.

Vươn lên ngang tầm đạt chuẩn khu vực ASEAN

.

Ngày 9-6, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập trường. Nhân dịp này, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Bê (ảnh), hiệu trưởng nhà trường để tìm hiểu về những thành tựu mà trường đã đạt được kể từ ngày thành lập đến nay, cũng như những định hướng xây dựng, phát triển nhà trường trong tương lai.

* P.V: Hiện nay, nhu cầu học nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là rất lớn, nhưng quy mô đào tạo của nhà trường vẫn chưa đáp ứng kịp. Vậy, nhà trường có những giải pháp nào giải quyết thực trạng này?

- TS  Nguyễn Bê: Để đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng tăng của xã hội, chủ trương của nhà trường là không chạy theo quy mô số lượng mà nâng cao chất lượng, từ khâu tuyển sinh đầu vào, đến tổ chức đào tạo, ra trường bảo đảm việc làm. Chính vì vậy, nhà trường sẽ bỏ một số ngành nghề tuyển sinh không có nhu cầu thị trường lao động, tăng thêm một số ngành nghề nhất là dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, mỹ thuật, nghề công tác xã hội và các nghề kỹ thuật công nghệ cao như Cơ điện tử, Kỹ thuật Lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Công nghệ ô-tô và nghề phục vụ phát triển kinh tế biển như Cơ điện lạnh thủy sản. Mặt khác, nhà trường mở rộng, cải tạo xây dựng thêm phòng, xưởng thực hành; xây dựng cơ sở 2 tại Hòa Sơn; xây dựng đề án phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên; đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề; xây dựng chương trình, giáo trình để đáp ứng quy mô đào tạo.

* P.V: Trong những năm qua, nhìn chung chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã được thị trường lao động ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều sinh viên ra trường có trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, nhà trường làm gì để khắc phục tình trạng này?

- TS Nguyễn Bê: Trong xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Do vậy, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, từ năm 2009, nhà trường đã triển khai giảng dạy chương trình Anh văn theo chuẩn TOEIC cho HSSV. Trong đó, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe, nói để giúp cho HSSV có thêm các kỹ năng về ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng thường xuyên tiếng Anh cho HSSV. Ngoài ra, trường cũng đã đầu tư phòng Lab, phòng đa phương tiện để HSSV có thể học và kiểm tra ngoại ngữ trực tuyến. Hiện nay, nhà trường đã thẩm định các chương trình, giáo trình tiếng Anh chuyên ngành theo từng nghề đồng thời thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tiếng Anh chuyên ngành cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh.

* P.V: UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 8494/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển đào tạo nghề thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định: “Tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại cho Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đạt chuẩn Khu vực ASEAN”. Vậy nhà trường đã và đang làm gì để đạt mục tiêu này?

- TS  Nguyễn Bê: Tiêu chuẩn ASEAN là tiêu chuẩn dạy nghề rất cao, buộc các trường phải theo và hội nhập. Chuẩn từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chuẩn về chương trình, giáo trình, chuẩn về giáo viên, chuẩn đầu ra và nhất là có thể thừa nhận lẫn nhau về bằng cấp theo bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề của các nước trong khối ASEAN.

Chính vì yêu cầu đó, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển của mình. Về cơ sở vật chất, chủ trương là xây dựng một ngôi trường hiện đại tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đạt chuẩn khu vực. Đầu tư trọng điểm từ dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” và dự án đổi mới dạy nghề cho 5 nghề trọng điểm, trong đó nghề Cơ điện tử, Công nghệ ô-tô đạt chuẩn Quốc tế; Kỹ thuật lắp đặt điện & điều khiển trong công nghiệp, Cơ điện lạnh thủy sản đạt chuẩn ASEAN; Quản trị mạng máy tính đạt chuẩn Quốc gia. Chuyển giao chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước trên thế giới vào áp dụng giảng dạy tại nhà trường. Đã và đang cử đội ngũ giáo viên đi các nước như Đức, Nhật, Úc, Malaysia, Hàn Quốc… để đào tạo kỹ năng nghề và ngoại ngữ. Hợp tác với Học viện nghề Quảng Tây, Trung Quốc, trường nghề TAFE, Úc… để đào tạo nghề. Xúc tiến thành lập Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề khu vực, đây là Trung tâm đánh giá, khảo thí chất lượng theo tiêu chuẩn ASEAN… Đó là những công việc nhà trường đã và đang triển khai để đạt mục tiêu đề ra.

HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.