.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Chuyện tờ sắc bị khuyết tên

Ngày 18-5 vừa qua, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận bức sắc phong “Thự Điện Hải thành Thành Thủ úy” do ông Bùi Văn Quang, Hội viên CLB UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam tại Nam Định hiến tặng. Bản sắc phong bằng giấy dó màu vàng nhạt, không còn nguyên vẹn, một số chữ đã mất do mối mọt gặm nhấm, kể cả tên vị quan được phong.

Người được phong sắc thuộc dòng Tôn thất

Nội dung bức sắc phong đóng ấn “Sắc Mạng chi Bảo” như sau:

“Sắc Thần Cơ doanh, Tiền vệ, Nhất đội, Cai đội Tông… tùng bộ vụ dự hữu công trạng tư Binh Bộ nghị bổ đề chuẩn nhỉ thăng Thự Điện Hải thành Thành Thủ úy… thuộc biền binh tùng cai quản viên kỷ chư công vụ phụng hành nhược khuyết chức phất kiền minh chương cụ tại… Minh Mạng nhị thập nhất niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật”.

Tạm dịch: “Sắc phong Cai đội, Đội nhất, Vệ tiền Doanh Thần Cơ Tông…(mất chữ) có công trạng truy bắt tội phạm, tư cho Bộ Binh nghị bàn chuẩn chi thăng viên này làm Thự Thành Thủ úy thành Điện Hải… (mất chữ) thuộc biền binh, cùng viên cai quản các công vụ tuân phụng thi hành, nhược bằng sai sót chức vụ, không cung kính làm rõ… ( mất chữ). Minh Mạng năm thứ 21, tháng 7 ngày 24”.

Người được phong chức trong tờ sắc này là một người thuộc dòng Tôn thất, tên bị khuyết.

Chữ 宗 thời Minh Mạng đọc là Tông, nhưng sang đời Thiệu Trị thì âm Tông này kỵ tên húy vua Thiệu Trị nên phải đọc là Tôn và viết là 尊. Theo đó, Tông nhân phủ đổi thành Tôn nhân phủ, Tông thất thành Tôn thất.

Theo sắc phong thì vị Tôn thất này nguyên là Cai đội của Đội thứ nhất, thuộc Vệ tiền của doanh Thần Cơ. Ông chỉ huy 50 lính vì có công tróc nả tội phạm nên được xét thăng Thự Thành Thủ úy, tức là quyền tạm thời chức Thành Thủ úy, thuộc hàng tứ phẩm.

Mặc dầu danh tánh vị quan chủ nhân tờ sắc bổ bị khuyết, nhưng nhờ chữ Tông (Tôn) còn sót lại chúng tôi đã có thể xác định được tên đầy đủ của ông là Tôn Thất Trực, tháng 7 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) ông từ Cai đội, Vệ tiền, doanh Thần Cơ được thăng bổ Thự Thành Thủ úy thành Điện Hải. Năm sau, vào tháng 7 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) ông  được thăng Phó Vệ úy Vệ Kim Ngô. (Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, quyển IV, tr.202, NXB Giáo Dục).

Bối cảnh sắc phong

Sắc phong này được ban hành vào tháng 7, năm Minh Mạng 21 (1840). Theo sách đã dẫn, vua cho vũng Trà Sơn đầu cửa biển Đà Nẵng là chỗ trọng địa cần phải phòng thủ cẩn mật, nên phái Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ cùng Phó Vệ úy Vệ Loan Giá Tôn Thất Tường đi kiểm tra các thuyền binh, đó là loại thuyền lớn bọc đồng có trí súng thần công.

Khi đi thanh tra về, Nguyễn Công Trứ đề nghị tăng cường thêm lính cũng như vũ khí để việc phòng thủ được vững chắc. Ông còn đề nghị xây thêm một pháo đài ở đảo Mỏ Diều để cùng các đồn Điện Hải, An Hải, Định Hải hỗ trợ cho nhau khi có biến. Vua y lời cho xây thêm pháo đài ở đó và đặt tên là Phòng Hải.

Bốn đài Điện Hải, An Hải, Định Hải, Phòng Hải được đặt dưới quyền chỉ huy của Lãnh binh Lương Văn Liễu.

Vào lúc này, thanh tra phát hiện Lãnh binh Lương Văn Liễu và Thành Thủ úy Trần Văn Đỗ bê trễ trong việc phòng thủ nên cả hai đều bị phạt trượng (đánh đòn). Lương Văn Liễu nguyên là Phó Vệ úy Vệ trung, doanh Tiền Phong được bổ làm Lãnh binh Quảng Nam vào tháng giêng năm Minh Mạng 21 (1840). Tháng 6 năm ấy Phó Vệ úy Vệ trung, doanh Thần Cơ là Nguyễn Văn Di sung bổ làm phó Lãnh binh Quảng Nam.

Trong khi tháp tùng Nguyễn Công Trứ, Phó Vệ úy Tôn Thất Tường còn có nhiệm vụ đem theo hai suất đội của doanh Thần Cơ để kiểm tra 144 cỗ súng Hồng y và Quá sơn. Họ phải bắn thí nghiệm những cỗ súng đó.

Để kiện toàn nhân sự, cả hai thành Định Hải và Điện Hải đều thay Thành Thủ úy mới. Người được bổ nhiệm tạm quyền Thành Thủ úy thành Điện Hải trong sắc phong này có thể là một trong hai Cai đội của doanh Thần Cơ mà Tôn Thất Tường đã đem theo lúc đi thanh tra cùng Nguyễn Công Trứ. Và người đó là Tôn Thất Trực như đã nói trên.

Sau chuyến đi Đà Nẵng của Nguyễn Công Trứ, triều đình lại bổ nhiệm Tả Tham tri Bộ Lễ gia hàm Tham tri sung biện việc Nội các là Nguyễn Tri Phương làm Thự Tuần phủ Nam Ngãi. Vua Minh Mạng căn dặn Nguyễn Tri Phương phải gia tâm xem xét hai thành Điện Hải và An Hải để phòng sự dòm ngó của người phương Tây.

Việc phát hiện tờ sắc phong Thự Thành Thủ úy Tôn Thất Trực gợi cho ta liên tưởng đến một thời quá vãng, cảm được nỗi lo toan của người xưa trước bóng dáng những chiến thuyền phương Tây đang thấp thoáng ngoài khơi. Từ việc bố phòng, bổ dụng nhân sự, đến hỏa lực đều được cân nhắc kỹ để ứng phó với thời cuộc.

Mặc dù vũ khí của ta không sánh kịp với phương Tây nhưng sự chuẩn bị chu đáo của vua Minh Mạng đã góp phần không nhỏ cho cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược xảy ra 18 năm sau khi nhà vua băng hà. Nhờ đó quân dân Đà Nẵng cùng vị tướng dũng cảm tài năng Nguyễn Tri Phương đã chặn đứng được bước tiến của đoàn quân viễn chinh Pháp khiến chúng phải rút khỏi Đà Nẵng.

CHÂU YẾN LOAN - NGUYỄN THIẾU DŨNG

;
.
.
.
.
.