.

Quanh chiếc mũ bảo hiểm

.

Không ghi nơi sản xuất, không có lớp xốp tản lực khi va chạm, không tem kiểm định, những chiếc mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng chỉ cần ghi nhãn mũ thể thao, mũ thời trang, mũ dành cho người đi bộ là có thể vô tư bày bán mà không một ngành chức năng nào có thể chạm tới.

Người dân đang lựa chọn MBH đạt chất lượng của nhà máy MBH Chí Thành do Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức bán đổi.
Người dân đang lựa chọn MBH đạt chất lượng của nhà máy MBH Chí Thành do Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức bán đổi.

Núp bóng mũ thời trang

Dạo qua một số cửa hàng bày bán MBH nằm trên các tuyến đường Đống Đa, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Hùng Vương, đâu đâu cũng thấy những chiếc mũ đủ màu sắc, kiểu dáng. Đặc biệt, loại mũ này rất nhẹ, không có lớp xốp tản lực, không ghi nơi sản xuất, không tem CR... nhưng người bán giới thiệu đang là mốt được giới trẻ ưa thích.

Hai sạp bán MBH nằm kề nhau trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ khá tấp nập. Một khách hàng đang chọn mũ tại đây cho biết, hiện nay có nhiều loại mũ được sản xuất tương tự MBH dù nhìn vào chẳng ai tin được chiếc mũ mỏng manh ấy có thể bảo vệ được vùng đầu khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong khi phần lớn MBH “xịn” có kiểu dáng kém đẹp, nặng nề, có giá dao động từ 120.000 - 400.000 đồng tùy loại thì những loại mũ, nón kể trên chỉ có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc, lại thường xuyên thay đổi về mẫu mã để đánh vào tâm lý ưa rẻ, ưa đẹp của khách hàng.

Có cầu ắt có cung. Những “thế mạnh” trên của mũ, nón thời trang là không thể phủ nhận nhưng chất lượng của nó thật sự đáng lo ngại bởi loại mũ này khá mỏng, được làm từ nhựa tái chế nên dễ vỡ. Ông Nguyễn Viết Nguyên, Chi cục trưởng, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhận định: “Khi được kiểm tra bằng thiết bị thử nghiệm độ bền đâm xuyên MBH dạng di động, hầu hết các mẫu mũ, nón thời trang đều không bảo đảm chất lượng. Kể cả những loại MBH đang bày bán trên thị trường, có nhãn mác đầy đủ do các công ty TNHH Đức Huy, Tân Vạn Phước và TNHH Hoàng Quán sản xuất…”.

Thông tin từ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012, khoa tiếp nhận 4.104 ca tai nạn giao thông, trong đó có 1.008 ca chấn thương sọ não. Bác sĩ CK1 Nguyễn Đăng Đình, Phó khoa Cấp cứu khuyến cáo, chấn thương sọ não có thể gây những biến chứng như động kinh, mất trí, phù não, thoát vị não, thiếu máu não... Đội MBH bảo đảm chất lượng cũng là cách hạn chế chấn thương vùng đầu, vùng mặt khi lỡ có tai nạn giao thông xảy ra.

Lúng túng khâu xử phạt

Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó, Chi cục Quản lý thị trường cho biết, từ năm 2009 - 2012, Chi cục đã thu hồi và tiêu hủy 173 chiếc MBH không ghi nhãn hiệu hàng hóa, thiếu tem kiểm định chất lượng, nhưng mức xử phạt cũng chỉ vài triệu đồng, không đủ sức răn đe. Còn những loại mũ “tương tự” MBH thì đoàn kiểm tra liên ngành cũng... bó tay, không thể đưa ra quyết định thu hồi, xử phạt vì chưa có chế tài nào quy định về việc cấm lưu thông loại mũ này trên thị trường.

 Những loại MBH kém chất lượng bị tiêu hủy.          Ảnh: Xuân Duyên
Những loại MBH kém chất lượng bị tiêu hủy.      Ảnh: Xuân Duyên

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Viết Nguyên chia sẻ, khi tiến hành kiểm tra, xác định đó là mũ kém chất lượng, nhưng để xử lý được là điều không dễ, do kiểu “lách luật” của doanh nghiệp. Mặt khác, người dân vẫn còn mang nặng tính đối phó khi tham gia giao thông. Trong khi Nhà nước chỉ có quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông không đội MBH chứ chưa nhắc đến việc xử phạt người đội MBH kém chất lượng, không bảo đảm các tiêu chuẩn cần thiết.

Kiên quyết loại bỏ MBH kém chất lượng trên thị trường Đà Nẵng, sau gần 2 tháng thực hiện thí điểm kiểm tra và bán đổi MBH đạt chất lượng (từ ngày 16-4 đến 8-6), Ban An toàn giao thông thành phố đã bán đổi được 7.635 MBH do nhà máy MBH Chí Thành (thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất, thu hồi và tiêu hủy số lượng MBH kém chất lượng tương ứng. Dự kiến, nhà máy sản xuất MBH Chí Thành (chi nhánh Đà Nẵng) tại KCN Hòa Khánh với công suất 150.000 cái/năm sẽ đi vào hoạt động giữa tháng 7-2012, đáp ứng tại chỗ nhu cầu MBH “xịn” trên thị trường. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố cho rằng, để tránh tình trạng nón, mũ kém chất lượng, có hình dạng tương tự MBH bày bán tràn lan như hiện nay, nên đưa MBH vào nhóm mặt hàng “có điều kiện”, nghĩa là phải đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được xuất xưởng.

Để từng bước giải quyết những vướng mắc trên, mới đây, Bộ Khoa học-Công nghệ đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc bảo đảm chất lượng MBH trong kinh doanh, sản xuất. Theo đó, quy định việc sản xuất, kinh doanh mũ có hình dáng MBH sẽ bị cấm. Với người tham gia giao thông bằng xe máy, nếu đội mũ không phải là MBH đồng nghĩa với việc không đội MBH, tức là không tuân thủ theo quy định của pháp luật và bị xử lý chế tài. Tuy nhiên, Thông tư vẫn đang trong thời gian thảo luận, chưa được ban hành.

Thiếu quy định ràng buộc, thiếu chế tài xử phạt, đội MBH khi tham gia giao thông còn mang tính đối phó của người dân đã phần nào tiếp tay cho thị trường MBH kém chất lượng tràn lan và không thể xử lý dứt điểm.

 Cách nhận biết các loại MBH phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN):

a) Mũ phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ; đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

b) Mũ phải có nhãn mũ, ghi các thông tin cơ bản sau:

- Tên sản phẩm: “MBH dùng cho người đi mô-tô, xe máy”.

- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; xuất xứ hàng hóa (đối với MBH nhập khẩu).

- Cỡ mũ;

- Tháng, năm sản xuất.

b) Mũ phải được gắn dấu hợp quy - dấu CR.

Riêng đối với MBH đang lưu thông trên thị trường mà có gắn dấu CS hoặc tem “đã kiểm tra” đúng quy định và thời gian sản xuất, nhập khẩu trước ngày 15-11-2008 thì được tiếp tục lưu thông.

TIỂU YẾN
 

;
.
.
.
.
.