.

Tượng đài giữa đất trời và lòng người

.

Có những người nằm xuống đơn thuần chỉ là trở về với cát bụi, nhưng cũng có những người khi nằm xuống thì có một tượng đài dựng lên lồng lộng giữa đất trời và lòng người. Chí sĩ Trần Quý Cáp là một trong những người như thế.
 

Tập sách do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Diên Khánh (Khánh Hòa) thực hiện nhân kỷ niệm 90  năm ngày mất Chí sĩ Trần Quý Cáp.
Tập sách do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Diên Khánh (Khánh Hòa) thực hiện nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất Chí sĩ Trần Quý Cáp.

Sự đàn áp dữ dội cuộc “Trung Kỳ dân biến” năm 1908 của chính quyền thực dân – phong kiến đã khiến nhiều chiến sĩ kiên cường của phong trào Duy Tân Quảng Nam lớp bị tù ngục, lớp ra pháp trường và vô hình trung hóa thân họ thành những tượng đài lẫm liệt trong lòng những người yêu nước.
Với Chí sĩ Trần Quý Cáp, đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi người anh hùng làng Bất Nhị này bị giặc chém ngang lưng ở Khánh Hòa vì cái tội “mạc tu hữu” (không cần có). Thế nhưng, câu nói xé lòng “Tôi có tội tình gì? Dân có tội tình gì?” mà ông khẳng khái tuyên bố khi bị bọn gian quan buộc tội xúi giục dân chúng nổi lên chống thuế ở Quảng Nam vẫn còn lưu lại vết thương trong lòng hậu thế.

Ghi lại câu nói trên trong một đoạn văn viết về cái chết của nhà cách mạng Trần Quý Cáp đăng trên báo Nhân loại số đặc biệt Tân niên 1956, tác giả Hoài Trinh kết luận: “Riêng ông Phan Bội Châu cũng có đem chuyện ông Trần Quý Cáp ghi chép vào những chuyện tù đày của các chiến sĩ Duy Tân Việt Nam thành bộ Việt Nam nghĩa liệt truyện, nhưng bị chính quyền thực dân và phong kiến tịch thu”.

Những gì chép trên sách vở có thể bị tịch thu, nhưng những gì chép vào lòng người thì bất di với thời gian và bất dịch với không gian.

Cũng như chí sĩ Phan Châu Trinh, Giáo thọ Trần Quý Cáp chủ trương tân học, đề xướng dân quyền tự do. Những gì ông “chép” vào lòng lớp lớp học trò ở Quảng Nam và Khánh Hòa thuở ấy đã trở thành kim chỉ nam để họ hành xử đúng đạo làm người. Trần Huỳnh Sách, một môn sinh hơn 15 năm theo học Giáo thọ Trần, đã ghi lại hành trạng của thầy mình qua cuốn “Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quý Cáp”. Không chỉ thế, hơn tám thập kỷ trước trò còn cùng với gia đình thầy lặn lội vào Khánh Hòa đưa di cốt thầy từ quê người về yên nghỉ nơi quê nhà.

Nhân cách, tài năng và cái chết thung dung tự tại của người chí sĩ đã tạc vào tâm thức hậu thế một tượng đài lẫm liệt. Nhiều ngôi trường, tuyến đường mang tên ông đã xuất hiện trên cả nước. Ở làng Bất Nhị xưa, tuy giờ đã chia tách thành 3 thôn cùng có tên chữ là Nhị Dinh, thuộc xã Điện Phước (Lăng mộ Trần Quý Cáp hiện tọa lạc ở thôn Nhị Dinh 1) nhưng tất cả vẫn vẹn nguyên lòng tôn kính, niềm tự hào về người chí sĩ “có một không hai” như tên làng quê xưa của mình.

