.

Giai thoại về Trần Quý Cáp

.

Có nhiều giai thoại chung quanh cuộc đời và hành trạng của Tiến sĩ Giáo thụ Trần Quý Cáp. Dưới đây là một số giai thoại được tổng hợp và sắp xếp lại từ biên khảo của Lam Giang “Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX” (NXB Đông A, Sài Gòn, 1970).
 

Tượng Trần Quý Cáp tại Trường THCS mang tên ông ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn.                                                    Ảnh: V.P.Q
Tượng Trần Quý Cáp tại Trường THCS mang tên ông ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn. Ảnh: V.P.Q

Thầy Trần bị... ma nhập

Hồi Tiến sĩ Trần Quý Cáp còn làm thầy đồ dạy học ở quê nhà, khoảng năm 1903, có lần thầy trò đang bình sách thì cây đa to bên miếu Thai La thình lình đổ ập. Thầy trò chạy ra xem, thấy trong bộng cây xuất hiện một con vật không rõ là loài gì, đôi mắt sáng chói, chạy qua chạy lại một lát rồi biến mất. Về nhà, thầy Trần phát bệnh cuồng, mọi người cho là do “ma nhập”. Ai đến thăm, ông cũng phun nước miếng và mắng “sao không biết xấu hổ với loài vật”. Khi không có ai, ông thường ngâm câu “Sơn trung miếu đệ bổn thần minh” (trong ngôi miếu giữa núi có vị thần minh).

Gia đình và môn đệ thuốc thang, cầu cúng gần tháng trời mà vẫn cứ thế. Sau, có người mách nên đưa ông xuống chùa Phước Lâm Hội An có khi nhờ oai linh đức Phật mà tai qua nạn khỏi chăng.

Quả thật, với cảnh chùa u nhã, một bên là cổ thụ thâm nghiêm, một bên là hồ sen tĩnh mát, được đàm đạo với sư trụ trì là một vị chân tu trí thức..., chẳng mấy chốc thầy Trần đã lấy lại tâm trong, lòng sáng, trở nên khỏe mạnh như trước. Ông trở về nhà, vừa tiếp tục dạy học, vừa dùi mài kinh sử để ra kinh thi Hội. Ai cũng nể phục đạo pháp cao siêu của nhà sư, đuổi được tà ma lại còn chữa được tâm bệnh cho thầy Trần nữa.

Sau khi phong trào Cần vương (1885 – 1896) tan rã, không ít nho sĩ Quảng Nam tham gia nghĩa hội đã lui về mai danh ẩn tích nơi chốn thiền môn, chờ cơ hội tiếp tục công cuộc vì dân vì nước. Việc liên lạc giữa các vị này luôn được các cặp mắt dò xét, dòm ngó. Với thầy Trần, để qua mặt những kẻ bán rẻ lương tâm theo giặc này, ông thường giả danh làm thầy địa lý đi xem cuộc đất để tìm người tâm phúc. Muốn đến chùa nói chuyện hệ trọng với các nhà sư, ông phải mượn đến một cơ duyên khác.

Cơ duyên đã đến, khi cây đa đổ bên miếu và… ma nhập vào ông. Và mọi việc diễn ra đúng theo “kịch bản” của ông, cái cớ vì đau mà đến chùa tìm thầy chữa bệnh đã qua mặt được mật thám chỉ điểm Pháp và Nam triều.

Chức tiến sĩ và giày tiến sĩ

Giáo thụ Trần Quý Cáp vì đề xướng tân học ở Quảng Nam mà bị “đày” vào Khánh Hòa. Đất khách quê người, ông vẫn thế, cứ… tân học mà hô hào. Ngứa mắt, quan án Phạm Ngọc Quát gọi ông đến dinh cảnh cáo, đại khái nếu còn “cứng đầu” thì sẽ cách chức. Ông đâu có vừa, thản nhiên lên giọng theo kiểu Quảng Nam: Quan lớn chỉ có thể cách cái Giáo thụ của tôi chứ làm sao cách cái tiến sĩ của tôi được?!

Nguyên, Quát vốn chỉ là tú tài chay, nhờ khéo tài xu nịnh mà thăng quan tiến chức. Nghe ông nói thế, hắn cứng miệng, dù biết rằng tay giáo thụ quèn này nó chửi xỏ mình là tên vô học. Về sau, chính hắn “chém ngang lưng” ông bằng cái án “mạc tu hữu” cũng một phần là trả cái hận ngày đó.

Một lần lễ lạt nọ, quan ở các phủ, huyện về tỉnh đường để chào mừng các quan ở tỉnh. Quan nhỏ, tuy trong bụng chẳng hề coi trọng gì các quan lớn, cũng cá mè một lứa ra sức bóc lột dân lành mà thôi, nhưng bên ngoài cứ giả bộ khúm na khúm núm, luồn luồn cúi cúi, coi các quan trên như thánh như thần. Tất cả bỏ giày ngoài hiên, rón rén đi chân đất vào bái kiến.

Riêng Giáo thụ họ Trần cứ ngang nhiên mang giày, thẳng người đi vào, vừa đi vừa lớn tiếng giữa thinh không rằng: Giày của tôi là thứ giày tiến sĩ, mang đến vua cũng được, huống chi là quan cấp tỉnh!

Trần Giáo thụ an nhiên, tự tại bước đi giữa đám người mang tiếng là quan mà tự coi mình như cỏ rác trước quyền thế. Lời nói thẳng ngay, chí lý của ông khiến các quan tỉnh dù trong bụng có ghét cay ghét đắng ông cũng chẳng bắt bẻ vào đâu được.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.