Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, tình hình lương thực gặp khó khăn, nhất là gạo, thường tiêu chuẩn của cán bộ, công nhân viên Nhà nước có hai phần: gạo và màu. Phần gạo thiếu được quy ra màu, thường là bo bo, sắn lát. Các cơ quan Nhà nước trong thành phố tổ chức đi tăng gia sản xuất ở các vùng quê, kiếm thêm lương thực để bổ sung cho bữa ăn.
Ở nhà máy Dũng cũng vậy, có một đội thanh niên đi tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống ở xã Hòa Bắc, một xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang trong thời gian khoảng một tháng. Đoàn gồm năm mươi nam nữ thanh niên, được biên chế thành bốn tổ và phân công nhiệm vụ cụ thể để vừa sản xuất vừa lo hậu cần. Họ mang dụng cụ lao động, đồ dùng nấu ăn… Không quên mang theo các nhạc cụ đơn giản là những cây đàn guitar, những cây sáo trúc… để sinh hoạt văn nghệ. Đoàn được xe nhà máy đưa đến một vùng đồi núi lúc bấy giờ còn hoang vu, về phía tây bắc thành phố Đà Nẵng. Công việc đầu tiên là lập lán trại để ổn định chỗ ăn, chỗ ở, sau đó là tiến hành thu hoạch sắn mà các đợt trước đã trồng có củ đủ lớn, rồi chặt hom sắn trồng lại tại vùng đất đã thu hoạch.
Ngày đầu tiên đến nơi, Dũng tổ chức cho anh em trong đoàn có dịp tham quan, khám phá vùng đất mình sẽ ở lại để tăng gia sản xuất. Nơi đây là thượng nguồn sông Cu Đê, được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, sản vật phong phú, cảnh quan đa dạng ít nơi nào sánh bằng. Bến Sạn là một cảnh đẹp trời cho, đúng như tên gọi của nó vì nơi đây có một bãi sạn rộng chừng hơn hai héc-ta. Bến Sạn nằm ở một khu vực cảnh quan đẹp trong nhiều cảnh đẹp ở sông Cu Đê, với quần thể đá, những cây lau, cây sậy, cây rù rì cúi mình xuống nước. Cách Bến Sạn một quãng không xa là một vịnh nước xanh ngắt, tĩnh lặng như hồ. Từng đàn cá dộp, cá trắng lững thững đi kiếm ăn…
Trong những ngày nghỉ cuối tuần, họ tiếp tục đến Vịnh Dài. Nhìn thấy một cảnh quan đẹp mê hồn, nước sâu xanh ngắt, hai bên bờ sông qua vịnh có những hàng cây xanh tỏa bóng mát rượi. Phía trên Vịnh Dài còn có thác Dài, thác Ba, cũng rất đẹp. Vượt qua gần một chục kilômét sông chính, là đến thôn Giàn Bí hay còn gọi là thôn Cầu Sập vì nơi đây còn sót lại móng một cây cầu đã sập từ hồi chiến tranh. Cầu Sập cũng là điểm “giao thủy” của sông Nam, sông Bắc tạo thành sông chính Cu Đê. Ngay tại ngã ba sông này, có Vũng Bọt thật nên thơ, hữu tình… Họ bắt đầu cuộc hành trình từ sông Bắc, những vùng đất hoang sơ của thiên nhiên mở ra, với những cái tên nghe rất lạ: Hố Giếng, Lỗ Cối thượng, Lỗ Cối hạ, Thác Xếp, Nà Mùn, Đá Bò, Khe Mun, Thác Rễ…
Bữa ăn sáng của đoàn công tác đi tăng gia sản xuất là một nồi sắn to tướng, ăn không hết thì mang theo ra rẫy ăn tiếp. Buổi trưa và buổi chiều là sắn độn cơm, canh cải tàu bay và cá khô, có lúc tìm không ra cải tàu bay thì thay bằng lá sắn. Sau giờ làm buổi chiều, họ tắm rửa cơm nước xong là tổ chức sinh hoạt theo chương trình định sẵn: tóm tắt công việc đã hoàn thành trong ngày và lên kế hoạch cho ngày mai rồi đến phần văn nghệ. Họ tổ chức các trò chơi tập thể, ai thua người đó phải đóng góp một tiết mục, có thể là hát, ngâm thơ, kể chuyện vui… Cũng có khi tổ chức giao lưu với các đơn vị khác cùng đến đây sản xuất.
Thời đó không bữa cơm nào là thiếu độn, nhất là sắn, ăn hoài cũng chán, ước ao có một bữa cơm không độn. Người ta chế biến sắn ra làm nhiều thứ để ăn và nuôi gia súc. Sắn là cây lương thực quan trọng sau lúa, gạo, ngô và lúa mì. Nên những ngày giáp hạt, những năm mất mùa, đặc biệt là những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh, củ sắn đã giúp cho người dân vượt đói qua những tháng ngày khó khăn gian khổ. Ngày nay, tinh bột sắn vẫn còn là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn của hơn một tỷ người trên thế giới. Nó là loại hàng hóa xuất khẩu có giá trị để chế biến ván ép, bao bì, màng phủ sinh học và phụ gia dược phẩm...
Giờ, với Dũng, ký ức về những bữa ăn đầy ắp sắn đã lùi xa. Thỉnh thoảng Dũng được ăn vài khúc sắn hấp với dừa được bào ra thành sợi như một đặc sản. Sau Tết, mọi nhà đều có tục cúng đất. Trên mâm cúng luôn có một đĩa sắn, khoai được đặt một cách trang trọng. Khi hoàn tất việc cúng, người trong nhà nhón tay nâng từng củ khoai, củ sắn, bẻ đôi chia cho mọi người trước khi ngồi vào bàn cúng ăm ắp các món ăn.
Những mùa sắn năm xưa lại bất chợt trở về!
HUỲNH VIẾT TƯ