.
Bếp Việt

Cá “tây”, bếp Việt

Ngày còn trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi mê mải với những món ăn… trong tiểu thuyết! Một trong những món ăn danh tiếng đó là cá hồi, cụ thể hơn là trứng cá hồi. Cũng qua sách vở tôi biết trứng cá hồi của Nga đứng đầu bảng, do khai thác khi trứng cá “già” hơn.

Cuộc sống khấm khá, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cá hồi là lần hội thảo trong bảo tàng Hồ Chí Minh. Thật lòng tôi không sao nhớ nổi nội dung cuộc hội thảo đó, cũng không nhớ nốt vì sao mình được mời. Nhưng tôi nhớ khoảnh khắc tôi nhìn thấy đĩa cá hồi sống. Được mời dự ăn buffet, vừa bước vào phòng ăn, vừa tiến tới dãy bàn đặt thức ăn, không hiểu sao trong ngồn ngộn các loại thức ăn đủ màu sắc mắt tôi nhìn ngay thấy đĩa cá và linh cảm mách bảo tôi đấy là cá hồi sống! Không chút đắn đo, bất chấp phép lịch sự tối thiểu, tôi bưng ngay đĩa cá hồi sống, tuýp mù tạt ra góc phòng. Trước sự ngạc nhiên của sếp, tôi thì thầm bảo đây là cá hồi. Tôi và sếp chia nhau hương vị xa lạ - một chút hương vị của lần đầu tiên!

Và rồi tôi cũng tìm mua được trứng cá hồi Nga ở Hà Nội. Đắt khủng khiếp so với đồng lương tháng của mình nhưng cứ phải nếm thử cho biết, cho tường tận một món ăn sang trọng, quý phái. Lại mua về cho vợ, không dám nói là mua vì chắc nghe giá… vợ ăn mất ngon!

Bây giờ thì cá hồi xuất hiện đầy các siêu thị. Cá hồi phi lê, cá hồi xông khói… mua bao nhiêu cũng có, mua lúc nào cũng được. Nhưng trong các sản phẩm cá hồi, tôi thích nhất đầu cá. Dân mình có câu “Đầu cá chép, mép cá mè” hay “Đầu cá trôi, môi cá mè” để tán dương cái đầu cá. Tôi cam đoan đầu cá hồi không hề thua kém đầu cá chép, cá mè, cá trôi. Nhưng cái con cá “tây” này dứt khoát chỉ ngon với người Việt khi vào bếp Việt. Đơn giản thôi, đầu cá hồi kho nước với cà chua, một đĩa rau sống, một đĩa bún… Giữa tô bún thì gắp một miếng đầu cá để thưởng thức vị ngậy, để tận hưởng cái sần sật của sụn cá…

Thì các bà các mẹ, các chị, các cô, các em vẫn vô cùng giỏi “Việt hóa” các loại thực phẩm, gia vị, món ăn có nguồn gốc nước ngoài!

HOÀNG

;
.
.
.
.
.