.

Vài khuyết tật của hội thảo

.

Hội thảo khoa học, Bàn tròn văn chương hay Cà-phê sách… là rất cần thiết trong môi trường xã hội mở. Tiền đề cho mọi hình thức trao đổi, tranh luận, tiến tới một xã hội dân chủ đích thực.

Hội thảo chuyên đề Orhan Pamuk, giữa Đông và Tây năm 2008.
Hội thảo chuyên đề Orhan Pamuk, giữa Đông và Tây năm 2008.

Nhưng làm thế nào để các hình thức này tồn tại không nhàm chán với tốn kém vô bổ là vấn đề cần xem xét từ nhiều góc độ, qua điều nghiên đầy đủ và toàn diện. Ở đây, chúng tôi thử điểm danh các thói tật cố hữu của chúng, giai đoạn qua.

Điều dễ thấy hơn cả là chủ đề hội thảo tương cận dễ dẫn tới thái độ thiếu thành thật. Bao nhiêu tham luận cũ được mang ra đọc lại, chỉ cần thay đổi tên bài là xong. Cũng tham luận đó, người viết có thể đọc ở vài hội thảo khác nhau: Hội thảo Việt Nam học, Hội thảo Đông Nam Á hay Hội thảo Châu Á Thái Bình Dương… rất vô tư!

Hội thảo tổ chức vội. Hội thảo khoa học mà ở đó có đến mươi “tham luận khoa học” của nhà văn không gì hơn các bài viết in báo phổ thông trước đó, thậm chí có bài chỉ gồm những gạch đầu dòng vừa vặn một trang A4! Một học giả nước ngoài không biết tiếng Việt, nhìn lướt qua Kỷ yếu đã kết luận chắc nịch đó không là các “tham luận khoa học”.

Rất nhiều Hội thảo có hội mà không thảo. Tuần tự, các đại biểu được mời lên bục, cắm cúi đọc, xong chậm rãi bước xuống rồi người khác đủng đỉnh đi lên. Cứ vậy cho đến hết buổi. Như thế, thà gửi kỷ yếu cho đại biểu ở nhà đọc còn hơn. Vừa đỡ tốn tiền cả đỡ mất thời giờ.

Không hiếm hội thảo lạc đề. Do sự cả nể của ban tổ chức về các nhân vật đinh, nhất là bởi người chủ trì thiếu khả năng điều hành hội thảo chuyên đề. Hội thảo Những xu hướng mới trong thơ Việt Nam đương đại, các tham luận không nêu thơ Việt hôm nay có mấy xu hướng chính, biểu hiện của chúng, các nhà thơ và thi phẩm tiêu biểu, để làm cơ sở thảo luận mà chỉ tán thơ là gì, hình thức lớn/ nhỏ hay tinh thần phản kháng của thơ, thơ cần có nhịp điệu, rồi thơ trẻ với thơ nữ! Lạc đề khiến non một nửa số đại biểu rời hội trường khi hội thảo chưa đi được nửa buổi, đến nỗi một vị tiến sĩ văn chương tuyên bố sẽ bỏ họp nếu còn ai nữa đi về.

Đó là chuyện hội thảo “khoa học”, còn Cà-phê văn học hay Cà-phê sách thì rất… nghiệp dư. Nghiệp dư nên lan man. Vui là chính. Mới đây thôi, Cà-phê sách ở một thành phố lớn giới thiệu một tập thơ của tác giả uy tín. Phòng ốc sang trọng, không khí lịch sự, ấm cúng không bù nổi vào sự chưa bài bản về chuyên môn. MC giới thiệu về tập thơ mất 20 phút. Trong lúc bổn phận của người dẫn chương trình chỉ cần gói gọn trong ba từ: gợi ý, gợi mở và gợi hứng và nếu cần thiết – cắt. Tiếp sang tiết mục nhà thơ nói về thơ mình cũng chiếm mất chừng ấy thời gian. Không phải về hệ mỹ học sáng tạo mà là chính các bài thơ. Xuất xứ với đại ý, hoàn cảnh ra đời, tâm trạng (của tôi khi) sáng tác (bài này). Rất… vui! Rồi thì ý kiến phát biểu của các vị khách cũng đầy tính sắp đặt: chỉ định những người uy tín về văn chương, trong lúc đa số người trẻ và khách yêu văn chương (là độc giả chủ yếu) như bị bỏ rơi. Nếu Ban tổ chức xén bớt đi thời gian dành cho ba tiết mục đó, buổi ra mắt sách chắc chắn thành công mỹ mãn.

Nhiều hội thảo, Bàn tròn hay Cà-phê sách… không đáng ngại. Cũng không đáng ngại việc hao tốn tiền của. Cái đáng sợ nhất là sự nhảm nhí và vô bổ của chúng. Thuốc đặc trị sự vô bổ này không gì hơn là chống chỉ định: Với người viết, cấm dùng lại tham luận cũ. Với đại biểu, chỉ mời người có quan tâm và từng đóng góp nhất định vào đề tài hội thảo. Yếu tố cuối cùng là việc chọn người ngồi bàn chủ trì, vừa uy tín chuyên môn, vừa khả năng điều hành hội thảo và cả cá tính nữa. Tại sao? Bởi chỉ cá tính mạnh, ông/bà ta mới đủ can đảm cắt các thuyết giảng lan man hay ý kiến lạc đề. Lạc đề nên vô bổ.

INRASARA
 

;
.
.
.
.
.