.

Chút tình với quê hương(*)...

.

Có lẽ, không ít nhà nghiên cứu có thể dành 50 năm của cuộc đời mình cho việc sưu tầm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của một nhà thơ đã sống cách xa mình hàng thế kỷ. Có lẽ không nhiều người có thể kiên tâm đến thế, can đảm đến thế, giàu niềm tin đến thế khi gìn giữ những tư liệu quý báu đã tìm thấy. Có lẽ không ít người có thể cảm thấy hạnh phúc đến thế khi có thể công bố những vần thơ, những áng văn độc đáo của nhà thơ mà mình yêu quý, ngưỡng mộ từ thời còn cắp sách đến trường. Có thể nói, Hồi ký Trên đường đi tìm Tú Quỳ đã đem đến cho bạn đọc một bức chân dung chân thực của Trương Duy Hy - người đi tìm Tú Quỳ. Chặng đường đã trải qua được ông viết lại với lối kể chân thực, giản dị là một chặng đường gập ghềnh, đầy thử thách. Dường như mỗi bước đi đều chứa trong nó những uẩn khúc, những lo âu, những đắn đo, cân nhắc.

Khởi điểm của con đường là một câu hỏi ám ảnh: Vì sao Quảng Nam là đất học, là quê hương của không biết bao nhiêu tiến sĩ, phó bảng… mà trong chương trình giáo dục trước cũng như sau 1975 không hề có một tác giả nào. Đây là một câu hỏi sáng giá, xuất phát từ tình yêu quê hương Quảng Nam nhưng đồng thời nó phản ánh chân xác câu hỏi của người làm khoa học chân chính. Nếu không có câu hỏi này, cuộc đời của Trương Duy Hy đã khác và kéo theo đó, danh phận Tú Quỳ có lẽ cũng chưa được sáng tỏ! Chọn Tú Quỳ, Trương Duy Hy chọn đúng đối tượng không chỉ vì tài năng, vì những sáng tác của Tú Quỳ mà quan trọng là, những sáng tác của nhà thơ, một cách nào đó, đã thể hiện giọng điệu Quảng Nam - cái làm nên sự khác biệt của một tác giả, mà cụ thể là khác Nguyễn Khuyến, khác Tú Xương, tuy ít nhiều đều thuộc dòng thơ trào phúng… Quảng Nam là vùng đất mới, có thể vì thế chưa đủ thời gian để sinh ra những văn tài lớn. Tuy nhiên, cũng có thể do một yêu cầu nào đó mà chúng ta chỉ mới khai thác các thành tố chính trị của vùng đất này, phần còn lại vẫn chưa được quan tâm đúng mức…

Con đường đi tìm Tú Quỳ của Trương Duy Hy có thể chia làm ba chặng.

Chặng thứ nhất và dài nhất là hành trình tìm lại những sáng tác của Tú Quỳ.

Chúng ta đều biết Tú Quỳ nổi tiếng ở Quảng Nam nhưng những sáng tác của ông chỉ tồn tại ở dạng truyền miệng, tuyệt đối là một thứ “văn nghệ dân gian”. Trương Duy Hy đã gặp gỡ hàng trăm người, lội khắp hang cùng ngõ hẻm, một thân một mình năm này qua năm khác cặm cụi ghi chép, đối chiếu, xác lập lý lịch của tác phẩm, của người cung cấp thông tin, rồi nhờ các bậc túc Nho chú giải (Trương Duy Hy không rành chữ Hán).

Vào khoảng cuối năm 1974 tập biên khảo hoàn thành sau tám lần viết với tên gọi “Tú Quỳ danh sĩ Quảng Nam”. Đây là một tập biên khảo công phu và có thể nói là đầy đủ không thể hơn về thân thế sự nghiệp và tác phẩm của cụ Tú. Phần các tác phẩm của cụ Tú được chia từng phần theo thể loại (văn tế, phú, vè, thơ, câu đối…), có chú giải, có phụ lục nêu rõ những vấn đề có liên quan.

