.

Du học sinh Lào ở Đà Nẵng

.

Ở nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố, sự xuất hiện của du học sinh (DHS) Lào đã làm phong phú thêm bức tranh hợp tác về giáo dục giữa hai quốc gia Lào-Việt. Sau mười năm, Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng gần 600 DHS Lào vào học các chuyên ngành khác nhau…

Hai du học sinh Lào, Xaysena Ronereochay (trái) và Lamngeun Xaxasene đang trao đổi tài liệu học tập trong khuôn viên KTX ĐH Kinh tế Đà Nẵng.
Hai du học sinh Lào, Xaysena Ronereochay (trái) và Lamngeun Xaxasene đang trao đổi tài liệu học tập trong khuôn viên KTX ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Bỡ ngỡ những ngày đầu đến Đà Nẵng

Thường xuyên có những buổi tiếp xúc, nói chuyện với DHS, ông Hồ Công Lam, thành viên Ban hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng, hầu hết các DHS Lào khi đến Đà Nẵng đều trải qua giai đoạn làm quen. Hành trang đến Việt Nam của các em chỉ là sự nhiệt tình và thái độ ham học hỏi, còn tiếng Việt một chữ bẻ đôi cũng không biết. Điều đó khiến chất lượng học tập của DHS còn hạn chế.

Trường hợp của Xaysena Ronereochay, SV lớp Cao học ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Kinh tế Đà Nẵng là một ví dụ. Những ngày đầu đặt chân đến Đà Nẵng, Ronereochay ít khi ra đường một mình vì sợ phải nói chuyện với người bản xứ. Nếu lỡ phải ra đường, bạn đều kè kè cuốn từ điển Tiếng Việt bên mình. Ronereochay chia sẻ, thời gian này bạn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ thầy cô, bạn bè người Việt. Nhờ thế, vốn tiếng Việt ngày một khá, kiến thức tiếp thu trong lớp cũng theo đó dày thêm.

Mặt khác, để hỗ trợ SV Lào trong việc trao đổi và tiếp thu kiến thức, trong năm học đầu tiên, ĐH Đà Nẵng đã tổ chức cho các em được học một khóa tiếng Việt tại trường ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, Xaxasene, nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh tại một trường ĐH nói: “Một năm học tiếng Việt, mỗi ngày 1 buổi, chưa thể giúp chúng tôi có đủ vốn từ để theo kịp SV Việt Nam trong quá trình học tập. Nhưng bù lại, chúng tôi cảm thấy rất thích thú khi được học một ngôn ngữ mới, văn hóa mới”.

Trở thành con nuôi

Nhằm tạo cơ hội trao đổi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho SV Lào thông qua hoạt động ở nhà dân, từ năm 2011, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho SV Lào. Trong hai năm triển khai (2011-2012), chương trình đã đưa 100 DHS Lào ở các trường ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm đến ở nhà dân trong khoảng thời gian 2 tuần.

Hai tuần là thời gian không dài nhưng sự gắn bó, chia sẻ của những người bố, người mẹ Việt Nam đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên với DHS Lào. Ngày đến ở nhà cô giáo Tạ Thị Toàn, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Đà Nẵng, Phouthaphone (SV khoa Giáo dục Mầm non, ĐHSP Đà Nẵng) rất nhiệt tình và vui vẻ. Thời gian này, bạn nói chuyện nhiều, tham gia vào hoạt động của gia đình để củng cố thêm kiến thức tiếng Việt. Phouthaphone nói vui: “Đây thật sự là mái nhà thứ hai của tôi. Bởi giờ đây, tôi đã có thêm ba, thêm mẹ là người Việt. Điều này thật hạnh phúc”.

Còn ông Nguyễn Nhi (số 119 Phạm Như Xương), người đã 2 lần nhận “nuôi DHS Lào chia sẻ: “Đợt trước tui có 2 con trai, giờ có 2 con gái. Vậy là đủ “cả nếp lẫn tẻ”. Sự xuất hiện của các thành viên mới đã mang đến cho gia đình tui nhiều tiếng cười và niềm vui”.

Để chương trình ở nhà dân thành công, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt - Lào thành phố Đà Nẵng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí ăn ở, tham quan và trao học bổng cho các DHS Lào khó khăn với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Ngoài ra, SV Lào khi đến Đà Nẵng học tập đều được bố trí vào ăn ở, sinh hoạt tại KTX các trường ĐH. Thạc sĩ Phan Kim Tuấn, Trưởng phòng Công tác SV của Trường ĐH Kinh tế cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và khuyến khích SV Lào tham gia. Cũng như hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, sân tập, nhà thi đấu, phương tiện di chuyển khi các du học sinh có nhu cầu”.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.