.
Cửa sổ tri thức

Thai Xuyên hay Thái Xuyên?

.

* Xin cho biết, giữa Thái Xuyên và Thai Xuyên thì đâu là tên hiệu của cụ Trần Quý Cáp? (Phạm Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam).

- Hiệu của cụ Trần Quý Cáp là Thai Xuyên (台川). Chữ Thai (台) ở đây cùng nghĩa với chữ Thai trong sao Tam Thai (三台), như nguyên văn chữ Hán “Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện” (ảnh) của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Cũng theo cụ Huỳnh (trong “Tiểu sử nhà cách mạng Trần Quý Cáp”), cụ Trần quê ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhân đó lấy hiệu là Thai Xuyên.

Án ba chữ

* Theo tôi biết thì cả ba cách gọi vụ án của Trần Quý Cáp “mạc tu hữu”, “tam tự ngục”, “án ba chữ” cũng chỉ là một, nhưng vẫn chưa hiểu rốt ráo “mạc tu hữu” là gì? (Trần Quang Anh, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Mạc tu hữu (莫須有) nghĩa đen là “không cần có”. Đây là tên gọi vụ án mà Tần Cối giết Nhạc Phi trong lịch sử Trung Hoa.

Nhạc Phi là danh tướng thời nhà Tống (Trung Hoa), được vua đưa đi trấn nhậm biên cương phía Bắc nơi giáp với nước Kim. Vua Kim muốn chiếm Trung Hoa, nhiều lần xua quân lấn chiếm biên giới nhưng đều bị Nhạc Phi đánh bại. Trong 10 năm, ông đã đánh nhau với quân Kim 126 trận và toàn thắng.

Tể tướng nhà Tống là Tần Cối nhận thấy, nếu chiến tranh giữa hai nước kéo dài thì chưa chắc Tống đã thắng và cái ghế Tể tướng của y thế nào cũng bị lung lay. Vì thế, sau một trận đại thắng của Nhạc Phi, trong một ngày, y mạo lệnh vua Tống liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi ông, bỏ vào ngục, sau đó giết cả hai cha con ông.

Giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: Xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu? Tần Cối trả lời: Không có, nhưng cũng không cần có. 3 chữ “không cần có” (mạc tu hữu 莫須有) từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo.

Về sau, Nhạc Phi được minh oan, được truy tặng thụy hiệu là Vũ Mục, hài cốt ông được chôn cất tử tế. Trong Nhạc Miếu ở phía đông ngôi mộ có tượng Nhạc Phi trong bộ nhung giáp ngồi ở chính giữa điện; tượng Tần Cối được đúc bằng gang, cùng vợ là Vương Thị bị còng tay quỳ phía trước để người đi qua nhổ nước bọt vào, nguyền rủa Tần Cối vì thân làm Tể tướng nhà Tống nhưng lại là gian thần bán nước, làm chó săn cho Kim.

Nhắc lại chuyện này, người đời sau gọi là “tam tự ngục” (án ba chữ) như đại thi hào Nguyễn Du trong bài thơ chữ Hán “Nhạc Vũ Mục mộ” với câu “Tướng phủ dĩ thành tam tự ngục/ Quân môn do tích thập niên công” (Ở phủ tướng đã khép vào tội ba chữ/ Nơi ba quân còn tiếc công mười năm chiến đấu).

Về “án ba chữ” của Chí sĩ Trần Quý Cáp, học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết trong lời Tựa sách “Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX” (Lam Giang biên khảo, NXB Đông A, Sài Gòn, 1970): “Các bạn đồng chí của Cụ gọi đó là bản án “mạc tu hữu” – có ý so sánh cái chết của Cụ với cái chết của Nhạc Phi, và cái tội của Phạm Ngọc Quát với cái tội của Tần Cối. Cụ được quốc dân thương tiếc, tôn sùng như người Trung Hoa tôn sùng Nhạc Phi, nhưng Phạm Ngọc Quát thì không bị nhục như Tần Cối, nghĩa là bị đúc tượng, quỳ trước đền thờ Cụ để dân chúng đời đời đạp vào đầu, chém vào cổ. Kể ra dân tộc mình quá từ tâm với những tên bán nước, xưa vậy mà nay cũng vậy”.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.