.
GIỚI THIỆU SÁCH

Một con đường, một con người lịch sử

.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên, một nhân vật nổi tiếng, từng đảm trách nhiều chức vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội từ địa phương đến Trung ương, nhưng nói đến ông, người ta thường nhớ đến “vị tướng Trường Sơn” một thời oanh liệt.

Năm nay, ông bước sang tuổi 90, cuốn sách “Trọn một con đường” (TMCĐ) (ảnh) dày gần 700 trang vừa được xuất bản, là bức chân dung toàn vẹn, một nhân vật lịch sử từ tuổi ấu thơ cho tới lúc rời chính trường. Đồng thời, TMCĐ cũng có giá trị soi rọi những sự kiện lịch sử của dân tộc ta hơn nửa thế kỷ qua, từ góc nhìn của một người trong cuộc từng trải, lại luôn đứng ở vị trí cao trên các mặt trận, các công trình trọng điểm quốc gia nên có tầm bao quát và độ tin cậy lớn.

“Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của quân đội…”. (Trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp in đầu cuốn TMCĐ)

Chỉ với mấy dòng vắn tắt này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã có được sự đánh giá khái quát về công lao và nhân cách của Đồng Sĩ Nguyên trong suốt cuộc đời cách mạng hơn 60 năm của ông. Riêng với con đường Trường Sơn, Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo, trong lời giới thiệu cuốn sách “Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” (NXB QĐND tái bản năm 2012) của đại tá Phan Hữu Đại, đã viết: “Sự nghiệp vĩ đại của đường Trường Sơn anh hùng là do công sức, mồ hôi, xương máu và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong làm nên; trong đó không thể không khẳng định công đầu thuộc về tướng Đồng Sĩ Nguyên - một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh đã có công xây dựng nên một nền nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự dưới bom đạn của địch…”.

Vì sao Đồng Sĩ Nguyên làm được như thế? Sẽ có nhiều lời đáp, nhưng có một nguyên nhân quan trọng, lại rất đáng nêu thành bài học hữu ích, trước hết cho những người đang nắm quyền điều hành công cuộc xây dựng đất nước hôm nay ở mọi cấp: đó là tác phong “sâu sát, hiệu quả, nói đi đôi với làm, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm”.

Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về Đồng Sĩ Nguyên như thế! Đã đành, đó cũng là phẩm chất mà mọi cán bộ lãnh đạo phải có, nhưng cần phải nhìn thẳng sự thật là không phải cán bộ nào cũng làm được như vậy. Trong chiến tranh, trên những trọng điểm mà sự sống-chết chỉ cách nhau gang tấc, thật là cảm động và đáng khâm phục, chính Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên lại chọn những nơi nguy hiểm nhất, gay go nhất, suốt ngày đêm quan sát cuộc chiến sinh tử giữa không lực Mỹ với đội quân đang sống chết bám đường; chính nhờ đó, Đồng Sĩ Nguyên đã có những quyết định mới, xoay chuyển tình hình.

Đồng Sĩ Nguyên làm được điều đó, chính vì ông đã được rèn luyện từng trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động - từ một học sinh tiểu học biết tham gia phong trào dân chủ thời kỳ 1936-1937, đến bí thư chi bộ thôn năm 1940, rồi qua Lào - Thái Lan xây dựng cơ sở, trở về nước làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình từ tháng 7-1945, tiếp đó tham gia lãnh đạo chiến tranh du kích ở Quảng Bình… Trước khi làm Tư lệnh Trường Sơn, Đồng Sĩ Nguyên đã từng giữ chức Tổng Tham mưu phó, Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Trung-Hạ Lào, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Đồng Sĩ Nguyên cũng đã từng theo học nhiều trường đào tạo quân sự, chính trị ở trong và ngoài nước, nhưng có lẽ những chức vụ, những thử thách mà ông đã trải qua là trường học lớn nhất đã đào luyện nên một Đồng Sĩ Nguyên “tài ba, trí tuệ và bản lĩnh” như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đánh giá.

TMCĐ đề cập vô vàn sự kiện lớn và hầu hết những nhà lãnh đạo có uy tín nhất của Việt Nam mà Đồng Sĩ Nguyên đã may mắn được gặp, đồng thời tác giả cũng không quên các “chuyện nhỏ”, không quên những người giúp việc gần gũi với ông trong những năm tháng gian nan, trong đó có người như lái xe Phạm Chơn, kỹ sư Phạm Xuân Bách - thư ký riêng của ông đã hy sinh anh dũng khi cùng đi công tác với Đồng Sĩ Nguyên…

Bước qua tuổi 90, Đồng Sĩ Nguyên có thể tự hào đã đi trọn một con đường cách mạng. Và chúng ta hẳn đều nhớ, chính ông, trong thời gian gần đây, là một trong số ít người đầu tiên tố cáo việc cho nước ngoài thuê khai thác những khu rừng hiểm yếu, có thể nguy hại đến an ninh quốc gia…

Từng là một người đã chiến đấu trên Trường Sơn thời chống Mỹ, tôi viết bài báo nhỏ này thay cho lời chúc ông thượng thọ và mong ông tiếp tục có những đóng góp cho cuộc cách mạng đang rất cần những con người biết “nói đi đôi với làm” như  Đồng Sĩ Nguyên.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.