.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Huyền thoại Tam vị Thủy tướng

.

Đại Nghĩa là một xã nằm về phía tây của trung tâm hành chính huyện Đại Lộc, cách thị trấn Ái Nghĩa khoảng 5km. Về đời sống tinh thần, các phong tục tập quán, tín ngưỡng của các cư dân nơi đây rất phong phú và đa dạng, các đền chùa, miếu mạo, văn thánh đều xuất hiện từ lâu. Phải chăng đây là luật tục của cha ông từ xa xưa đi mở đất đem theo, kết hợp với những gì hiện có trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này?

Miếu Tam vị Thủy tướng đã được dân làng tôn tạo.
Miếu Tam vị Thủy tướng đã được dân làng tôn tạo.

Cũng như các vùng quê khác, lịch sử lập làng của Đại Nghĩa gắn liền với việc các tiền nhân đi mở đất, những phong tục tập quán, nghi lễ mang đậm dấu ấn ghi công đức dựng ấp, lập làng của những người đã khuất. Cùng với những ngôi đình cổ, những miếu thờ về những vị thần linh cũng được tạo dựng để tôn kính các vị thần hoàng, đất đai..., nhằm cầu mong thánh thần luôn đem đến những điều tốt lành cho cư dân đang sinh sống.

Miếu thờ Tam vị Thủy tướng là một trong những miếu thờ mang dáng dấp ấy, nó được xem là tín ngưỡng mang đậm yếu tố dân gian của cư dân nơi đây. Miếu nằm ở ấp xóm Đông, thôn Phiếm Ái 1, xã Đại Nghĩa, sát đường giao thông liên thôn, được dân làng tôn tạo khá trang nghiêm, có bóng cây che mát.

Theo lời các cụ cao niên trong làng, xưa có một đôi vợ chồng trẻ lấy nhau đã lâu, tuổi đã lớn nhưng chưa có con. Bỗng nhiên, đến năm 70 tuổi, bà lão mang thai và đến ngày trở dạ, sinh nở ra ba quả trứng. Sợ dân làng đàm tiếu và cho rằng đây là điềm xấu đối với gia đình, họ tộc và làng xóm, nên ông lão đem ba quả trứng bỏ xuống vũng sâu cách xa nhà ở.

Chẳng bao lâu, ba cái trứng kia nở ra 3 con rắn to, chúng tìm đường bò về gia đình nhà ông bà lão. Động lòng thương xót, ông bà lão không nỡ đuổi đi, họ nuôi chúng như những đứa trẻ con, hằng ngày chúng bò ra đám cỏ xanh trong vườn để nằm. Một hôm, ông lão làm cỏ trong vườn, vô tình lưỡi cuốc chém đứt lìa đuôi một trong ba con rắn, máu tuôn lai láng, nhưng không chết và sau này con rắn bị cụt đuôi dân làng gọi là ông Cụt.

Thời gian trôi qua, ba con rắn ngày một lớn lên, dân làng đến xem và sợ rằng một ngày nào đó mình và con cháu sẽ bị rắn cắn. Hai ông bà  trao đổi với nhau, bèn đóng bè và đem ba con rắn thả trôi sông, bè trôi về dừng lại ở một bàu rộng gần đó, dân làng quen gọi là bàu Ông. Cũng có người kể khác rằng, chiếc bè bị nước chảy xiết, đánh gãy tan tành khiến ba con rắn trôi đi mỗi con một nơi. Mỗi nơi có rắn trôi đến, dân làng dựng lên một ngôi miếu, gọi là miếu thờ thần Rắn. Riêng miếu chính nằm ở xóm Đông, xã Đại Nghĩa, do các “thần Rắn” từng đi bè trên sông nên dân làng gọi là miếu Tam vị Thủy tướng và xem các vị là thần linh cai quản sông nước.

Hằng năm, đến ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch, dân làng về miếu thờ Tam vị Thủy tướng tổ chức lễ hội để cầu xin mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, gia đình ấm no, dân làng bình yên không gặp rủi ro về thiên tai, bão lũ. Đây cũng là dịp để cho dân làng cùng nhau tổ chức hội hè, đua ghe trên sông nước, nhiều trò chơi dân gian, các món ăn dân dã...  thành một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đông vui trong dịp đầu Xuân.

Dẫu rằng, tập tục thờ cúng Tam vị Thủy tướng ở Đại Nghĩa có tính chất huyền thoại, nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng sông nước, ít nơi nào có. Phải chăng tục truyền này mang dáng dấp của văn hóa cổ xưa, bởi những vị thần Rắn và bàu Ông phần nào thể hiện tính cách văn hóa Champa - Đại Việt? Xin nhờ sự đoán định một cách chính xác của các nhà khoa học lịch sử quan tâm nghiên cứu...

PHẠM VĂN BÍNH

;
.
.
.
.
.