.

Cười trong khói lửa

.

Thật lạ, đọc hồi ký của ông, người ta không nghĩ rằng đó là những dòng ký ức của một con người đã từng vào sinh ra tử, từng giáp lá cà với địch, từng giữ chắc tay lái vượt hàng nghìn cây số trên những chuyến xe vận chuyển lương thực, vũ khí cho kháng chiến. Bằng những nét chữ chân phương của ông, sự hồi tưởng về những năm tháng chiến tranh không ngừng tuôn chảy trong tiếng cười lạc quan vui vẻ.

Ông Thí vui cùng cháu ngoại.
Ông Thí vui cùng cháu ngoại.

Ở tuổi 82, bị căn bệnh viêm tắc nghẹn phổi mạn tính hành hạ, người thương binh đó vẫn nhớ vanh vách từng địa điểm, từng trận đánh, từng chuyến xe từ mấy chục năm trước. Ông sinh năm 1930 ở thôn Bình An, xã Lục Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhập ngũ năm 1952, tham gia kháng chiến ở chiến trường Thừa Thiên. Cùng với lời kể, ông trao tôi cuốn hồi ký với những dòng chảy sống động, được chính ông, Nguyễn Văn Thí miệt mài ghi lại cách đây 5 năm, khi tay chưa quá run và mắt vẫn còn tỏ.

“Kiếm cớ” vui

Thay vì nhắc đến nỗi buồn, sự mất mát và tang thương trong chiến tranh, ông lại luôn “kiếm cớ” để vui, luôn tìm câu chuyện tếu để kể lại. Trừ một số trận đánh quan trọng và những chuyến vận tải hàng quá gian khổ, thì phần lớn hồi ký nhắc nhớ đến những kỷ niệm “cười vỡ bụng”, như cách dùng từ của ông. Gần 100 trang, hồi ký khá cuốn hút không chỉ vì giọng văn hồn nhiên như đang tuổi đôi mươi, mà còn vì những câu chuyện đa dạng mà ông góp nhặt được từ khi ông còn trực tiếp chiến đấu, vào trại thương binh do bị đạn xuyên qua đầu gối trái trong một trận chiến ác liệt, đến lúc ông làm công tác vận chuyển hàng lên chiến khu. Gian khổ đó, nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười lạc quan như để quên đi những tháng ngày máu lửa. Chính tác giả trong một trang hồi tưởng cũng thừa nhận: “Tôi luôn thấy chuyện vui chứ không thấy chuyện buồn. Tôi có những tư tưởng vô tư, mà không lo nghĩ gì đến khó khăn...”.

Không kể những chuyện cười xen giữa các câu chuyện về chiến đấu, vận tải hàng... thì trong 54 câu chuyện được ông ghi lại, có những chuyện được ông đặt cho những tiêu đề hết sức ngộ nghĩnh: Ông bạn hành quân rơi chiếc răng, Bắn một phát súng tự tạo chạy cả làng, Đi chọc sàn bị chọc nhầm, Đại đội trưởng ném cá bằng đạn súng cối... Trong đó, câu chuyện có thể nói gây cười nhiều nhất là chuyện Ông bạn hành quân rơi chiếc răng, kể lại chuyện một đồng chí làm rơi chiếc răng bịt vàng khi đang nhai kẹo trên đường hành quân. Tiếc chiếc răng, nhưng không biết làm sao để tiểu đội dừng lại, đồng chí này bèn bịa là làm rơi ba viên đạn, huy động cả tiểu đội tìm kiếm, nhưng cuối cùng vẫn không thấy. Mãi ba tháng sau, đồng chí này mới dám thú thật với anh em: “Hôm đó hành quân đi buồn buồn, lấy kẹo ra ăn, gặp kẹo cứng rơi mẹ chiếc răng tiếc quá, nên tau dùng mưu đó...”. Vì chuyện này mà anh chàng bị chọc là Sâm sún.