Bí thư Đảng ủy xã Phạm Phú Hoan kể rằng, từ hơn 20 năm trước, địa phương đã lập đề án xin đưa lăng mộ ba vị là Trần Quý Cáp, Mai Dị và Nguyễn Thành Ý quy tập vào Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã. Chủ trương là vậy, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì chưa có lời giải cho bài toán kinh phí. Riêng mộ Trần Quý Cáp, do bị hư hại một phần vì chiến tranh, mãi đến năm 1994 xã mới đề xuất huyện trùng tu, nâng cấp theo mẫu lăng mộ ban đầu ở huyện Ninh Hòa và giữ nguyên hiện trạng đến nay.

Lăng mộ cụ Trần được xếp hạng di tích Văn hóa – Lịch sử cấp quốc gia năm 2000, tuy được bảo quản, chăm sóc chu đáo nhưng do nằm trong khu vực nghĩa địa Gò Bướm của làng nên diện tích quá chật hẹp, rất bất tiện khi tổ chức các hoạt động dâng hương, thăm viếng. Đường vào lăng mộ lại rất hẹp, hai người đi ngược chiều là có chỗ phải nghiêng người mới qua được. Xã muốn xây dựng, trùng tu lại di tích cho xứng tầm với người nằm bên dưới nhưng lực bất tòng tâm.

Thế rồi, sau bao lần gặp gỡ, trao đổi giữa gia đình, gia tộc, các cơ quan quản lý chức năng các cấp, các ngành, nỗi trăn trở của người nay đối với người xưa đã được ít nhiều nguôi ngoai khi ngày 26-3-2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa “đề nghị thống nhất chủ trương và hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng công trình Nhà Lưu niệm Chí sĩ Trần Quý Cáp”.

Năm 1938, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trải lòng khi viết “Tiểu sử nhà cách mạng Trần Quý Cáp”: “Nay tuổi già cầm bút thuật lại bình sinh của Tiên sinh, ngọn đèn leo lét, bốn phía như có tiếng người xưa văng vẳng, không rõ dưới suối vàng anh hồn có chứng nhận cho chăng?”. Thiết nghĩ, công trình nhà lưu niệm chí sĩ họ Trần, khi được xây dựng thành công, sẽ là tượng đài tạc dấu ấn văn hóa – lịch sử lồng lộng giữa đất trời và lòng người. Và chắc hẳn anh hồn dưới suối vàng cũng mỉm cười chứng nhận.

Phối cảnh Nhà Lưu niệm Trần Quý Cáp.
Phối cảnh Nhà Lưu niệm Trần Quý Cáp.

Nhà Lưu niệm Trần Quý Cáp.

- Diện tích 1.000m2, tại thôn Nông Sơn, xã Điện Phước.

- Khu chính điện 2 tầng: phòng thờ (60m2) và phòng trưng bày, tiếp tân, sinh hoạt truyền thống (140m2).

- Cổng vào có 4 bậc cấp, tượng trưng “Tứ duy” (4 mối dây ràng buộc) của Nho gia mà nho sĩ Trần Quý Cáp luôn đề cao. Đó là 4 đức để duy trì đạo lý làm người: Lễ - phép tắc ứng xử; Nghĩa – việc tốt đẹp phải làm; Liêm – giữ lòng trong sạch, ngay thẳng; Sỉ - biết xấu hổ mà tránh làm việc sai trái.

Toàn khu lưu niệm trồng 38 cây xanh, tượng trưng 38 năm cuộc đời cụ Trần. Trong đó 2 cây lớn trước mộ để nhấn mạnh chữ Tâm đồng thời tích hợp ý nghĩa một cây biểu thị năm sinh 1870, một cây biểu thị năm mất 1908. Ngoài ra, còn có 38 trụ tường rào xung quanh, 38 song cửa, 38 bậc thang…

Kiến trúc mộ là sự kết hợp văn hóa truyền thống Việt Nam và Dịch học cổ đại phương Đông. Mộ có mặt hình tròn, ở trung tâm toàn khu tưởng niệm, hoa văn họa tiết trang trí lấy hình ảnh trống đồng Đông Sơn. Mặt đứng và mái mộ có 8 mặt tượng trưng cho bát quái, thể hiện mối quan hệ tổng hòa giữa con người và vũ trụ.

LÊ HUỲNH (tổng hợp)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.