.

Đổ xô xuống biển

.

Những ngày nắng nóng cực điểm có đến hàng vạn lượt người “đổ bộ” xuống các bãi tắm ở Đà Nẵng để giải nhiệt.

 Giá cả được niêm yết cùng với đường dây nóng đã giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực tại các bãi tắm ở Đà Nẵng.
Giá cả được niêm yết cùng với đường dây nóng đã giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực tại các bãi tắm ở Đà Nẵng.

Theo thống kê của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thành phố hiện có 16 bãi tắm chạy dọc theo hai tuyến đường chính. Tuyến Hoàng Sa – Trường Sa (đường Sơn Trà – Điện Ngọc cũ) có các bãi tắm theo thứ tự từ phía Bắc xuống: các bãi tắm ven bán đảo Sơn Trà, Mân Thái, Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, T20, T18, Sao Biển, Non Nước. Tuyến Nguyễn Tất Thành có các bãi tắm trải dài từ phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) lên đến Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Nếu tuyến Trường Sa – Hoàng Sa đã có 4 khu nhà tắm ở các bãi tắm Mân Thái, Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê và Sao Biển thì ở tuyến Nguyễn Tất Thành, dịch vụ phục vụ khách tắm nước ngọt sau khi tắm biển này vẫn còn nằm trên dự án. Sắp tới, sẽ có hai khu nhà tắm nước ngọt được xây dựng ở phường Xuân Hà và ngã ba Nguyễn Chánh – Nguyễn Tất Thành.

Bãi tắm lớn nhất Đà Nẵng hiện nay là bãi tắm Phạm Văn Đồng ở phía bắc Công viên Biển Đông, gồm ba bãi tắm mang số từ 1 đến 3. Theo thông tin của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), bãi tắm công cộng này được xây dựng với kinh phí 12 tỷ đồng, có diện tích 7.726m2 với các công trình phụ trợ gồm: 1 đài chứa nước, 6 hồ chứa nước ngọt, 26 dãy vòi sen, 24 phòng thay quần áo bằng composit. Chỉ riêng bãi tắm có vị thế đắc địa này cũng đã có thể phục vụ  từ 3.500 đến 4.000 lượt người đến tắm biển mỗi ngày. Vì thế, con số dẫn ra ở đầu bài là hoàn toàn khả tín.

Khi cần phản ánh các tình huống về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý giá cả dịch vụ… tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng, người dân và du khách có thể liên hệ số điện thoại đường dây nóng 0511.2218.878 của Đội Quản lý trật tự du lịch biển để được giải quyết nhanh chóng và kịp thời.

Ông Hồ Văn Ban, chủ khu nhà tắm số 1 ở bãi tắm Phạm Văn Đồng cho biết, ông làm dịch vụ cung cấp nước ngọt cho khách tắm biển từ năm 2003. Lúc đó, mặc dù người dân bên kia sông nườm nượp kéo qua tắm biển sau khi cầu Sông Hàn khánh thành được 3 năm, nhưng cả bãi tắm này hãy còn quá hoang sơ. Đến khi thành phố đầu tư xây dựng các bãi tắm, từ cảnh quan, môi trường cho đến công tác cứu hộ, dịch vụ phụ trợ, nơi này mới thực sự trở thành điểm “giải nhiệt” cho người dân và du khách.

Các dịch vụ phụ trợ tại các bãi tắm gồm: giữ xe tắm nước ngọt, kinh doanh nước giải khát, cho thuê phao, chụp hình, bán diều... Khách còn có thể hòa mình vào hoạt động thể thao biển. Ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết phía bắc Công viên Biển Đông đến nút giao thông Nguyễn Công Trứ, bãi tắm T18, bãi tắm Sao Biển, Ban quản lý đã lắp dựng 14 sân bóng chuyền, 8 sân bóng đá, 2 xà đơn, 2 xà kép. Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành có 4 khu thể thao biển (Xuân Hà, Phú Lộc, Trần Đình Tri, Nguyễn Chánh), mỗi khu được lắp đặt 1 sân bóng đá, 1 sân bóng chuyền, 1 xà đơn, 1 xà kép.

Ở bãi tắm Sao Biển gần đường Hồ Xuân Hương, ông Mai Xuân Tú mới trúng thầu và tiếp quản khu nhà tắm nước ngọt từ tháng 4 năm ngoái. Theo ông, muốn hút khách thì bãi tắm phải sạch và có đủ nước ngọt. Ông từng tắm nước ngọt rồi mà về nhà vẫn phải tắm lại, nên ngay sau khi tiếp quản nơi này đã cho đóng thêm 11 máy bơm phụ trợ xả trực tiếp vì 40m3 nước ngọt chứa trong các bể ngầm không đủ cho khách tắm trong suốt 1 giờ sau khi từ biển lên. Trời càng nóng, người tắm biển càng đông. Ở bãi tắm Sao Biển, theo ông Tú, ngày nắng gắt, buổi sáng có từ 500-700 người đến tắm, buổi chiều đông gấp 3 buổi sáng.

Chiều xuống, rất nhiều ô-tô đậu dọc tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa, ngoài các xe đến từ hai đầu đất nước, có cả xe đến từ tỉnh Quảng Nam anh em. Khách xa không chỉ ngưỡng mộ vì bãi biển Đà Nẵng sạch, đẹp, an toàn mà còn ngạc nhiên vì giá dịch vụ ở các bãi tắm. Giá giữ ô-tô dao động từ 10.000 đồng/xe/lần gửi (xe từ 4-9 chỗ ngồi) đến 30.000 đồng (xe trên 29 chỗ ngồi). Giữ xe máy 3.000 đồng/xe/lần gửi, tắm nước ngọt 1.000 đồng/người/lần tắm. Giá này được điều chỉnh từ ngày 1-5 vừa qua theo Công văn số 2358/UBND-KTTH ngày 13-4-2012 của UBND thành phố, trước đó giá còn thấp hơn.

Mức giá dịch vụ trên dù tăng nhưng không đáng kể, không gây thiệt hại cho người dân tắm biển cũng như các hộ kinh doanh - ông Hải nhận xét. Du khách các nơi đến Đà Nẵng tắm biển thì lại bảo “thu thấp như thế thì làm sao mà giàu được?!”. Nghe vậy, những chủ khu nhà tắm nước ngọt như ông Ban, ông Tú đều cho rằng chủ yếu là lấy công làm lời, không phải thấy người ta đổ xô xuống biển mà tùy tiện nâng giá, ép giá. Tạp chí Forbes (Mỹ) đã bình chọn biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh thì trong cách phục vụ khách tắm biển mình cũng phải làm thế nào cho thật quyến rũ.

Có thể nói, so với các bãi tắm trên cả nước thì dịch vụ ở các bãi tắm Đà Nẵng vào mùa nắng nóng rất phong phú, đảm bảo tính hợp lý về giá cả, bảo đảm chất lượng và không gây ảnh hưởng xấu đến du khách.

Qua gần 10 năm làm nghề, tôi thấy ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân Đà Nẵng giờ đã khác xưa. Tình trạng say xỉn quậy phá gần như chấm dứt; khi lên tắm nước ngọt, hầu hết mọi người đã biết vứt bao bì các loại dầu gội, xà phòng... vào thùng rác, không bạ đâu vứt đó như những năm trước.

Hồ Văn Ban

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.