Sau hơn 15 ngày thâm nhập thực tế trên nhiều địa phương phía Bắc, vào trung tuần tháng 7, tại Nhà sáng tác Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) đã diễn ra lễ bế mạc Trại sáng tác VHNT thành phố Đà Nẵng 2012. Năm nay, 14 tác giả tham gia Trại đã đem đến 36 tác phẩm với nhiều thể loại, thơ văn, nhạc, kịch, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghiên cứu. Hầu hết các tác phẩm được đánh giá là những công trình dài hơi, có chất lượng cao và hoàn chỉnh ngay tại Nhà sáng tác.
Ký họa phong cảnh Nhà sáng tác Đại Lải (bút sắt) của Lê Huy Hạnh. |
Đầu tiên, cần nhắc đến là nhạc sĩ Trần Hồng (83 tuổi), tác giả của nhiều tập sách sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc. Ông cũng là một trong những tác giả VHNT của Đà Nẵng đoạt giải thưởng Nhà nước trong đợt vừa qua. Tác phẩm của ông công bố lần này là công trình sưu tầm biên soạn nghiên cứu có tên Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt.
Nhà thơ Ngân Vịnh, một trong những gương mặt quen thuộc của văn nghệ Đà Nẵng, có sở trường về thơ lục bát. Ở thể thơ truyền thống này, nhà thơ sử dụng ngôn từ đắc địa, nhịp điệu uyển chuyển, tứ thơ lạ, tạo nên chiều sâu cảm xúc thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở thể thơ tự do, anh cũng có những phá cách bất ngờ, những liên tưởng độc đáo, đem lại sự mới mẻ về nội dung và hình thức biểu đạt. Càng dễ nhận thấy điều này qua tập thơ Tôi lượm nhặt tháng ngày tôi vừa hoàn thành của anh. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, tác giả xông xáo của nhiều thể loại văn học như thơ, truyện, ký, lý luận phê bình…, song theo anh: “Mọi thứ tôi có thể lựa chọn được, trừ thơ bởi nó dường như là con đường định mệnh”. Có lẽ vì vậy, tác phẩm mới nhất của anh lần này cũng là một tập thơ mang tên Lửa không tắt.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám góp mặt tại Trại sáng tác với Hà Nội - nơi tôi về (tập nhạc) và Hương cỏ (tập thơ). Xúc động hơn cả, trong số đó nhạc phẩm của anh Tám có bài Tôi vẫn là đất núi phổ thơ Lâm Quý (dân tộc Sán Chay, vốn sinh hoạt tại Hội VHNT Vĩnh Phúc). Tại buổi bế mạc, lúc trình làng tác phẩm, anh mới hay tin Lâm Quý đã qua đời. Lời ca có đoạn: “Nếu như A Nứ về quê cũ/ Núi cũ che nghiêng một khoảng trời/ Còn tôi tôi vẫn là ngọn núi/ Mọc đâu cứ thế mọc thôi…”.
Nhà thơ Mai Hữu Phước - tác giả tập thơ Phiên khúc sang mùa (song ngữ Việt - Anh) vừa mới trình làng, tham gia Trại sáng tác với tập ký sự đường xa Nửa vòng trái đất gồm những mẩu chuyện thú vị được tác giả ghi chép từ các chuyến đi qua các nước Mỹ, Ấn Độ, Lào… Hồi ức hạt bụi bay xa là tập tản văn của Trần Trung Sáng phác họa lại 25 chân dung văn nghệ sĩ quen thuộc đã vĩnh viễn đi xa. Ngoài ra, dịp này, anh cũng hoàn thành phần 1 bút ký Người hát rong thời đại, viết về đời thật nhạc sĩ, ca sĩ Miên Đức Thắng - người có ảnh hưởng rất đặc biệt trong phong trào SVHS miền Nam trước 1975. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương tham gia tác phẩm Trăng sữa, gồm 15 truyện ngắn, viết về những phận đời ngang trái trong cuộc sống.
Họa sĩ Lê Huy Hạnh hoàn thành các tác phẩm mỹ thuật gồm: 1 tranh ký họa và 3 tranh Acrylic. Nhà biên kịch Lê Thành lần đầu tham dự Trại với tác phẩm Lời ru (kịch ngắn). Đáng lưu ý, suốt thời gian hoạt động của Trại, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để đi thực tế, tiếp cận nhiều danh lam thắng cảnh của Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Móng Cái… nên nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh gồm Ngọc Hợi, Ông Văn Sinh, Vĩnh Phan đã nhanh chóng hoàn thành được nhiều tác phẩm sinh động ưng ý, đa dạng đề tài…
Tại buổi Lễ bế mạc bà Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Nhà sáng tác Đại Lải bày tỏ: “Hy vọng, ngoài những tác phẩm được ra đời từ các trại sáng tác, đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng có điều kiện gần gũi, giao lưu với nhiều địa phương, thay đổi không khí, thêm sức sáng tạo cho các tác phẩm nghệ thuật tiếp theo”.
PHƯƠNG MAI