.

Còn lại những câu thơ

.

Trong chuyến đi lịch sử trên một trăm năm trước, qua vùng Tý, Sé, Dùi Chiêng, cùng với các chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, để tuyên truyền cho phong trào Duy Tân, chí sĩ Trần Quý Cáp đã để lại cho hậu thế mấy câu thơ tuyệt bút về vùng đất này:

Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm.

Gập ghình chân bước Răm, Ri, Liêu.

Các chiến sĩ giải phóng quân, trước khi xuống đồng bằng, cũng từng gập ghềnh dưới mưa bom qua Hòn Kẽm Đá Dừng, qua Tý, Sé… Từ miền Bắc vào lại miền Nam, một lần xuống núi, từ Vùng B - Đại Lộc, qua Khu Tây Duy Xuyên, dừng chân ở ngã ba sông, xuôi dòng Thu Bồn về Điện Thắng quê mẹ, hay qua sông Bà Rén, về Duy Xuyên, nơi có các anh em nhà báo Quảng Đà? Thu Bồn trăn trở:


Qua rồi, Tý, Sé, Dùi Chiêng,
Dòng sông nức nở, ngả nghiêng đôi bờ,
Như ta đang xé vần thơ
Sông còn Giao Thủy, ta bơ vơ dòng.
Chia tay em với nước ròng,
Anh về gạn đục, khơi trong gửi nguồn.

Qua Đèo Le, qua đoạn đường đèo từng bị bom pháo, đến một con suối, gọi là suối Nước mát, nơi thời kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Khương Hữu Dụng đưa vợ con từ Quảng Huế tản cư lên Trung Phước, rồi dẫn nhau lên dựng một cái “Quán Lưng Đèo”. Quán bán bánh, chuối, chè ngọt không còn, chỉ còn trong trí nhớ những câu thơ ông làm để quảng bá mời khách qua đèo:

Đèo Le, có quán Lưng Đèo.
Đường mai Trung Phước, dặm chiều Quế Sơn,
Hỡi ai gối mỏi, chân chồn,
Xin mời…

Người có cái quán lưng đèo ấy, theo con đường kháng chiến trường kỳ gian khổ, đã để lại “Từ đêm mười chín”. Ngày ấy xa rồi, và ông cũng đã đi xa rồi, còn lại những câu thơ, đọc lên, như có đoàn quân trên lưng đèo ra trận:

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng
Lên đàng chân lại nối theo chân
Đêm qua đầu chụm run trên đá
Nay lại cùng mây sưởi nắng rừng

Ngày nay, không phải “gối mỏi chồn chân”, mà bằng xe máy, ô-tô, lên Đèo Le, đến nơi quán Lưng Đèo ngày xưa, có mấy quán gà “đi bộ” tấp nập du khách!  

Sông Thu Bồn chảy qua chợ Củi - Câu Lâu, đưa thuyền bè chở nông thổ sản về xuôi. Dân cư đông đúc, cuộc sống sung túc, cùng những chuyến giao lưu buôn bán hình thành nên những bến đò nổi tiếng: Bến Đường, Bến Hục, Bến Mía, Bến Vân Ly, Bến Tư Phú, Bến An Phú Đông, An Phú Tây, Bến Long Hội. Từ những bến sông thân yêu, đã nhiều lần đi qua, trong nỗi nhớ xa quê, nhà báo Trần Nguyên (Trần Phát) đã khóc thương người con gái Thu Bồn, khi biết chị bị tay sai giặc Mỹ tra tấn cực hình:

Em nằm đó, không rên, không khóc,
Anh nghe lòng khóc mãi từng cơn.
Đúng chứ Nhâm ơi! Đất nước Thu Bồn,
Không để một ai hiu quạnh...

Bây giờ, ô-tô, xe máy, không còn ai đi qua các bến sông xưa nên không biết các bến sông với bao buồn vui ấy giờ ở đâu!

Ngày 22-4-1973, tại Thạnh Mỹ, giữa thời kỳ ác liệt và khẩn trương nhất trên chiến trường Quảng Nam-Quảng Đà, ra mắt công trường, mang tên Thắng Lợi. Một công trường với vốn liếng ban đầu trên 500 con người chân dép cao su, trong kho chỉ có 18 ang sắn lát, 3 ang muối, 7 ang gạo, mà yêu cầu phải làm đường nối đường mòn Hồ Chí Minh để kịp đưa vũ khí, lương thực xuống đồng bằng, phục vụ chiến dịch lớn. Làm đường bằng rìu, cuốc, xà beng, với một lò rèn gồm bốn thợ, tự rèn bằng nguyên liệu lấy từ các cây cầu hư trên đường 14 - con đường thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu và nỗi đau của những người phu Việt Nam, từ thời Pháp thuộc.