 Lúc khác, khi lái xe từ Phong Thổ về Tuần Giáo, ông cùng đồng đội dừng lại ném mìn bắt cá nhưng sợ đồng bào Tây Bắc lập biên bản, cả nhóm liền giả vờ trói một người và nói là “chúng tôi bắt được người ném cá đem về nộp cho cán bộ”. Nhờ vậy, người Tây Bắc mới “tha” cho họ đi. Hay trong một trận chiến ác liệt khác, trên đường lái xe đi Đèo Đá, Mộc Châu, ông chứng kiến máy bay Mỹ dội bom làm một đàn bò chết tan hoang. Nhưng ông vẫn nhớ để ghi lại chuyện tếu, khi sau đó, đài phát thanh của miền Nam lại đưa tin: “Đội máy bay F105 bay qua khu vực Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã oanh tạc vào đoàn kỵ binh của Việt Cộng...”, các phi công phe địch đã tưởng nhầm đàn bò là... đoàn kỵ binh hàng trăm con bị triệt hạ.

Nỗi đau sau tiếng cười

Nhưng không chỉ có tiếng cười. Ẩn sau giọng điệu lạc quan, những câu chuyện hài hước là những nỗi đau nghẹn ngào đến mức chỉ bật ra mỗi câu: “Chỉ biết đau đớn tiếc thương cho đồng chí mình”, sau những cái chết tang thương của đồng đội cùng chung chiến tuyến. Những trận giáp lá cà khốc liệt, những đêm chạy xe không đèn xuyên rừng, vượt núi, với cái chết trong gang tấc kề bên vẫn không làm ông và những đồng chí mình nao núng. Họ nhìn đồng đội ngã xuống đó, rồi lau  nước mắt đứng lên cầm súng tiến tới. Họ thấy xe hàng dính bom bốc cháy ngùn ngụt đó, rồi vẫn lăn xả lái những chiếc còn nguyên vẹn tiếp tục hành trình, có khi đi về cả gần 2.000 cây số trong hơn một tháng ròng. Trong tiếng cười đó, đôi khi không khí lại chùng xuống bởi chính cảm xúc của phe địch được ông ghi lại khi đi làm công tác địch vận. Những bài hát êm đềm, những câu thơ trong trẻo làm những người lính phe kia cũng có những giây phút gác lại súng ống, để “lắng nghe tiếng người”.

Gian khổ nhất và gần cái chết nhất, có thể kể đến những chuyến xe vận chuyển hàng lên Tây Bắc, Sơn La... rồi trở về Hà Nội, trong khi máy bay địch quần đảo, bắn rocket, pháo sáng... liên tục trên đầu. “Chuyến đi của chúng tôi luôn bị đe dọa, thường xuyên bị khống chế trên bầu trời ban đêm. Nào là pháo sáng, nào là rocket, nào là súng liên thanh, nào là bom tọa độ, bom bi. Còn ban ngày, bất kể mục tiêu di động vịt, gà, chó... chạy, địch vẫn cứ bắn làm cho ai nấy mất ăn, mất ngủ”, ông viết. Họ vẫn căng tai, căng mắt đi trong đêm, qua những bãi sình, đầm lầy, hố bom để đến nơi an toàn, mà trước đó, đã có bao đoàn xe “bị máy bay oanh tạc, bị vùi lấp, cháy xe, lội suối trôi xe và bị đâm đổ...”.

Những năm tháng thanh niên trôi qua. Ban đầu, khi thoát ly gia đình, ông chỉ định đi hai năm, nhưng Tổ quốc bằng tiếng gọi thiêng liêng đã níu giữ người thanh niên đó đến tận ngày hòa bình, với lời nguyện “Bắc Nam thống nhất mới lấy vợ”. Quả vậy, đến năm 1976, khi ông gần 50 tuổi, ông mới kết hôn với một cô gái Hà Nội và có hai con.

Cuối cùng, ông viết: “Với những năm tháng đã trôi đi, nó còn đọng lại những kỷ niệm sâu xa. Và những hình ảnh tốt đẹp về tình đồng đội trong chiến tranh không bao giờ phai mờ...”.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.