.

Sứ giả tình hữu nghị Ấn-Việt

.

Vầng trán cao, đôi mắt sáng, tóc râu bạc trắng, nụ cười thân thiện và bộ quần áo giản dị là hình ảnh của ông trong mắt của mọi người.

Ông Geetesh Sharma  cùng các nhà văn Ấn Độ.
Ông Geetesh Sharma cùng các nhà văn Ấn Độ.

Từ Đà Nẵng đến Kolkata

Lần đầu tiên gặp ông tại văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng tôi có cảm tình với ông ngay. Ông là Geetesh Sharma -  nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Ấn Độ, chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam. Cùng đi trong đoàn có  nhà thơ Kusum Jain và nhà báo Renu Govil.

Những tưởng, sự hội ngộ chỉ là một chút duyên. Được như vậy thấy đã là hạnh phúc. Nhưng rồi không lâu sau đó, tôi có dịp được ông đón ở phi trường Kolkata trong lần đi tham dự Festival thơ và Hội chợ sách quốc tế tại Ấn Độ vào tháng 1-2009. Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm và tôi được cử đi theo lời mời của Ban tổ chức thông qua Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam.

Ra khỏi cửa kiểm soát của phi trường Kolkata, đêm đã về khuya. Chúng tôi thật bất ngờ khi nhận ra ông đang đứng đợi với những vòng hoa trên tay. Đêm đầu tiên ở Kolkata, chúng tôi được đưa về lưu trú tại một nhà khách, trong khi chờ đợi Ban tổ chức Festival tiếp đón đại biểu quốc tế.

Sau khi nhận phòng và trút bỏ hành lý, ông Geetesh Sharma giao cho chúng tôi nào là nước uống, bánh ngọt và trái cây. Ông sợ chúng tôi đói và khát sau một chặng đường dài. Tình cảm và sự quan tâm của ông quả thật là chu đáo và đáng quý biết bao.

Trong những ngày diễn ra Festival và Hội chợ sách quốc tế, tuy rất bận rộn, nhưng có một buổi ông tranh thủ ghé lại nơi chúng tôi ở và đưa đến khu vực quảng trường, nơi có dựng bức tượng Bác Hồ để chụp ảnh lưu niệm và đi lại trên đại lộ mang tên Hồ Chí Minh.

Sứ giả tình hữu nghị

Một nhà báo “khiêm tốn” (A humble journalist) là nói theo cách viết của ông trong phần tiểu sử tự viết trên trang web cá nhân. Sinh năm 1932 tại một ngôi làng thuộc bang Bihar, nằm về phía Tây bắc Ấn Độ, giáp với Nepal. Năm 16 tuổi, ông  là người bắt đầu những hoạt động xã hội với mong muốn xây dựng một thế giới bình đẳng, thương yêu và vị tha. Rồi ông viết báo, cho dù không học “nghề” này một cách bài bản, nhưng ông viết theo một phong cách riêng và dần dần trở nên nổi tiếng. Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đa sắc tộc, với 114 loại ngôn ngữ khác nhau. Ông đi lại nhiều, gần như vùng miền nào trên đất Ấn đều ngập tràn  dấu chân viễn du của ông. Ông đã đi đến hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với Việt Nam, ông dành riêng một tình cảm thật đặc biệt. Lần đầu tiên ông đến Việt Nam vào năm 1984. Rồi sau đó ông liên tục đi về và xem Việt Nam như là quê hương thứ hai của ông. Lang thang từ Nam chí Bắc, chụp hình, tra cứu, phỏng vấn trong khoảng thời gian 10 năm để viết nên công trình nghiên cứu với độ dài 116 trang. Tác phẩm này như một dấu son của tình hữu nghị Ấn Độ – Việt Nam. Tập sách có nhan đề “Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Thế kỷ I đến thế kỷ XXI” (2004). Như lời ông nói, tập sách là “… mong muốn tìm về cội nguồn mối quan hệ gần 2.000 năm giữa hai quốc gia anh em...”. Nội dung tập sách có nhiều chi tiết thú vị, mà trước đây ít người biết nên rất được quan tâm. Tiêu biểu như chuyện Hồ Chí Minh đi bộ đến thăm văn phòng Đảng Cộng sản Ấn Độ nhưng không có lời thông báo trước; cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh với Amrita Pritam - một nữ thi sĩ Ấn Độ nổi tiếng, hay diễn biến của lễ trao bằng tốt nghiệp của Đại học Calcutta cho đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Đến nay Geetesh Sharma đã cho ra đời 15 đầu sách viết bằng tiếng Hindi và tiếng Anh. Trong đó có những tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Riêng với Việt Nam, ngoài tác phẩm kể trên còn có Những dấu vết văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam (2009), Hồ Chí Minh: Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc ( 2010). Và đặc biệt ông đã dành riêng cho thành phố Đà Nẵng một ấn bản bằng tiếng Anh: Chân dung Đà Nẵng Việt Nam ngày nay (2009).

Vừa qua, trong chuyến sang làm việc cấp Nhà nước của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, ông Geetesh Sharma cùng với nhà thơ Kusum Jain và nhà văn Prem Kapoor mà tôi đã từng gặp tại Kolkata đến viếng thăm Đà Nẵng, đặc biệt có cuộc gặp gỡ và trao đổi tình hình văn học Ấn Độ - Việt Nam và Kolkata - Đà Nẵng với nhiều văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Ông Geetesh Sharma hứa sẽ tìm cách đẩy mạnh giao lưu văn học giữa hai nước nói chung và giữa 2 thành phố Kolkata – Đà Nẵng nói riêng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi vì tình đoàn kết hữu nghị Ấn – Việt, ông Geetesh Sharma đã được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tặng huy chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”, báo chí gọi ông là “Người bạn đặc biệt của Việt Nam”.

Thời trai trẻ ông từng là người phản đối cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, đấu tranh vì một Việt Nam hòa bình và dân chủ. Qua những gì ông đã đóng góp, tôi nghĩ rằng ông còn đáng được vinh danh hơn thế nữa. Với nhiều người Việt Nam, ông Geetesh Sharma mãi mãi là sứ giả của tình hữu nghị Ấn - Việt.

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.