Trò chơi dân gian (TCDG) không chỉ là trò vui chơi giải trí cho trẻ mà chứa đựng cả nét đẹp văn hóa dân tộc được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, trò chơi ấy mới chỉ thân thiện ở trường học và vẫn vắng bóng trên sân chơi công cộng.
Trò chơi nhảy dây trong giờ ra chơi Trường tiểu học Bế Văn Đàn (An Khê, Thanh Khê). |
Trò chơi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những đứa trẻ ở bất cứ thời đại nào. Với bản tính tò mò, thích bắt chước, trẻ luôn muốn khám phá những gì diễn ra xung quanh. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa, đất đai thu hẹp, hình ảnh gốc đa, giếng nước, mái đình của ngày xưa… trở nên xa lạ với trẻ mà thay vào đó là ti-vi, internet, đồ chơi điện tử,… Nhiều em gần như được bố mẹ nuôi theo quy trình khép kín ngày hai buổi đến trường, tối ở nhà. Đó là một trong những lý do, năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa TCDG vào trường học.
Ông Phạm Minh Anh (tuổi 75, P.Hòa Khê, Q.Thanh Khê) cảm thấy rất vui khi nghe cháu mình kể lại những TCDG được thầy, cô hướng dẫn xen vào tiết học âm nhạc, mỹ thuật, thể dục... ở trường. Bởi theo ông, mỗi TCDG có một quy luật riêng, sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi hoài không thấy chán. TCDG giúp trẻ vận động thân thể, sự khéo léo, linh hoạt, óc sáng tạo, tinh thần đoàn kết và tôn trọng kỷ luật (kéo co, rồng rắn lên mây, đánh trận giả…); rèn luyện trí tuệ cho trẻ (cờ vua, chơi ăn ô quan…)… Từng trò chơi sẽ phù hợp với các sở thích, cá tính, lứa tuổi của mỗi trẻ.
Nhiều TCDG đi kèm với bài hát đồng dao nhịp điệu đơn giản, trong sáng, nhẹ nhàng, dễ thuộc. Trẻ vừa chơi, vừa hát theo câu ca, tạo không khí sôi nổi, náo nhiệt. Chẳng hạn như: “Vuốt nổ, vuốt nổ/Tay vỗ vào tay/Nghe rộn ràng thay/Tuế ta tuế tác/Ăn cá gãy răng/Ăn măng gãy đũa/Ăn của nhà trời/Ai mời xuống đây?Bỏ lúa ai xay?Bỏ mây ai chẻ?Bỏ trẻ ai bồng?Bỏ lồng ai ấp? Là đập tay vỗ/Vuốt nổ, vuốt nổ…Vì lẽ đó, bé Nguyễn Ngọc Trà My (lớp 1/3) trường Tiểu học Bế Văn Đàn (An Khê, Thanh Khê) đầy thích thú: Con còn nhỏ mới chỉ biết chơi được một số trò như ô ăn quan, vuốt nổ, kéo co… Con muốn được lớn như các anh, chị để được chơi nhảy sạp, đi cà khêu, làm bánh…
Hiện nay, nhiều trường đã thực hiện rất tốt công việc đưa TCGD vào lớp học như Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu), Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê), Trường tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ)… Sau 3 năm thực hiện, tính đến ngày 6-6-2011 theo thống kê sở GD & ĐT, 310 trường (tổng số trường trên toàn thành phố) đã đưa TCDG vào các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi giải trí của học sinh tại trường.
Bối rối với sân chơi công cộng
Mùa hè, với những đứa trẻ sống ở vùng nông thôn, chúng có không gian để thực hành TCDG mà các thầy, cô đã dạy trên trường ở bất cứ lúc nào và nơi đâu. Thậm chí, chúng vừa chăn trâu, vừa chơi đá bóng, nhảy dây, u tù, trốn tìm… Còn các em sống ở thành phố phải chịu thiệt thòi khi không gian thu hẹp. Nhiều em đã chọn những địa điểm chơi TCDG ở các con hẻm, những dải đất trống nằm trong dự án quy hoạch, con đường vắng xe cộ...
Em Nguyễn Như Hạnh (lớp 5, Hòa An, Cẩm Lệ) cảm thấy chán sau mấy ngày được nghỉ hè nằm ở nhà xem ti-vi. Em xin gia đình xuống công viên 29-3 chơi nhưng chỉ chơi được những trò đơn giản, sau đó lại ngồi trên chiếc ghế đá nhìn các bạn khác chơi. Em tâm sự, trên trường con chỉ dạy học các TCDG, những trò chơi đu quay bạch tuộc, cầu trượt, tàu lượn siêu tốc… con chưa học nên không dám chơi. Không riêng gì em, các bậc phụ huynh rất ngại khi cho con mình tham gia các trò chơi mạo hiểm, mang cảm giác mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Đàn, ở những nơi công cộng cần tổ chức một số hoạt động, trò chơi tương ứng với trường học để trẻ thường xuyên được hâm nóng, không cảm thấy bối rối, nhất là các TCDG cần có sự thống nhất giữa các vùng, miền.
Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam Trần Hồng: TCDG vừa mang tính cộng đồng, đoàn kết, tương trợ, tính sáng tạo, lại phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính. Vì vậy, cần có những nhà nghiên cứu ra “ngân hàng TCDG” mang đậm bản sắc dân tộc kết hợp với yếu tố hiện đại ngày nay để có thể áp dụng lâu dài với trẻ em. Sau đó, triển khai dạy lại cho các thầy, cô giáo của các trường, khu vui chơi công cộng để truyền đạt lại cho trẻ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cho chúng.
Hạn chế tình trạng vì thiếu trò chơi, trẻ dễ sa ngã vào những trò chơi vô bổ, tiêu cực. Phải chăng, làm phong phú sân chơi cho trẻ từ trò chơi dân gian là một trong những cách để định hướng cho trẻ nên người?
TUYẾT PHAN