Trên con đường mới mở, từ trong núi, xuyên rừng, vượt sông, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ từng làm đau đầu cáo già Kissinger tại Hội nghị Paris về Việt Nam, một lần đi qua Trao, trên con đường mới mở, đã thốt lên:

Qua Trao thì đến bến Giằng,
Phải chăng đất Quảng anh hùng là đây?

Và cũng trên con đường này, trong một chuyến đi qua “Nước non ngàn dặm”, trên “Đường ra phía trước, đường về tuổi xuân’’ sau “Nửa đời tóc ngả màu sương”, “Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê”, Ủy viên Bộ Chính trị, nhà thơ Tố Hữu, trong một “Đêm rằm vằng vặc Bến Giằng trăng lên”, cùng vui với bà con Làng Rô, đã không quên những ngày của tháng 3-1942. Lúc ông cùng bạn tù Huỳnh Ngọc Huệ, người con của Đại Lộc-Quảng Nam, đã vượt ngục Đak Lay, sau hai mươi bảy ngày đêm luồn rừng, đói, mệt, thì gặp bà con người dân tộc Cơtu - Giằng. Biết các anh là tù Cộng sản đang bị tầm nã, liền cho ăn, cưu mang, bảo vệ. Nhà thơ nhớ đến người con gái của già làng đã đưa các anh đi lách đồn Tây cho thoát:

Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi
Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng
Trăm năm ta nhớ ơn làng
Cánh tay che chở bước đường gian nguy
Thương em, cô gái Sông My
Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng…

Dù đã trở lại thăm làng, thăm những người đã cưu mang, song, trước khi từ giã cõi đời, Tố Hữu vẫn chưa yên lòng: “Với tôi, dù có bao đóng góp, bao bài thơ, riêng món nợ làng Rô còn chưa trả nổi, chỉ riêng món nợ làng Rô mà thôi!”.

Từ trong những khu rừng già thương tích vì đạn bom thù, Công trường Thắng Lợi đã mở các tuyến đường Trà My-Tứ Mỹ-Kỳ Sanh, Trà My-Dùi Chiêng-Nông Sơn, Hiệp Đức-Việt-An-Quế Sơn, Hiệp Đức-Việt An-Phước Hà… Hàng ngàn thanh niên xung phong ở các buôn làng đồng bào dân tộc, mở đường Quyết Thắng từ Trà My lên Nước Ca, Nước Vin, lên Nước Giáp, Nước Xa, Nước Là… Xe chạy theo con đường mới mở, còn gập ghềnh, đến vùng căn cứ của Khu Năm thì Tố Hữu bỗng nghe:

Hương đâu thơm lựng rừng hè
Nhặt cành lá quế mà tê tái lòng
Trà My đây, hỡi Trà Bồng
Có hay cây quế đợi trông tháng ngày?
Nâng cành quế héo trên tay
Càng thương quế ngọt quế cay cùng người!

Ngày nay, những con đường đến với Trà My đã được trải nhựa, đường nối với đường Hồ Chí Minh, với đường xuyên Á, cây quế một thời là mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng, nhưng nay, quế vẫn đang còn vừa ngọt, vừa cay cùng người.

Bước sang năm 1974, Công trường 2-9 được thành lập, mở đường 16, nối từ đường mòn Hồ Chí Minh xuống “Ngã ba Làng Hồi”, anh chị em thanh niên xung phong đội nắng mưa, đội đất, đội đá, đội cả bom đạn “lấp” sông Hiệp Đức để xe vận tải nặng, xe bọc thép có thể vượt sông. Từ đó, các cứ điểm Nông Sơn-Trung Phước và Thượng Đức-cánh cửa thép vòng ngoài căn cứ Đà Nẵng bị tiêu diệt…

Trong chuyến đi trở lại Trường Sơn, khi bị Đế quốc Mỹ và tay sai ngoan cố, lật lọng, chứng kiến tình cảm và lòng hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ giải phóng quân, ngày đêm trực diện với bom đạn của quân thù hung bạo, Tố Hữu đã thốt lên:

Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa,
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình….

Trên những nẻo đường Trường Sơn, hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh, hàng ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Bao nhiêu nước mắt vẫn còn rơi. Bao nhiêu người vẫn luôn trở lại Trường Sơn từ những câu thơ…

HÀ THANH

;
.
.
.
.
.