.
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Cần một chỗ dựa

.

Trong khuôn viên Trạm Y tế phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, có một dãy nhà gồm 3 phòng, phía ngoài gắn bảng “Điểm phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng”. Ít ai biết rằng 4 năm nay nó gần như không còn hoạt động.

“Điểm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” lúc còn chỗ dựa (trái) và sau khi mất chỗ dựa.
“Điểm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” lúc còn chỗ dựa (trái) và sau khi mất chỗ dựa.

Điểm PHCN do Bộ Thương mại và Công đoàn Thương mại – Du lịch Việt Nam xây dựng vào tháng 3-2005, thông qua Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam. Ban đầu Ủy ban  Dân số, Gia đình và Trẻ em trực tiếp quản lý cơ sở, cử bác sĩ chuyên khoa PHCN xuống chăm sóc các trẻ khuyết tật (KT) trên địa bàn quận. Đến tháng 3-2008, khi Ủy ban này giải thể, bàn giao cơ sở cho Trạm Y tế Hòa Quý quản lý.

Theo ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, cơ sở được đưa vào sử dụng năm 2006, lúc đó có 10 cộng tác viên, mỗi người được hỗ trợ 50 nghìn đồng/tháng, nhưng nhiều người thấy hoàn cảnh của các em quá đỗi thương tâm nên từ chối không nhận khoản tiền này.

Ban đầu, cơ sở hoạt động rất sôi nổi. Bác sĩ Trần Thị Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế Hòa Quý, cho biết lúc đó có 43 trẻ KT được người nhà đưa đến, gồm 25 em ở Hòa Hải, 7 em ở Khuê Mỹ, 7 em ở Mỹ An và 5 em ở Hòa Hải. Phụ huynh bao giờ cũng ngồi nán lại chờ xong buổi tập mới đưa các em về. Mỗi tháng mỗi phụ huynh được nhận 80 nghìn đồng để đổ lít xăng hay mua cho các em bịch sữa, không nhiều nhưng vậy cũng đủ cho các em vui.

Một thời gian sau, mọi nguồn kinh phí đều bị cắt. Bác sĩ chuyên khoa PHCN cũng không còn, chỉ có kỹ thuật viên của Trạm nhưng chỉ biết một số động tác cơ bản nên việc chăm sóc trẻ KT không hiệu quả. Thêm vào đó, không còn tiền hỗ trợ hằng tháng nên cả phụ huynh lẫn trẻ KT đều... nản. Mất chỗ dựa, Trạm động viên phụ huynh nhưng cũng chẳng ăn thua gì, hiện chỉ có một ít trẻ KT người Hòa Quý đến tập.

Trong khi đó, cũng trên tinh thần nhân đạo từ thiện, Trung tâm Y tế Hòa Vang tháng 3 vừa qua đã đưa vào sử dụng Trạm PHCN đặt tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn do Tổ chức Hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (VNAH) - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ (tổng kinh phí 45.000 USD, trong đó huyện Hòa Vang đối ứng 15.000 USD) nhằm phục vụ cho trẻ KT 4 xã tây bắc Hòa Vang gồm Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc và Hòa Ninh. Sau Trạm PHCN xã Hòa Phong, đây là cơ sở y tế thực hiện chủ trương đưa bệnh viện về với cộng đồng của ngành Y tế.

Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang cho biết, VNAH chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, mọi chi phí sau đó như trả lương cho nhân viên, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, điện nước, văn phòng phẩm... đều do Trung tâm tự cân đối từ nguồn kinh phí hoạt động chuyên môn sự nghiệp thường xuyên do Sở Y tế phân bổ.

Trở lại với cơ sở PHCN Hòa Quý, để thấy rằng, đưa các điểm PHCN tập trung như thế về gần với cộng đồng không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe cho trẻ KT mà còn tạo môi trường sinh hoạt thuận lợi, giúp các em hòa nhập với thế giới bên ngoài để các em bớt tự ti, mặc cảm. Đặc biệt, với trẻ là nạn nhân chất độc da cam, đây là hình thức động viên tinh  thần cho thân nhân và bản thân các em rất nhiều.

Để cơ sở  tại Hòa Quý  không rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay, bác sĩ Hương mong có một nguồn kinh phí ổn định từ phía nhà nước. Từ đó, sẽ đào tạo bài bản cho một kỹ thuật viên; thay đổi một số dụng cụ luyện tập không đồng bộ, không tương thích với trẻ em do trước đây vận động theo kiểu xã hội hóa; trang bị một số quạt máy để làm thoáng mát phòng tập…

Trao đổi về việc này, Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn cho biết: “Cơ sở PHCN được xây dựng trên địa bàn có nhiều trẻ KT, nhưng hoạt động èo uột vì mất chỗ dựa và thiếu một nhạc trưởng. Nếu giao hẳn cơ sở này về cho Trung tâm Y tế quận thì chúng tôi sẽ có kế hoạch vực cơ sở dậy để phục vụ cho trẻ KT trên địa bàn”.

“Điểm phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng” đang tìm một chỗ dựa vững chắc. Việc này có khó quá không?

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.