Chặng đường thứ hai là chặng đường tìm lại Tú Quỳ.

Tập biên khảo chưa kịp xuất bản thì bị mất! Tiếp sau đó là những tháng ngày vô cùng long đong, lận đận, tưởng khó có thể trụ vững với một con người. 4 năm, 1.460 đêm, không đêm nào ông không vắt tay lên trán đọc thuộc lòng các tác phẩm của Tú Quỳ. Ông cho biết chính Tú Quỳ làm cuộc đời ông có ý nghĩa và việc khôi phục lại Tú Quỳ là một cách ông trả nợ quê hương. Có lẽ vì thế, bản đánh máy mới dễ dàng hơn, công việc trơn tru hơn. Tuy nhiên ở chặng đường mới này ông lại đối diện với những cái ông không ngờ tới, những thử thách không kém chặng đường thứ nhất, thể hiện ở một bình diện khác. Thời gian này một vài học giả nhà nghiên cứu quan tâm tới Tú Quỳ. Một vài người trong số đó lại có cách đánh giá khác về Tú Quỳ. Thật may cũng còn có những tiếng nói của xứ Quảng khác, bênh vực, động viên, cổ vũ, tìm mọi cách giúp Trương Duy Hy hoàn thành sự nghiệp của mình (Hoàng Châu Ký, Hồ Hải Học, Hoàng Hương Việt, Hoàng Minh Nhân, Thanh Quế…).

Chặng đường cuối, về đích, được tác giả xếp ở những trang cuối cùng. Buổi thuyết trình Tú Quỳ được tổ chức tại Viện Văn học Việt Nam với sự chủ trì của GS Viện trưởng Phong Lê cùng sự tham dự của Viện sĩ Hoàng Trinh, các GS Nguyễn Huệ Chi, Trần Đình Hượu, Nguyễn Đình Chú, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân… Hầu như các ý kiến đã đánh gía rất cao công trình của họ Trương. Tiếp đó là buổi thuyết trình ở câu lạc bộ Thăng Long ở Hà Nội, ở Sài Gòn, Hội An, ở tại quê hương Giảng Hòa của cụ Tú Quỳ…

Trước khi tập hồi ký khép lại là bản sao quyết nghị đặt tên đường Tú Quỳ của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng là hình ảnh tác giả đứng cạnh tấm biển ghi tên phố Tú Quỳ…

Nhiều người nhận xét Trương Duy Hy là người cực đoan, là người “Quảng Nam chủ nghĩa”. Nhưng nếu không thế, sẽ không có một “Trương Duy Hy - Tú Quỳ” như chúng ta đang có. Nếu không sợ quá lời thì có thể nói rằng bà thân mẫu cụ Tú có công sinh thành, còn người đi tìm và dựng chân dung cụ là Trương Duy Hy.

Hồi ký trên đường đi tìm Tú Quỳ với cách viết giản dị, tôn trọng đến cùng sự thật. Khi có người hỏi vì sao ông có đủ tình yêu, đủ nghị lực để vượt qua mọi thử thách, gian nan trong công việc tìm hiểu, xác lập giá trị của thơ văn Tú Quỳ, Trương Duy Hy nói: “Chỉ là chút tình với quê hương”.

Vâng, chỉ với chút tình đó, ngoài những tác phẩm về Tú Quỳ, Trương Duy Hy đã công bố các công trình có giá trị về  Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601-1919 (viết chung với Phạm Ngô Minh); Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa; Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam dưới thời Nho học; Lược sử làng Minh Hương thành phố Hội An; Hát Bá trạo-hò đưa linh (viết chung với Trương Đình Quang) và sẽ xuất bản các tác phẩm: Tác giả và tác phẩm Quảng Nam-Đà Nẵng 1858-1945; Hào khí Quảng Nam…

Một mối tình thật sâu đậm, tha thiết biết bao.

Ý NHI - TRỌNG DŨNG

(*)  Đọc Hồi ký trên đường đi tìm Tú Quỳ của Trương Duy Hy NXB Văn học, 2012.

;
.
.
.
.
.