giả đã khiến họ “bốc lửa” chơi đến 6 bài.
Những “nốt nhạc” cháy bỏng nghệ thuật như thế sẽ làm nên những “dạ khúc” đường phố Đà Nẵng đầy ấn tượng.
VIÊN PHÚC QUÂN