.
Ảnh hưởng từ kinh tế châu Âu và Mỹ suy thoái

Trung Quốc & Brazil “lâm nguy”

.

Trung Quốc  và Brazil là hai nền kinh tế nổi nhất trong thập niên vừa qua. Những nền kinh tế mới nổi khác như Nga và Ấn Độ suy yếu nhanh từ ảnh hưởng nợ công châu Âu và khủng hoảng kinh tế Mỹ. Những tưởng Trung Quốc và Brazil có thể “miễn dịch” để tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, Ngân hàng toàn cầu HSBC vừa đưa ra báo cáo cho biết kể từ tháng 7 này, hai nền kinh tế Trung Quốc và Brazil bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những khó khăn ở châu Âu và Mỹ.

Nhân viên hải quan đang kiểm tra hàng tại cảng Dapukou có vẻ ít tất bật hơn do đơn hàng giảm sút.
Nhân viên hải quan đang kiểm tra hàng tại cảng Dapukou có vẻ ít tất bật hơn do đơn hàng giảm sút.

Diễn biến nền kinh tế toàn cầu có vẻ như không thể thay đổi dù Trung Quốc và Brazil rất cố gắng. Cục diện kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào Mỹ và các nước mới nổi để tiến lên phía trước. Khi Mỹ suy giảm thì Trung Quốc và Brazil vẫn tiến đều nên nhiều chuyên gia nhận định cục diện kinh tế toàn cầu có thể thay đổi khi ít còn phụ thuộc vào Mỹ và cả EU nữa.

Báo cáo của HSBC cho biết ba tháng qua, kinh tế Trung Quốc và Brazil tăng trưởng đều nhưng chấm dứt từ cuối tháng 6 vừa qua. Cả hai bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các đơn hàng xuất khẩu giảm rõ rệt. Chỉ số của Trung Quốc và Brazil tại HSBC đã giảm từ 53,6 xuống còn 53. Theo chuyên gia Murat Ulgen của HSBC, mức độ sụt giảm của Nga và Ấn Độ không nguy hiểm như Trung Quốc và Brazil do đầu ra của quá trình sản xuất (sản phẩm) không tiêu thụ được.

Số liệu kinh tế cho thấy tăng trưởng GDP quý một của Trung Quốc ở mức 8,1%. Đây là mức tăng trưởng của quý một thấp nhất kể từ năm 2008. Sự suy giảm bước đầu báo hiệu viễn cảnh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không dễ hoàn thành mục tiêu  tăng trưởng GDP 7,5% cho năm 2012. Đó là tỷ lệ gần như bắt buộc để phù hợp với tình trạng dân số tăng cao, số người thất nghiệp ngày một nhiều. Sự sụt giảm đã ảnh hưởng nhiều tới các ngành then chốt như dầu khí, sắt thép và đóng tàu không còn nhiều việc như trước. Từ đầu năm tới nay, sản lượng điện chỉ tăng 0,7%; công trình nhà ở và thương mại đều bán rất chậm.

Chính quyền Bắc Kinh nhận ra sự chậm lại của nền kinh tế, đã nhanh chóng hành động với hy vọng sớm vực dậy ngay trong nửa sau của năm 2012. Ngân hàng trung ương đã hai lần hạ lãi suất kể từ đầu tháng 6 tới nay. Chính phủ tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trở lại nhằm duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.